Giải pháp cho khúc mắc dạy Ngữ văn theo học tín chỉ

GD&TĐ - Thay đổi khung chương trình đào tạo, lớp học quá đông, đó là những khó khăn người giảng viên gặp phải đầu tiên khi chuyển sang dạy học theo học chế tín chỉ.

Giải pháp cho khúc mắc dạy Ngữ văn theo học tín chỉ

Trong bối cảnh này, việc nâng cao chất lượng giáo dục theo hướng vận dụng là một giải pháp tốt cho các trường ĐH nói chung và sinh viên ngành Ngữ văn nói riêng.

Những khó khăn giảng viên phải đối mặt

Trường ĐH Bạc Liêu chuyển sang học chế tín chỉ từ năm 2011. Khảo sát thực tế, ThS Trần Thị Ngọc Diễm - Giảng viên của trường cho biết, khó khăn đầu tiên gặp phải là học chế tín chỉ yêu cầu người dạy phải thay đổi khung chương trình đào tạo.

Nghĩa là với một số môn học, hoặc có thể giữ nguyên hoặc tăng, số tiết trong các học phần bị giảm xuống tùy theo yêu cầu của khối ngành đào tạo.

Với khoa Ngữ văn, nhiều học phần bị cắt giảm số tiết rất nhiều như: Ngữ pháp tiếng Việt 1,2 giảm 30 tiết; Văn học Việt Nam 1, 2 (Văn học trung đại) giảm 60 tiết; Văn học Việt Nam 3,4,5 (Văn học hiện đại) giảm 90 tiết…

Các học phần còn lại đều cắt giảm 15 tiết gồm: Đại cương ngôn ngữ học, Văn học Trung Quốc, Văn học dân gian, Ngữ âm tiếng Việt, Làm văn, Lí luận văn học , Từ vựng tiếng Việt và Lý thuyết văn bản.

Việc cắt giảm như vậy, theo ThS Trần Thị Ngọc Diễm, giảng viên phải cân nhắc nhiều về mặt nội dung, nên giữ lại hoặc thêm vào nội dung nào để giảng dạy. Nhất là đối với các môn chuyên ngành.

Thêm vào đó, độ khó còn là khi tư duy nhà giáo đã quen với lối dạy theo niên chế luôn muốn truyền thụ thật nhiều kiến thức cho sinh viên mà quên mất “chìa khóa” của thành công tri thức là dạy người học biết độc lập nghiên cứu hay nói cách khác là dạy người học biết tự học.

Mặt khác, điều này còn liên quan đến thời gian học tập. Người dạy phải có chiến lược thời gian hợp lí cho từng chương, từng bài để tránh tình trạng “cháy giáo án”.

Khi dạy theo tín chỉ đòi hỏi giảng viên phải lựa chọn những điểm nhấn cốt lõi của nội dung bài dạy phù hợp với việc vận dụng kiến thức sau khi ra trường của sinh viên để trình bày, còn lại để sinh viên tự nghiên cứu.

Dạy học theo tín chỉ, giảng viên khó tổ chức các hình thức học tập tích cực nhằm giúp sinh viên phát triển toàn diện các kỹ năng học tập cơ bản (kỹ năng nhận thức, kỹ năng suy luận, giải quyết vấn đề, kỹ năng giao tiếp,...) mà vẫn đảm bảo lớp trật tự, nghiêm túc học tập, sâu sát trong công việc và đủ thời gian.

ThS Trần Thị Ngọc Diễm

Sĩ số lớp đông cũng là một trở ngại lớn, trong đó, khó nhất là khâu quản lí lớp học.

Một lớp đông, người dạy khó thu hút sự chú ý của tất cả sinh viên, khó bao quát hết lớp học, hoặc không thể theo sát từng sinh viên để kịp thời hướng dẫn các em giải quyết vấn đề.

Khi thảo luận sẽ phát sinh tình trạng 1 số sinh viên không chăm chú vào bài học mà chủ yếu làm việc riêng hoặc không làm gì cả (bởi suy nghĩ đã có nhiều bạn phát biểu, biết khi nào mới đến lượt mình).

Riêng đối với sinh viên thuộc khối ngành xã hội như Ngữ văn lại là vấn đề nan giải. Đặc trưng của các em là lĩnh hội kiến thức ở nhiều cách nhìn. Thêm vào đó, thế mạnh của các em là việc sử dụng tốt ngôn ngữ như một phương tiện đắc dụng khi phản luận vấn đề.

Vì thế, việc phát sinh nhiều ý kiến trái chiều khi cùng thảo luận một vấn đề là tất yếu.

Điều này ngoài mặt tích cực đạt được còn một khuyết điểm là đôi khi tạo nên bầu không khí nặng nề trong lớp học. Giảng viên khó quản lí lớp trật tự và bao quát hết sinh viên.

Tuy nhiên, không phải tất cả những điều trên đều không thể thực hiện tốt ở lớp có đông sinh viên với hình thức đào tạo theo học chế tín chỉ. Vấn đề là chúng ta tìm ra giải pháp gì hiệu quả để đạt được mục tiêu bài học.

Từ thực trạng trên, giảng viên Trần Thị Ngọc Diễm đề xuất giải pháp giúp người học nâng cao tính tích cực, chủ động tham gia vào bài học, tăng khả năng độc lập, sáng tạo và khám phá tri thức theo hướng vận dụng.

