Đã thành thông lệ, hàng năm cứ đến đầu tháng 10, những người yêu văn chương trên toàn thế giới lại đón đợi thông tin từ phía Viện Hàn lâm Khoa học Thụy Điển công bố chủ nhân của giải Nobel Văn học danh giá.
Khi tên một nhà văn hay nhà thơ đại diện cho một đất nước nào đó được xướng lên, nhiều trạng thái cảm xúc cũng vỡ òa. Người hào hứng: “Biết ngay mà”. Người than: “Ôi bất ngờ quá”. Người bật kêu: “Sao nhà văn A, nhà thơ B được đề cử mấy lần mà vẫn hụt”.
Sau những phút ban đầu, thông tin về chủ nhân giải thưởng bắt đầu được tìm kiếm. Xuất thân thế nào? Quan điểm sáng tác ra sao? Đã có tác phẩm dịch và xuất bản ở Việt Nam chưa? Và: Bao giờ thì nước ta có Nobel Văn học?.
Mùa Nobel năm nay, câu hỏi này tiếp tục được xới lên, được thảo luận sôi nổi trên các tài khoản mạng xã hội. Người cho rằng chưa thể. Người gõ ngay tên ứng cử viên sáng giá. Người lạc quan khẳng định chẳng chóng thì chầy. Người phân tích thực trạng dịch thuật, xuất bản, quảng bá văn học yếu kém. Người thì chì chiết không có tự do sáng tác. Người lại đổ lỗi cho một thời văn chương tuyên truyền minh họa.
Mong ước một lần Việt Nam được xướng tên ở giải thưởng văn chương lớn nhất thế giới là một mong ước, một khát vọng đẹp đẽ, da diết tình yêu và niềm tự hào về đất nước mình, dân tộc mình. Song khi đã mang chuông đi đánh xứ người, chiến thắng đâu phải chỉ nhờ có niềm tin và khát vọng.
Chúng ta đã có quá trình chuẩn bị cho đề cử gương mặt văn chương tiêu biểu của đất nước mình? Kết quả từ những lần Hội nghị quốc tế quảng bá Văn học Việt Nam và liên hoan thơ quốc tế có tương xứng với tâm sức và kinh phí đầu tư? Những giải thưởng văn học được trao hằng năm có tạo nên cơn địa chấn nào cho người đọc? Các hội nghị, hội thảo về văn chương học thuật có bao nhiêu người lắng nghe và tranh luận, bao nhiêu người bỏ ra hành lang cười nói, hút thuốc và chụp ảnh?
Rất nhiều, rất nhiều câu hỏi không khó để trả lời. Cũng không khó để nhận ra nền văn học Việt Nam chưa có gương mặt nào đáp ứng được các tiêu chí của giải thưởng, với một tiếng nói mạnh mẽ, một hệ thống quan điểm triết học, mỹ học, xã hội học có sức ảnh hưởng sâu rộng tới cộng đồng.
Nói thế không có nghĩa là từ bỏ ước mơ. Chúng ta vẫn luôn hy vọng và không ngừng khát vọng. Nhưng có lẽ cần cụ thể từng bước đi, như chuẩn bị đầy đủ nguyên vật liệu để xây một ngôi nhà vững chãi, trong khi khoản tiết kiệm còn quá ít ỏi.
Và quan trọng hơn tất cả, quý giá hơn tất cả mọi giải thưởng mọi huân huy chương, ấy là một đời sống, một bầu khí quyển được nuôi dưỡng bởi tình yêu thương trong lành. Mục đích của giải Nobel Văn học cũng chính là tìm kiếm một tiếng nói góp phần giúp cho thế giới này bền vững hơn, nhân văn hơn đó thôi!