Giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học VNEN

GD&TĐ - Việc đổi mới phương pháp dạy học nhằm khắc phục lối truyền thụ một chiều, rèn luyện tư duy sáng tạo của người học, từng bước áp dụng phương pháp tiên tiến, hiện đại vào quá trình dạy học là nét đặc trưng cơ bản của mô hình trường tiểu học mới VNEN.

Giải pháp chỉ đạo nâng cao chất lượng dạy học VNEN

Giáo viên phải hiểu đúng bản chất của VNEN

Để nâng cao hơn nữa chất lượng dạy học VNEN, việc đầu tiên là cần bồi dưỡng, nâng cao nhận thức cho cán bộ giáo viên về dạy học theo mô hình trường tiểu học mới VNEN và tổ chức tập huấn cho cán bộ, giáo viên hiểu về bản chất của mô hình trường học mới VNEN.

Mô hình trường tiểu học mới VNEN là mô hình dạy học có nhiều điểm khác so với mô hình dạy học hiên hành. Đây là mô hình dạy học không những đổi mới về tổ chức lớp học, về trang trí lớp, mà đổi mới về cả các bước học tập của học sinh trên lớp.

Việc hiểu thấu đáo cơ sở khoa học và thực tiễn, ý đồ soạn thảo và vận dụng của tài liệu Hướng dẫn học theo mô hình trường tiểu học mới VNEN là điều vô cùng cần thiết và quan trọng.

Bởi vì, chỉ khi hiểu thấu đáo bản chất của mô hình trường học VNEN, giáo viên mới đủ tự tin và bản lĩnh để linh hoạt triển khai dạy học hiệu quả theo mô hình này.

Ngay từ cuối năm học 2014 - 2015, Trường Tiểu học Khánh Cư đã có kế hoạch chuẩn bị cho việc tập huấn cấp cụm tỉnh cho cán bộ quản lý và giáo viên trực tiếp đứng lớp để nắm bắt nội dung, cách thức và những điều kiện cần thiết, cơ bản cho việc tổ chức dạy – học theo mô hình VNEN.

Sau khi tập huấn cấp cụm tỉnh, trường tiếp tục tổ chức cho toàn thể cán bộ quản lý, giáo viên tham gia tập huấn cấp trường để nắm bắt nội dung chương trình và các thành tố cơ bản của mô hình trường tiểu học mới VNEN.

Chỉ đạo cán bộ, giáo viên luôn ý thức sâu sắc về sự tự học, tự bồi dưỡng, tự nghiên cứu tài liệu, tự tìm tòi trên mạng, tích cực học hỏi kinh nghiệm đồng nghiệp những nội dung liên quan đến vấn đề đổi mới giáo dục, đặc biệt là phương pháp dạy học theo mô hình trường tiểu học mới VNEN. Tổ chức tập huấn và bồi dưỡng để mỗi giáo viên hiểu rõ những điểm mới khác biệt trong phương pháp dạy học theo mô hình VNEN.

Chỉ đạo xây dựng lớp học thân thiện

Việc trang trí lớp học tạo cho học sinh môi trường thân thiện, giúp các em nhận thức về cái đẹp và có ý thức giữ gìn trường lớp của mình sạch đẹp, tạo không khí thoải mái trong giờ học.

Vì vậy nhà trường đã chỉ đạo giáo viên chủ nhiệm các lớp phối hợp với hội cha mẹ học sinh sáng tạo nên các góc học tập, thư viện lớp học, trang trí lớp, tạo cảnh quan lớp học vừa đẹp, vừa thân thiện, gắn liền với các hoạt động học tập, vui chơi của học sinh.

Xây dựng hộp thư điều em muốn nói nhằm giúp học sinh có cơ hội bày tỏ ý kiến... Xây dựng góc cộng đồng thông qua việc giáo viên, học sinh, cha mẹ học sinh sưu tầm, giới thiệu về văn hóa lịch sử của địa phương, của dân tộc, các tác phẩm thơ ca hò vè, trò chơi dân gian..., các sản phẩm của địa phương làm ra.

Chính hoạt động này kích thích các em hứng thú tìm tòi, sưu tầm, giới thiệu qua đó giúp các em thêm hiểu và yêu văn hóa, lịch sử truyền thống một cách tự nhiên, bền vững.

