Giải pháp mới dạy về góc và khoảng cách trong hình học không gian

GD&TĐ - Góc và khoảng cách giữa các yếu tố trong không gian, các quan hệ vuông góc là một trong những nội dung trọng tâm của hình học không gian. Trong đó các quan hệ vuông góc sẽ xoay quanh quan hệ đường thẳng vuông góc với mặt phẳng.

Giải pháp mới dạy về góc và khoảng cách trong hình học không gian

Theo thầy Nguyễn Văn Lưu - Trường THPT Gia Viễn A (Ninh Bình) - nếu bài toán chỉ dừng lại ở việc tìm hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng, đa số học sinh có thể làm được do kiến thức đã được rèn luyện và hệ thống khá rõ ràng.

Tuy nhiên để áp dụng nó trong các bài tập khác thì nhiều học sinh còn lúng túng do không hiểu vận dụng như thế nào. Nguyên nhân chính là sự liên hệ các kiến thức trên của học sinh còn kém, sự tư duy tưởng tượng và phán đoán còn yếu.

Những khó khăn thường gặp

Thầy Nguyễn Văn Lưu cho biết: Trong các tài liệu giáo khoa hiện hành (Sách giáo khoa và Sách bài tập cơ bản và nâng cao), kiến thức về góc và khoảng cách trong hình học không gian được trình bày ở học kỳ II sách giáo khoa Hình học 11.

Về tổng thể, tài liệu giáo khoa đã trình bày các khái niệm cơ bản, các trường hợp đặc biệt cũng như hệ thống các ví dụ và bài tập minh họa cho các kiến thức về góc và khoảng cách trong hình học không gian.

Tuy nhiên một số dạng toán còn chưa được đưa ra (khoảng cách giữa hai điểm), một số dạng toán chỉ đưa ra cách giải chung nhất mà thông thường không thể áp dụng ngay trong bài học (khoảng cách từ điểm đến mặt phẳng, góc giữa hai mặt phẳng…), một số dạng toán còn không có hoặc rất ít các ví dụ minh họa cũng như bài tập rèn luyện (góc giữa đường thẳng và mặt phẳng, khoảng cách từ điểm đến đường thẳng…)

Sau một thời gian nghiên cứu các nội dung trên, cũng như đọc qua rất nhiều tài liệu tham khảo và dự giờ nhiều giáo viên khác, thầy Nguyễn Văn Lưu nhận thấy trong cách giảng dạy cũ còn một số hạn chế.

Thứ nhất: Các bài toán cũng như cách giải nêu ra còn khá tổng quan, chưa rõ ràng chi tiết theo từng bước cụ thể chi tiết nên làm học sinh khó tiếp thu. 

Một số dạng toán còn chưa được nêu đầy đủ trong các tài liệu giáo khoa do lượng thời gian có hạn trong chương trình. Tuy nhiên trong các đề thi vẫn xuất hiện những dạng toán đó làm cho học sinh lúng túng, không định hướng được cách giải.

Thứ hai: Các bài toán cơ bản nêu trong các tài liệu giáo khoa đã nêu ra một số cách giải tổng quát để học sinh áp dụng. Tuy nhiên thực tế giảng dạy cho thấy chỉ một số ít học sinh có thể áp dụng được cách giải đó. 

Còn đa số học sinh cảm thấy lúng túng, có thể hiểu cách giải nhưng không biết áp dụng, bắt đầu từ đâu và áp dụng thế nào để giải bài toán.

Trong các tài liệu giáo khoa cũng đã nêu ra một số ví dụ và bài tập để minh họa cho phương pháp và học sinh rèn luyện. Tuy nhiên, thông thường học sinh chỉ biết áp dụng một cách máy móc để giải các bài tập tương tự, khi gặp bài toán khác vẫn gặp những lúng túng như ban đầu.

Nguyên nhân là học sinh chưa hiểu để giải bài toán đó, ta phải trải qua các bước nào, ý nghĩa của từng bước trong bài toán, chưa hình thành được lối tư duy để giải quyết các bài toán.

Thứ ba: Hệ thống bài tập trong các tài liệu giáo khoa cũng như trong các tài liệu tham khảo thường viết theo các bài trong sách giáo khoa. Do đó nội dung các bài tập còn dàn trải, mang tính giới thiệu là chủ yếu.

