Nhen nhóm lại giấc mơ Oscar
Kể từ năm 2003, Việt Nam đã nhiều lần gửi phim dự tranh vòng sơ loại nhưng chưa lần nào chạm đến giải thưởng. Có thể kể đến “Chuyện của Pao” (2007), “Áo lụa Hà Đông” (2008), “Đừng đốt” (2010), “Khát vọng Thăng Long” (2012), “Mùi cỏ cháy” (2013), “Trúng số” (2015) và “Tôi thấy hoa vàng trên cỏ xanh” (2016), dù đều được giới làm phim trong nước đánh giá cao, nhưng lại bị loại ngay ở vòng sơ tuyển.
Và cũng tròn 23 năm sau khi bộ phim Việt đầu tiên được đề cử Oscar hạng mục Phim nói tiếng nước ngoài hay nhất “Mùi đu đủ xanh”, năm nay, mọi hy vọng đang đặt lên “Cha cõng con”, giới điện ảnh lẫn khán giả nhen nhóm lại giấc mơ Oscar cho phim Việt.
Bộ phim được chuyển thể dựa trên truyện ngắn cùng tên của chính đạo diễn Lương Đình Dũng. Bộ phim được anh ấp ủ thực hiện trong 10 năm. Nội dung phim thực sự không quá mới lạ hay gay cấn, nhưng bù lại có nhiều cảnh quay đẹp, hướng đến sự nhân văn.
Dù bị chê trong nước, nhưng đến với những sân chơi điện ảnh trên thế giới, “Cha cõng con” lại giành được nhiều giải thưởng quốc tế, như giải “Phim truyện nước ngoài xuất sắc nhất”, “Quay phim ấn tượng nhất” tại Liên hoan Phim quốc tế Arizona lần thứ 26. Tại Liên hoan Phim quốc tế Boston lần thứ 15, “Cha cõng con” cũng được vinh danh giải “Phim có cốt truyện hay nhất”…
Bên cạnh cảm nhận về thân phận con người, đạo diễn Lương Đình Dũng còn dẫn dắt người xem đến với những cảm nhận tinh tế về thiên nhiên. Qua những khuôn hình cận - đặc tả, nhà làm phim đã chỉ cho ta những vẻ đẹp thú vị ở những con vật, sự vật rất bình thường, bé nhỏ. Qua đó, người xem khám phá ra vẻ đẹp trong sáng, thuần khiết của tâm hồn con người Việt Nam.
Vẫn còn có cơ hội
Chia sẻ với báo chí, đạo diễn Lương Đình Dũng cho biết: “Cảm xúc của tôi bây giờ là rất hạnh phúc, và cũng bất ngờ nữa khi phim của mình được chọn. Tôi cũng hy vọng “Cha cõng con” sẽ đạt được thành tích cho Việt Nam”.
Đạo diễn Lương Đình Dũng cũng tỏ ra tiếc nuối khi phim đã không được quảng bá một cách hiệu quả tại Việt Nam, đạo diễn cũng cho rằng các nhà phát hành có lý do của họ khi phim khá kén người xem.
Gần đây, những bộ phim nghệ thuật được chiếu tại những liên hoan phim lớn. Thế nhưng Oscar là giải thưởng dựa vào số đông bởi phim càng mang khả năng chinh phục nhiều người, càng dễ hiểu và làm nhiều người thích thì cơ hội được giải càng cao.
Để vươn tới tầm Oscar và nhiều giải thưởng danh giá về điện ảnh của thế giới, chúng ta còn phải chuẩn bị nhiều thứ như nhân lực, kịch bản, đạo diễn... phim Việt vẫn cần nâng cao hơn nữa sức sáng tạo, ngôn ngữ điện ảnh; vấn đề, câu chuyện đặt ra trong tác phẩm phải mới lạ, hấp dẫn và quan trọng phải có sức ảnh hưởng rộng lớn.
Theo nhà biên kịch Trịnh Thanh Nhã lại cho rằng, nguyên nhân khiến phim Việt chật vật ở Oscar là do cách kể, cách quan sát vấn đề của phim Việt đang cũ, riêng cái cũ đã là rào cản lớn, không có hy vọng để tranh giải. Bên cạnh đó, phim Việt vẫn thiếu dấu ấn dân tộc, bản sắc văn hóa để chinh phục được khán giả.