Xây dựng thư viện lớp học huy động sự đóng góp của phụ huynh và học sinh, giáo viên, có sự giúp đỡ của nhà trường và địa phương, tạo điều kiện cho các em có những đầu sách, truyện hay để các em đọc, tham khảo.

Ngoài việc đọc sách tăng thêm vốn tri thức, mở rộng vốn hiểu biết, phát triển kỹ năng đọc, thì thư viện lớp học còn góp phần rèn kỹ năng sống có trách nhiệm, trung thực, có ý thức bảo vệ của công, tài sản chung, có thói quen sống gọn gàng, ngăn nắp. Đây là một trong những kỹ năng sống rất cần thiết cho học sinh sau này.

Chỉ đạo thành lập Hội đồng tự quản

Trường Tiểu học Khánh Cư (Ninh Bình) chỉ đạo 100% các lớp thành lập Hội đồng tự quản. Giáo viên chủ nhiệm các lớp tổ chức cho học sinh bầu Hội đồng tự quản ngay từ tuần 0. Hội đồng tự quản gồm Chủ tịch, các phó chủ tịch và các thành viên.

Giáo viên chủ nhiệm có trách nhiệm giao nhiệm vụ cụ thể cho từng thành viên của Hội đồng tự quản, giải thích vai trò, trách nhiệm của từng thành viên và hướng dẫn các em cách thực hiện nhiệm vụ của mình trong học tập.

Hàng kỳ, các em lại được thảo luận, đánh giá và bầu lại Hội đồng tự quản để phát huy tốt nhất sở trường, năng lực của từng cá nhân trong lớp.

Chỉ đạo xây dựng các nhóm học tập

Giáo viên chủ nhiệm tổ chức, phân chia các nhóm học tập cho học sinh tùy vào đặc thù của lớp. Trong các nhóm, các em tự bầu nhóm trưởng, thư ký, báo cáo viên để điều hành các hoạt động học tập trong nghóm. Việc bầu nhóm trưởng, thư ký và báo cáo viên cũng được thường xuyên luân chuyển để tạo điều kiện cho học sinh phát triển các kỹ năng.

Giáo viên chủ nhiệm hướng dẫn mẫu cách thức thực hiện vai trò của từng thành viên và ở từng vị trí mà các em đảm nhiệm. Từ đó tạo điều kiện để các em dần sáng tạo và phát huy năng lực, sở trường của mình trong việc tham gia, điều hành các hoạt động chung.

Chỉ đạo thực hiện điều chỉnh tài liệu Hướng dẫn học

Chất lượng dạy học phụ thuộc nhiều vào chất lượng tài liệu dạy học. Mặt khác, tài liệu chỉ có thể nêu ra một phương án cụ thể về kế hoạch bài học cho học sinh và giáo viên. Vì thế, nó không thể thích ứng cho mọi vùng miền và mọi đối tượng học sinh.

Việc chỉ đạo và tổ chức cho giáo viên điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học vừa làm cho chất lượng dạy học, chất lượng giáo dục tốt lên, vừa nâng cao năng lực nghiên cứu sư phạm, ý thức chủ động, sáng tạo của mỗi giáo viên - người trực tiếp sử dụng tài liệu.

Vì vậy, Hiệu trưởng chỉ đạo giáo viên nghiên cứu kỹ tài liệu hướng dẫn học, xem xét điều kiện thực tế của lớp, của trường, của địa phương để viết điều chỉnh cho từng bài dạy, từng tiết dạy cho phù hợp và hiệu quả.

Tuy nhiên, việc điều chỉnh tài liệu hướng dẫn học cần đảm bảo các nguyên tắc: Bảo đảm yêu cầu về chuẩn kiến thức và kĩ năng; phù hợp với học sinh; phù hợp với năng lực của giáo viên và các điều kiện của địa phương; phù hợp nguyên tắc, cấu trúc tài liệu theo mô hình VNEN.

Mỗi giáo viên cần xây dựng bảng tiêu chí cho việc điều chỉnh tài liệu VNEN, phân tích tài liệu theo những tiêu chí này và tạo ra các thay đổi cần thiết trước khi học sinh được đọc tài liệu Hướng dẫn học. Như vậy, các hướng dẫn của giáo viên sẽ phù hợp với môi trường và nhu cầu của học sinh, quá trình giáo dục sẽ cuốn hút học sinh tham gia một cách tích cực hơn.