Số lượng câu hỏi và bài tập cho từng nội dung cụ thể còn khá ít, các câu hỏi và bài tập chuyên sâu trình bày chưa hệ thống, chưa đủ về số lượng và chất lượng. Do đó học sinh chưa có tư duy hệ thống về các dạng bài tập, kỹ năng giải cũng hạn chế.

Thứ tư: Hình học không gian là nội dung mà học sinh mới làm quen trong chương trình phổ thông. Do đó các em phải tiếp cận với rất nhiều các khái niệm, định nghĩa, tính chất, định lý mới cũng như một hệ thống hoàn toàn mới các dạng bài tập. Các kiến thức đó được trình bày trong từng bài học cụ thể.

Theo cách dạy thông thường, giáo viên chỉ cung cấp các kiến thức của từng bài cụ thể, việc liên hệ chặt chẽ giữa các kiến thức trên còn bị xem nhẹ. 

Từ đó dẫn đến học sinh phải nhớ quá nhiều kiến thức mới, không có lối suy nghĩ mạch lạc kết nối các kiến thức đã học để giải quyết các bài toán. Do đó việc tiếp thu các kiến thức về hình học không gian gặp rất nhiều khó khăn.

Thứ năm: Để dạy các kiến thức về góc và khoảng cách trong hình học không gian, giáo viên thường nhấn mạnh và chọn quan hệ “đường thẳng vuông góc với mặt phẳng” làm nền tảng chủ đạo. Hầu hết mọi bài toán đều sử dụng quan hệ đó.

Tuy nhiên, việc áp dụng quan hệ đó để giải bài tập của học sinh còn lúng túng và gặp nhiều khó khăn. Nguyên nhân do để giải được bài tập phải qua rất nhiều bước sử dụng quan hệ trên và bài làm không phải lúc nào cũng “tự nhiên”.

Giải pháp mới

Để khắc phục những hạn chế của giải pháp cũ, giúp học sinh và các thầy cô giáo có cách tiếp cận tốt hơn với các ứng dụng của hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng trong hình học không gian, thầy Nguyễn Văn Lưu đưa ra các giải pháp sau:

Giải pháp 1: Đưa ra các nguyên tắc cơ bản và một số trường hợp thường gặp để dựng hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng. 

Từ đó chuyển nội dung trọng tâm từ “đường thẳng vuông góc vơi mặt phẳng” sang nội dung trọng tâm “hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng”. Với nội dung này, học sinh dễ nhớ và áp dụng hơn.

Giải pháp 2: Hệ thống hóa thành một số dạng bài tập cơ bản về góc và khoảng cách trong hình học không gian, hoàn thiện và bổ sung các dạng toán thường gặp trong các đề thi ĐH, CĐ mà trong các tài liệu giáo khoa chưa trình bày.

Với mỗi dạng bài tập đều đưa ra phương pháp giải ứng dụng hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng với các bước áp dụng cụ thể. Qua đó học sinh có kiến thức tổng hợp, hệ thống và tư duy mạch lạc để giải các bài toán.

Giải pháp 3: Bổ sung các câu hỏi bài tập bằng một hệ thống các bài tập trong các đề thi ĐH, CĐ chính thức à các đề thi thử ĐH ở các trường THPT để học sinh bổ sung kiến thức, rèn luyện kỹ năng. Qua đó, dần làm quen với các dạng đề thi, từ đó học sinh tự tin và đạt kết quả cao hơn trong các kỳ thi.

Giải pháp 4: Mỗi dạng đều phải có các ví dụ đặc trưng minh họa cho phương pháp, đồng thời phải có hệ thống các ví dụ khác để minh họa nhiều trường hợp thường gặp khi giải quyết dạng toán đó. Cuối mỗi dạng toán là các bài tập áp dụng đa dạng và có nhiều câu hỏi khó, hay phục vụ nâng cao kiến thức cho học sinh giỏi.

"Để ứng dụng hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng, trước hết ta tìm hiểu khái niệm cũng như cách dựng hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng. Qua đó, học sinh có thể hiểu cách tư duy mạch lạc theo trình tự cụ thể để giải quyết bài toán.

Ngoài ra, để học sinh có thể thuần thục hơn trong làm bài, ta đưa ra một số trường hợp thường gặp trong bài toán dựng hình chiếu vuông góc của một điểm xuống mặt phẳng" - Thầy Nguyễn Văn Lưu.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