Giải pháp đột phá phát triển ngành Dược

GD&TĐ - Ngày 24/2, Trường Đại học Phenikaa tổ chức hội thảo khoa học, chủ đề 'Ngành Dược - đổi mới để vươn xa'

Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.
Ông Tạ Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế phát biểu tại hội thảo.

Đây là hoạt động trong khuôn khổ lễ kỷ niệm 10 năm thành lập Khoa Dược, Trường Đại học Phenikaa.

Chia sẻ về Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam giai đoạn đến năm 2030 và tầm nhìn đến năm 2045 (theo Quyết định số 1165/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ), ông Tạ Mạnh Hùng - Phó cục trưởng Cục quản lý dược, Bộ Y tế cho biết:

Chiến lược tập trung vào một số điểm mới, mang tính đột phá để phát triển ngành dược trong giai đoạn tới.

Trong đó có việc nâng cao quan điểm về cung ứng thuốc, từ “cung ứng đầy đủ, kịp thời thuốc…” thành “cung ứng chủ động, kịp thời thuốc…” và “bảo đảm người dân được tiếp cận đầy đủ, kịp thời thuốc...”.

Đồng thời, nâng cao vai trò của ngành Dược, không chỉ dừng lại ở vai trò hậu cần cung cấp sản phẩm dược, mà còn tham gia cung ứng dịch vụ chăm sóc sức khỏe cộng đồng, cũng như trong các cơ sở y tế.

Cùng với đó, phát triển công nghiệp dược Việt Nam đạt trình độ cao hướng tới sản xuất thuốc phát minh, thuốc có dạng bào chế mới, hiện đại. Xây dựng hệ sinh thái dữ liệu số, thiết lập nền tảng y tế số trong lĩnh vực dược.

Chuyên gia trao đổi về đào tạo dược sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Chuyên gia trao đổi về đào tạo dược sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội.

Trao đổi về phát triển công nghiệp hóa dược, ông Hoàng Quốc Lâm - Phó Cục trưởng Cục Hóa chất, Bộ Công Thương khẳng định Việt Nam là quốc gia có tiềm năng về dược liệu.

Tuy nhiên, tỷ lệ dược liệu được sử dụng để sản xuất thuốc rất thấp. Giá trị sản xuất công nghiệp của ngành hóa dược chiếm tỷ lệ nhỏ trong tổng giá trị sản xuất của ngành Dược nói riêng, trong toàn ngành công nghiệp nói chung…

Nguyên nhân là do hiện trạng công nghệ và thiết bị của ngành công nghiệp hóa dược còn lạc hậu. Đầu tư cho phát triển ngành công nghiệp hóa dược và nghiên cứu tổng hợp hóa dược chưa được chú ý đúng mức. Chưa có các nhà máy lọc hóa dầu và hóa chất cơ bản sản xuất sản phẩm dùng cho tổng hợp dược chất. Các doanh nghiệp chỉ chú trọng đầu tư cho khâu bào chế thuốc từ nguyên liệu nhập khẩu…

Để phát triển sản xuất nguyên liệu làm thuốc và thuốc mới, ông Hoàng Quốc Lâm cho rằng, cần chú trọng thúc đẩy hợp tác quốc tế, tạo cơ chế chính sách thu hút các công ty đa quốc gia vào đầu tư sản xuất kinh doanh, chuyển giao công nghệ. Xây dựng cơ chế chính sách ưu đãi đầu tư, hỗ trợ các doanh nghiệp khởi nghiệp đầu tư nghiên cứu phát triển nguyên liệu làm thuốc mới và thuốc mới.

Mặt khác, Ông Hoàng Quốc Lâm đề xuất Trường Đại học Phenikaa phối hợp với Bộ Công Thương tổ chức hội thảo quốc gia lấy ý kiến góp ý xây dựng chương trình phát triển công nghiệp hóa dược và tham gia xây dựng chương trình; quan tâm đầu tư phát triển Khoa Dược trong nghiên cứu, sản xuất dược chất và thuốc.

Tại hội thảo, các đại biểu cũng trao đổi về đào tạo dược sĩ đáp ứng nhu cầu xã hội. Nội dung tập trung về những điều các cơ giáo dục ngành Dược nói chung, Khoa Dược - Trường Đại học Phenikaa nói riêng nên làm để cụ thể hóa Chiến lược quốc gia phát triển ngành Dược Việt Nam, gắn với định hướng chung của ngành.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Nhà giáo Nhân dân Nguyễn Thị Thu Vân - Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn, TP Điện Biên Phủ (Điện Biên). Ảnh: NVCC

'Trái ngọt' từ tình yêu nghề

GD&TĐ - Hơn 20 năm công tác, cô Nguyễn Thị Thu Vân - giáo viên Trường THPT chuyên Lê Quý Đôn (Điện Biên) có nhiều đóng góp cho sự nghiệp “trồng người”.