Việc điều chỉnh nội dung, phương pháp dạy học có thể theo nhiều hướng khác nhau. Giáo viên có thể tăng/giảm thời lượng cho mỗi hoạt động học tập; điều chỉnh yêu cầu (lệnh) của hoạt động; thay đổi, điều chỉnh ngữ liệu học; thêm mẫu thực hiện, thêm gợi ý, thêm nội dung phân tích mẫu, thay đổi đồ dùng dạy học, điều chỉnh hình thức lưu giữ kết quả hoạt động, sáng tạo các bài tập ứng dụng, ...

Hoặc giáo viên có thể điều chỉnh hình thức tổ chức dạy học như: Điều chỉnh thành viên nhóm, phiên chế lại nhóm, thay đổi vai của từng thành viên trong nhóm; thay đổi tương tác thầy - trò, trò – trò; Nhiệm vụ giao cho mỗi thành viên cần được luân phiên thay đổi để mỗi học sinh có cơ hội trải nghiệm.

Chỉ đạo xây dựng kế hoạch dạy học trên lớp

Tinh thần của dạy học theo mô hình VNEN là giáo viên không phải soạn giáo án, bởi tài liệu Hướng dẫn học đã chỉ dẫn từng hoạt động rất cụ thể và tường minh.

Tuy nhiên, việc giáo viên phải bỏ thời gian, công sức nghiên cứu bài học, đọc thêm tài liệu tham khảo để hiểu thấu đáo nội dung bài học, để hình dung trước các tình huống có thể xảy ra với học sinh của mình trong quá trình tiếp nhận kiến thức trên lớp là điều hết sức cần thiết.

Giáo viên có thể không phải soạn giáo án một cách công phu, đảm bảo đúng trình tự quy định như giáo án của cách dạy hiện hành nhưng tiến trình của tiết dạy, các kiến thức cần ghi bảng hay học sinh cần ghi vào vở,… giáo viên phải chuẩn bị thật công phu để có thể xử lý linh hoạt trong quá trình tổ chức dạy học trên lớp.

Chỉ đạo tổ chức các hoạt động học tập cho học sinh

Dạy học theo mô hình VNEN xem việc rèn luyện phương pháp học tập cho học sinh không chỉ là một biện pháp nâng cao hiệu quả dạy học mà còn là một mục tiêu dạy học. Việc tổ chức các hoạt động dạy và học cần đảm bảo:

Dạy và học thông qua tổ chức các hoạt động của học sinh. Tổ chức các hoạt động học tập của học sinh cần phải trở thành trung tâm của quá trình giáo dục.

Chú trọng rèn luyện phương pháp tự học, phương pháp tư duy và phương pháp giải quyết vấn đề. Đây là những phẩm chất và điều kiện tốt nhất để có thể duy trì thói quen học tập thường xuyên và học tập suốt đời.

Tăng cường học tập của mỗi cá nhân, phối hợp với học hợp tác và học nhóm. Học sinh là chủ thể của quá trình học, tự mình chủ động chiếm lĩnh kiến thức. Tạo ra môi trường học tập tương tác, thày - trò, trò - trò vì thế nó có tác dụng rất tốt để phát huy năng lực của mỗi cá nhân học sinh.

Dạy và học chú trọng tới sự quan tâm và hứng thú của học sinh, nhu cầu và lợi ích của xã hội. Dạy học sinh trên những gì các em đã có, tạo hứng thú, óc tò mò, sáng tạo cho học sinh. Học sinh phải biết cách làm việc độc lập, sáng tạo, biết tổ chức công việc để giải quyết các đòi hỏi của xã hội và nhu cầu đa dạng, phức tạp của công việc sau này.

Dạy và học coi trọng hướng dẫn tìm tòi, học qua trải nghiệm. Giáo viên hướng dẫn mang tính định hướng mà không có ý áp đặt trong quá trình học của học sinh.

Đồng thời, kết hợp đánh giá của thầy với tự đánh giá của trò, của gia đình, cộng đồng. Giáo viên phải hướng dẫn học sinh phát triển khả năng tự đánh giá để tự điều chỉnh cách học; phải tạo điều kiện để học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau. Việc học sinh tham gia đánh giá lẫn nhau sẽ có tác dụng tích cực để học sinh tự học và điều chỉnh bản thân…

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.