Giải pháp dạy đọc – hiểu văn bản sử thi theo đặc trưng thể loại

GD&TĐ - Văn học dân gian gồm nhiều thể loại khác nhau, mỗi một thể loại có đặc trưng riêng biệt. Vì vậy giáo viên dạy đọc – hiểu ở thể loại nào cần chú ý tới đặc trưng của thể loại ấy để tránh sự nhầm lẫn, với đọc hiểu tác phẩm sử thi cũng vậy.

Giải pháp dạy đọc – hiểu văn bản sử thi theo đặc trưng thể loại

Dạy đọc – hiểu văn bản sử thi theo đặc trưng thể loại là một phương pháp đổi mới dạy học theo định hướng phát triển năng lực học sinh.

Giúp học sinh nắm vững cốt truyện sử thi qua hoạt động đọc

Trước hết giáo viên cần giúp học sinh nắm vững cốt truyện sử thi qua hoạt động đọc ( kể, tóm tắt văn bản)

Khi cho học sinh đọc – hiểu giáo viên yêu cầu các em tìm hiểu phần tóm tắt văn bản trong mục tiểu dẫn, sau đó hệ thống lại các sự kiện cơ bản. Ngoài ra trong phần giảng bình, giáo viên cần tập trung xoáy sâu vào các chi tiết liên quan đến nội dung đoạn trích giúp học sinh có khả năng lí giải đầy đủ hơn một số vấn đề trong đoạn trích.

Khi tóm tắt sử thi Đăm Săn, giáo viên chú ý hơn tới nội dung Đăm Săn giao chiến với các tù trưởng khác. Điều này giúp học sinh nhận thức cuộc chiến giữa Đăm Săn và Mtao Mxây nằm trong một chuỗi những chiến thắng của tù trưởng này, và cuộc chiến này không chỉ mang mục đích giành lại vợ mà còn để mở mang bờ cõi, xây dựng bộ lac.

Hay khi tóm tắt sử thi Ô đi xê, giáo viên kể cho học sinh những chi tiết liên quan đến cuộc trường chinh của Uy - lít - xơ trên đường trở về và mưu trí của Pê - nê - lốp trong thời gian chờ đợi đối phó với bọn cầu hôn. Qua đó học sinh sẽ hiểu trí tuệ hơn người của Uy - lít - xơ và lòng chung thủy, dũng cảm của người vợ Pê - nê - lốp.

Hoặc khi học về Sử thi Rama, giáo viên kể về quá trình Rama cùng với những người bạn giải thoát Xita khỏi tay quỷ vương để làm cơ sở lí giải sự ghen tuông của chàng. Những chi tiết này là những gợi ý ban đầu giúp cho học sinh cắt nghĩa, lí giải đoạn trích trọn vẹn. Vì vậy việc tóm tắt văn bản sử thi là hoạt động cần thiết trong giờ dậy

Đối với học sinh, văn bản sử thi luôn gắn với môi trường diễn xướng, nó dùng để kể chứ không phải để đọc. Vì vậy trong quá trình đọc văn bản, tùy vào nội dung từng tác phẩm, đoạn trích, giáo viên cần tìm ra phương pháp đọc phù hợp để tạo nên sự hấp dẫn, tâm thế tiếp nhận tích cực cho học sinh. Giáo viên có thể phân vai cho học sinh đọc lời các nhân vật, đọc lời của người kể chuyện.

Trong sử thi Tây Nguyên lời của người kể chuyện chính là tình cảm của nhân dân dành cho nhân vật anh hùng. Tuy nhiên thời lượng đọc hiểu trên lớp không đủ để đọc hết toàn văn bản. Giáo viên cho học sinh đọc một đoạn đối thoại giữa hai tù trưởng thể hiện sự kịch tính của cuộc chiến đấu và một phần đoạn cuối lời của người k chuyện.

Với đoạn trích Uy - lít - xơ trở về có thể chuyển thể thành dạng đối thoại kịch. Giáo viên phân vai các nhân vật trong cảnh Uy - lít - xơ gặp mặt Pê - nê - lốp. Do tính nguyên hợp của tác phẩm sử thi nên việc hướng dẫn học sinh đọc – kể văn bản sẽ giúp các em tiếp nhận văn bản hiệu quả hơn.

Chú ý sự kiện trọng đại có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng trong văn bản

Thứ hai khi dạy đọc hiểu tác phẩm, giáo viên cần chú ý đến những sự kiện lịch sử xã hội trọng đại có ý nghĩa quan trọng với cộng đồng đặt ra trong văn bản.

