Giải pháp đổi mới kiểm tra, đánh giá nâng cao chất lượng thi tốt nghiệp THPT

GD&TĐ - Các nhà trường đổi mới kiểm tra, đánh giá, đặc biệt với học sinh lớp 12 để tiếp cận với Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ 2025.

Thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ, Châu Thành, Bến Tre trong giờ học.
Thầy trò Trường THPT Nguyễn Huệ, Châu Thành, Bến Tre trong giờ học.

Tăng cường dạng thức câu hỏi mới trong đề kiểm tra

Trong Kế hoạch giáo dục nhà trường ban hành từ đầu năm học 2024-2025, Trường THPT Nguyễn Huệ, Châu Thành, Bến Tre đã đề ra các giải pháp cụ thể để thực hiện tốt các nhiệm vụ năm học. Trong đó, đổi mới kiểm tra, đánh giá đặc biệt được chú trọng.

Theo thầy Phó Hiệu trưởng Phan Trọng Hải, đề kiểm tra được biên soạn tăng cường kiến thức tổng hợp, vận dụng kiến thức liên môn để giải quyết những vấn đề gắn liền với thực tiễn của cuộc sống và gắn với định hướng phát triển năng lực học sinh; tăng cường các câu hỏi mở đảm bảo các mức độ: biết, hiểu, vận dụng.

Thực hiện các khâu coi, chấm, nhận xét bài kiểm tra nghiêm túc để đánh giá sát năng lực học sinh. Đánh giá học sinh theo yêu cầu cần đạt của chương trình và gắn với nội dung đánh giá định hướng phát triển năng lực học sinh từng môn học phù hợp với khả năng nhận thức của học sinh; giảm yêu cầu học thuộc lòng, ghi nhớ khuyến khích tinh thần tự học, ý thức sáng tạo của học sinh.

Đánh giá thường xuyên học sinh trong mỗi môn học bằng nhiều hình thức khác nhau thông qua: hỏi - đáp, viết, thuyết trình, thực hành, thí nghiệm, sản phẩm học tập và thời điểm khác nhau, tránh trường hợp chỉ đánh giá bằng hình thức làm bài kiểm tra và dồn vào thời điểm gần kiểm tra định kỳ. Đối với học sinh lớp 12 tăng cường thêm các dạng thức câu hỏi tương tự như định dạng đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025.

Kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ các môn học đảm bảo theo ma trận, đặc tả của đề kiểm tra. Đối với lớp 10 và lớp 11 đảm bảo cân đối giữa trắc nghiệm (70%) và tự luận (30%). Phần trắc nghiệm gồm 2 dạng thức là câu hỏi với bốn phương án chọn (50%) và dạng thức đúng sai (20%). Đối với học sinh lớp 12, trường sẽ ra đề theo định dạng đề thi tốt nghiệp trung học phổ thông 2025 cho học sinh làm quen.

“Nhà trường cũng thực hiện nghiêm túc các khâu ra đề, coi, chấm bài kiểm tra, đánh giá kết quả học tập của học sinh; chú trọng khâu phân tích kết quả kiểm tra, đánh giá phẩm chất, năng lực học sinh để điều chỉnh phương pháp dạy học ngay sau khi hoàn thành chấm bài kiểm tra.

Ứng dụng công nghệ thông tin trong kiểm tra, đánh giá học sinh. Sử dụng hệ thống dạy học trực tuyến LMS VNPT trong kiểm tra, đánh giá học sinh trực tuyến hoặc trực tiếp”, thầy Phan Trọng Hải chia sẻ.

DSC02631.JPG
Thí sinh thi tốt nghiệp THPT năm 2024. Ảnh: Xuân Phú.

Yêu cầu giáo viên ra đề kiểm tra theo yêu cầu mới

Trước những đổi mới của đề thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Trường THPT Minh Đài (Phú Thọ) đã triển khai đổi mới kiểm tra, đánh giá theo cấu trúc đề, dạng thức câu hỏi như đề minh họa của Bộ GD&ĐT đã công bố tháng 12/2023.

Thầy Hiệu trưởng Nguyễn Văn Hùng cho biết, nhà trường giao cho mỗi giáo viên ra 1 đề/lần kiểm tra (giữa kỳ, cuối kỳ) với các lớp mình dạy. Nhóm trưởng thẩm định đảm bảo đúng cấu trúc và dạng thức hỏi và phù hợp với đối tượng học sinh của trường. Tỷ lệ câu hỏi giống nhau trong nhóm chuyên môn không quá 30%, không có câu nào giống nguyên vẹn như trên Internet.

Qua việc ra đề giúp giáo viên xây dựng kế hoạch bài dạy đúng với yêu cầu đổi mới của đề thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.

Đặc biệt, với học sinh lớp 12, để làm quen với đề thi đổi mới nhà trường sẽ tổ chức kiểm tra giữa kỳ, cuối kỳ và tổ chức 2 lần khảo sát theo phòng thi và đề thi ra đúng cấu trúc mới.

“Khó khăn hiện nay là giáo viên chưa rõ lượng ma trận, cấu trúc đề thi tốt nghiệp năm 2025, lượng kiến thức các khối học chiếm tỷ lệ % bao nhiêu trong đề; kỹ năng ra đề theo dạng thức câu hỏi mới của giáo viên còn hạn chế”, thầy Nguyễn Văn Hùng chia sẻ.

Để giáo viên chủ động và chất lượng đề kiểm tra tốt, Trường THPT Minh Đài đã bố trí 100% giáo viên dạy các môn thi tốt nghiệp tham gia trao đổi chuyên môn với giáo viên các trường THPT trong tỉnh do Sở GD&ĐT Phú Thọ tổ chức.

Nhà trường đồng thời đã tổ chức cho 100% các nhóm chuyên môn nghiên cứu trao đổi nội dung 3 bộ sách hiện hành hiện nay để phát hiện các nội dung giống, khác nhau giữa 3 bộ sách để có ngữ liệu và thông tin ra đề kiểm tra phù hợp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

Vua chúa Việt ăn Tết thế nào?

GD&TĐ - Độc giả tò mò muốn biết thời xưa, vua chúa nước Việt ăn, chơi Tết thế nào có thể tìm hiểu trong cuốn “Tết chốn vàng son” của tác giả Lê Tiên Long.