Theo cô Linh, để có một tiết học Âm nhạc hiệu quả, trước tiên, giáo viên phải xây dựng một nề nếp học tập đối với môn Âm nhạc ngay từ bài học đầu tiên. Cụ thể như là xác định thái độ, ý thức học tập của học sinh đối với môn Âm nhạc.
Mặt khác, giáo viên phải nắm vững kiến thức, chịu khó tìm tòi các phương pháp để truyền tải nội dung kiến thức một cách dễ hiểu nhất. Một phương pháp vô vùng hiệu quả là lồng ghép các trò chơi trong giờ dạy nhạc.
Dưới đây là những chia sẻ của cô Nguyễn Mai Thùy Linh về các trò chơi có thể lồng ghép giúp tăng hiệu quả giờ dạy Âm nhạc.
Trò chơi “Hát theo kí hiệu”
Trò chơi này giúp Học sinh thay đổi không khí học tập, đồng thời để kiểm tra việc ghi nhớ giai điệu của Học sinh.
Cách chơi: Giáo viên làm ký hiệu tay theo hình chữ cái AUI. Khi giáo viên đưa tay theo ký hiệu chữ A, học sinh hát cả câu hát bằng âm A. Sau đó, giáo viên thay đổi kí hiệu chữ U, I bất kỳ. Học sinh sẽ hát theo với tốc độ tăng dần.
Lưu ý: Có thể thay đổi ký hiệu chữ cái AUI bằng tiếng con vật hoặc tiếng nhạc cụ.
Trò chơi “Ai nhanh tai, nhanh mắt”
Trò chơi này giúp học sinh thuộc lời ca và rèn luyện sự nhanh tai, nhanh mắt.
Cách chơi: Giáo viên mời 4 hc sinh đứng 4 góc lớp, mang số báo danh từ 1, 2, 3, 4. Giá viên hô 1-1, hc sinh có số báo danh 1 sẽ hát câu 1. Giáo viên hô 2-4, Học sinh có số báo danh 2 sẽ hát câu 4. Tương tự, giáo viên đảo lộn các số báo danh và thứ tự các câu hát.
Trò chơi “Nhìn tranh đoán tên bài hát”
Trò chơi giúp học sinh nhớ lại các bài hát và có khả năng liên tưởng tốt.
Giáo viên chuẩn bị tranh có hình ảnh trống cơm, trống Trường…
Cách chơi: Giáo viên giơ tranh và đưa ra câu hỏi:
Đây là hình ảnh của chiếc trống gì? Hãy hát bài hát có tên chiếc trống này? (bài hát Trống Cơm)
Đây là chiếc trống gì? Nhìn chiếc trống liên tưởng đến bài hát nào đã học? Hãy hát một đoạn bài hát đó? (Mùa thu ngày khai trường).
Trò chơi “Vẽ theo nội dung bài hát”
Tác dụng của trò chơi nhằm ôn lại các bài hát đã học hoặc lời ca của các bài tập đọc nhạc.
Cách chơi: Giáo viên chọn hai đội lên bảng bốc thăm. Đội A hát, đội B vẽ tranh minh họa nội dung bài hát. Khi đội A ngừng hát thì đội B ngừng vẽ. Học dinh dưới lớp chia hai đội làm cổ động viên.
Trò chơi “Ghép tranh đoán tên bài hát”
Tác dụng: Rèn luyện sự nhanh trí, nhanh tay, nhanh mắt và ghi nhớ tốt
Giáo viên chuẩn bị các mảnh của bức tranh.
Cách chơi: Giáo viên cắt bức tranh minh họa ra nhiều mảnh rồi cho học sinh thi đua theo nhóm hoặc cá nhân. Học sinh sẽ ghép bức tranh lại thật nhanh và chính xác nhất . Sau khi ghép xong, đoán tên bài hát và hát lại một đoạn của bài hát.
Trò chơi “Em làm nốt nhạc”
Tác dụng của trò chơi: Rèn luyện tai nghe cho học sinh.
Cách chơi: Giáo viên có thể chia thành nhóm, cá nhân hoặc theo dãy.
Ví dụ lớp có 4 dãy, giáo viên có thể phân chia như sau: Dãy 1 mang tên nốt Đô; dãy 2 mang tên nốt Mi; dãy 3 mang tên nốt Son; dãy 4 mang tên nốt Đố
Khi giáo viên đàn nốt Đô, học sinh dãy 1 đứng lên thật nhanh; giáo viên đàn tiếp nốt Son, học sinh dãy 3 nghe và đứng thật nhanh, cùng lúc đó dãy 1 ngồi xuống. Liên tục, nhịp nhàng như vậy với tốc độ nhanh dần.
Trò chơi “Cùng hòa tấu”
Tác dụng: Giúp học sinh vừa hát vừa kết hợp sử dụng các nhạc cụ gõ đệm hoặc vỗ tay theo đúng nhịp, phách, tiết tấu lời ca.
Chuẩn bị: Thanh phách , song loan, trống nhỏ
Cách chơi: giáo viên chia lớp thành 3 nhóm. Nhóm 1: Song loan; nhóm 2: Thanh phách; nhóm 3: Trống nhỏ.
Giáo viên đưa 1 ngón tay: Nhóm 1 vừa hát vừa gõ song loan đệm theo phách.
Giáo viên đưa 2 ngón tay: Nhóm 2 vừa hát vừa gõ thanh phách đệm theo nhịp.
Giáo viên đưa 3 ngón tay: Nhóm 3 vừa hát vừa gõ trống nhỏ đệm theo nhịp
Giáo viên xòe cả 5 ngón tay: Tất cả 3 nhóm cùng hát và gõ đệm.