Đó là thực hiện dạy học có điểm nhấn và dạy học thực hành; nâng cao việc dạy học theo hướng đối thoại; khuyến khích sinh viên cùng tham gia nghiên cứu khoa học; thắt chặt khâu kiểm tra đánh giá; thường xuyên tổ chức các hội thảo khoa học chuyên ngành hoặc tổ chức các diễn đàn chia sẻ kinh nghiệm dạy học trong và ngoài trường…

Dạy học có điểm nhấn và dạy học thực hành

Khi thiết kế đề cương chi tiết học phần, giảng viên nên căn cứ vào tình hình thực tiễn tuyển dụng của xã hội mà có hướng biên soạn hợp lí. Từng chương, từng bài nên có mục tiêu rõ ràng, cụ thể để sinh viên dễ dàng tiếp cận, nắm bắt trọng tâm bài học.

Riêng đối với sinh viênkhối ngành Ngữ văn bậc cao đẳng, đại học, giảng viên cần phải quán triệt mục tiêu đào tạo giáo viên theo chuẩn THCS, THPT của Bộ GD&ĐT để thiết kế khung chương trình khớp với thực tiễn giảng dạy của các em tại các cơ sở giáo dục.

Đồng thời, liên hệ khung chương trình này để chỉ ra những ưu điểm và hạn chế của nó. Qua đó, giúp các em có cái nhìn tổng quan hơn, hướng tới mục tiêu đổi mới căn bản, toàn diện chương trình giáo dục Ngữ văn cấp 2, 3.

Chẳng hạn, khi dạy môn “Văn học phương Tây”, “Văn học Việt Nam 1, 2, 3, 4”,..., người dạy nên tham khảo chương trình Ngữ văn cấp THCS, THPT xem các tác gia, tác giả nào nên được đưa ra giảng dạy (Banzac, Victor Huygo, Tản Đà, Tố Hữu, Huy Cận, Hồ Chí Minh, Nguyễn Quang Sáng..) và cần giảng dạy những nội dung gì.

Từ đó, người dạy tiến hành soạn thảo đề cương môn học bao quát được sự nghiệp sáng tác của các tác gia, tác giả này để cùng người học thảo luận, nghiên cứu sâu. Điều này có giá trị thiết thực cho người học khi ra trường giảng dạy các bài học có liên quan trực tiếp đến nội dung môn học.

Mặt khác, việc liên hệ thực tiễn bài học này còn có ý nghĩa tầm xa. Sinh viên sẽ nhận thấy môn học thú vị, bổ ích hơn khi nó thiết thực, gắn liền với thực tế ngành nghề đào tạo.

Nâng cao việc dạy học theo hướng đối thoại

Để việc dạy học này có hiệu quả, chúng ta tiến hành các bước sau:

Bước 1: Người dạy lựa chọn và đưa ra vấn đề cần thảo luận. Người học sẽ nghiên cứu tài liệu và chuẩn bị kĩ các vấn đề sẽ thảo luận.

Bước 2: Người dạy chủ trì thảo luận còn người học sẽ trình bày cách hiểu, hướng triển khai vấn đề được giao trước tập thể lớp học.

Bước 3: Người dạy hướng dẫn thảo luận, phát huy tính tích cực chủ động trong sinh viên. Còn người học sẽ trình bày ý kiến cá nhân và tranh luận với bạn đồng học thậm chí là với người dạy để giải mã vấn đề.

Bước 4: Người dạy đánh giá ưu điểm, hạn chế về nội dung, hình thức trình bày của người học, chỉ ra vấn đề cần khắc phục và tiếp tục suy nghĩ mở rộng vấn đề. Riêng người học sẽ đề xuất hoặc trình bày những băn khoăn để thầy và trò cùng nhau tháo gỡ.

Đối với sinh viên ngành Văn, việc học tập theo hướng đối thoại là một đề xuất tích cực.

Thắt chặt khâu kiểm tra đánh giá

Để khuyến khích tinh thần học tập của sinh viên, cũng như dễ dàng quản lí lớp học (đối với lớp đông sinh viên), hỗ trợ cho sinh viên làm việc nhóm tích cực, giảng viên nên linh hoạt khi tính điểm.

Chẳng hạn, giảng viên có thể cơ cấu thang điểm cuối kì thành hai cột theo tỉ lệ 3/7.

Cột 1 là điểm trên lớp hay còn gọi là điểm điều kiện (chiếm tỉ lệ 30% tổng điểm hết môn).

Cột là điểm thi cuối kì tương đương 70% tổng điểm hết môn. Đối với điểm trên lớp, giảng viên nên chia ra các cột điểm nhỏ hơn bao gồm: 10% điểm cho các sinh viên đi học đều và hoàn thành bài tập nhóm; 10% cho sinh viên tham gia phát biểu xây dựng bài thường xuyên; 10% còn lại dành cho cột điểm bài kiểm tra giữa kì.

Việc theo dõi đánh giá tính điểm cho sinh viên được thực hiện liên tục qua từng buổi học và được công bố rõ ràng sau khi kết thúc môn học trước lớp.

Điều này sẽ giúp sinh viên có thái độ học tập tích cực và ý chí phấn đấu khi khám phá nội dung bài học. Nhất là giảng viên cũng có thể quản lí lớp dễ dàng hơn qua từng tiết học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.