Ở tác phẩm Đăm Săn phản ánh con người và xã hội Tây Nguyên thời kì chế độ công xã đang tan rã. Trong cuộc chiến đấu với Mtao Mxây để giành lại vợ mình, người anh hùng đồng thời cũng bảo vệ cuộc sống bình yên cho buôn làng mình. Vì vậy cuộc chiến đòi lại vợ chỉ là cái cớ để Đăm Săn chiến đấu tăng thêm sức mạnh, uy tín cho cộng đồng mình.

Sử thi Ô đi xê phản ánh thời kì người Hy Lạp khám phá chinh phục biển cả ngoài xứ sở của mình cũng là thời kì sắp xếp giã từ chế độ công xã thị tộc bước vào chế độ chiếm hữu nô lệ với sự xuất hiện của mô hình gia đình một vợ một chồng. Đoạn trích Uy - lít - xơ trở về là cảnh gặp gỡ giữa hai vợ chồng sau hai mươi năm xa cách đồng thời thể hiện những phẩm chất tốt đẹp của hai người.

Sử thi Ramayana kể về cuộc chiến của Rama với quỷ vương giành lại vợ, tái hiện lại sự kiện người A- rya - da trắng từ miền Bắc Ấn tràn xuống đồng hóa chinh phục những người Đra – vi - đa da màu Nam Ấn và đảo Lanka.

Nhấn mạnh những đặc điểm loại hình của kiểu nhân vật sử thi

Thứ ba khi dạy tác phẩm sử thi theo đặc trưng thể loại cần nhấn mạnh những đặc điểm loại hình của kiểu nhân vật sử thi, tránh tiểu thuyết hóa trong cách phân tích nhân vật.

Trong sử thi, các nhân vật được hiện lên qua các chi tiết miêu tả ngoại hình và chủ yếu qua lời nói, hành động. Đó chính là sự cụ thể hóa phẩm chất và tính cách, tâm lí nhân vật. Nhưng để làm rõ đặc điểm nhân vật sử thi, giáo viên cần thể hiện được vẻ đẹp phi thường của nhân vật sử thi.

Nhân vật sử thi là con người của sự hoàn thiện, toàn mĩ. Đăm Săn tài năng bản lĩnh dùng cảm phi thường, sức mạnh vô địch được thần và dân giúp đỡ. Uy - lit - xơ “muôn vàn trí xảo” và Pê nê lốp “thận trọng, khôn ngoan” trong trích đoạn Uy - lít - xơ trở về đại diện cho trí tuệ và tâm hồn người Hi Lạp. Họ là kết tinh của cả cộng đồng nên khi hướng dẫn học sinh đọc tác phẩm, giáo viên cần chỉ ra cho các em thấy mọi việc làm, mọi hành động của người anh hùng đều nhìn dưới cái nhìn của cộng đồng.

Trong sử thi Đăm Săn, nhân bật luôn được đặt vào những biến cố để thể hiện tính cách. Trong đoạn trích “ Chiến thắng Mtao Mxây”, Đăm Săn luôn được so sánh với nhân vật phản diện về chân dung, sức mạnh, tính cách. Mọi hành động của người anh hùng này đều đại diện cho lí tưởng của nhân dân. Quá trình chiến đấu của Đăm Săn cũng là quá trình người Ê đê chế ngự thiên nhiên, phát triển và bảo vệ cộng đồng.

Khi đọc hiểu đoạn trích Rama buộc tội, giáo viên lại cần chỉ ra cho học sinh đây không chỉ là tình tiết gay cấn của câu chuyện ghen tuông đơn thuần, mà đây là một thử thách đạo đức để nhân vật khẳng định mình.

Ở Rama, nhân dân Ấn Độ không thể hiện ở trí tuệ tuyệt vời như Uy - lít - xơ mà sự phi thường của chàng nằm ở ý thức danh dự cộng đồng. Giáo viên cần định hướng đúng cho học sinh về sự ghen tuông của Rama ở đoạn trích Rama buộc tội.

Chi tiết này không làm cho chàng trở nên tầm thường ích kỉ, mà trái lại nhân vật hiện lên chân thực, sống động, toàn diện và phi thường hơn. Như đã nói ở trên, nhân vật sử thi mang tính chức năng nhiều hơn tính cách, vì vậy Rama chính là hiện thân của con người bổn phận, con người danh dự. Giáo viên cần định hướng đúng đắn để học sinh hiểu đặc trưng nhân vật sử thi, tránh những cách hiểu thiển cận, không đúng về tác phẩm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Tham vọng đi vào lịch sử

GD&TĐ - Bầu cử Quốc hội ở Ấn Độ luôn là sự kiện không nơi nào trên thế giới có thể sánh được về quy mô và thời gian.
Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.