Hóa giải nỗi đau từ hai phía
Tối 28/8 tại rạp Kim Đồng, trong giây phút xúc động nhận giải Nhất với phim tài liệu “Hóa giải”, đạo diễn Vũ Anh Nhất (Điện ảnh Quân đội nhân dân) nói rằng: “Trong các tư liệu làm nên bộ phim, có nhiều nhà làm phim đã hi sinh trên chiến trường. Cùng với tất cả sự hỗ trợ có được, chúng tôi không nhận tác phẩm này là của mình, mà của rất nhiều người, nhiều thế hệ, mà chúng tôi chỉ đại diện để gợi lên chủ đề”.
“Để tiếng vọng của quá khứ không day dứt nỗi đau và tương lai phản chiếu ánh sáng nhân từ. Hôm nay những hành xử cao thượng vẫn đang tiếp diễn. Khép lại hận thù, gột rửa cho sự sám hối muộn màng, thấu hiểu và hoá giải nỗi đau từ hai phía…”, đó là lời thuyết minh mở đầu cho 28 phút về bộ phim tài liệu “Hoá giải”, tác phẩm của Điện ảnh Quân đội nhân dân.
“Hóa giải” kể về những cuộc gặp gỡ của các cựu phi công Hoa Kỳ và Việt Nam. Đó không chỉ là cuộc giao lưu đơn thuần giữa những cánh bay chiến đấu, mà còn là nhu cầu của đối phương mong được tha thứ, được giải thoát khỏi những lỗi lầm đã gây ra trong cuộc chiến ở Việt Nam.
Các cựu phi công Hoa Kỳ mong cầu sự tha thứ, ta chủ động hóa giải hận thù, gác lại quá khứ, xếp lại nỗi đau bằng sự bao dung vô tận. Người Việt khiêm nhường và sâu lắng, luôn trân trọng triết lý - cũng là thông điệp xuyên suốt 28 phút của phim tài liệu “Hóa giải”: Hơn cả chiến thắng là hòa bình.
Ngay phần mở đầu của bộ phim đã được đạo diễn Vũ Anh Nhất khai thác chọn lọc các thước phim tư liệu là những hình ảnh, câu chuyện chân thực về cuộc sống và tình cảm của các tù binh phi công Mỹ khi họ bị bắt giam tại Hà Nội.
Không dùng quá nhiều lời bình, bằng những hình ảnh đắt giá kết hợp với âm nhạc và những cuộc phỏng vấn xúc động, được dựng trên một tiết tấu chậm, sâu lắng khiến thước phim chạm được tới trái tim khán giả.
Qua các câu chuyện từ hai phía trong “Hóa giải”, khán giả sẽ thấy được sự khốc liệt của chiến tranh. Từ đó, mỗi người sẽ thấy được giá trị của hoà bình cũng như lòng nhân ái của con người Việt Nam.
Đã có rất nhiều cuộc gặp gỡ của những phi công Hoa Kỳ và những phi công Việt Nam trên cả hai miền đất nước. Giờ đây cả hai bên đều nhận thấy rằng, hơn cả sự hoà giải, đó còn là tình cảm bao dung, cao thượng mà bên tự vệ chính nghĩa dành cho đối phương. Giờ đây, những người cựu thù năm xưa đã trở thành những người bạn. Họ cùng nhau chia sẻ những câu chuyện trong quá khứ, hàn gắn vết thương chiến tranh.
“Hoá giải” cũng là bộ phim phản ánh những góc nhìn của những người lính bước ra từ cuộc chiến tranh Việt Nam, nhưng từ phía “bên kia”. Các cựu binh Mỹ sau nhiều năm kết thúc cuộc chiến, đã quay trở lại để nói lời sám hối. Cảm xúc và sự chân thành chính là những yếu tố đặc biệt toát lên từ những thước phim kỳ công và giàu tâm huyết.
Là một tác phẩm thành công của đạo diễn Vũ Anh Nhất, bộ phim đã dành được đánh giá rất cao của Hội đồng nghệ thuật Điện ảnh Quân đội nhân dân. Trước đó, vào năm 2022 “Hoá giải” từng đạt Giải B báo chí quốc gia.
Xếp lại nỗi đau bằng lòng bao dung vô tận
Vào tháng 4/2023, phim tài liệu “Hóa giải” được chọn mở màn sự kiện Tuần phim kỷ niệm 80 năm ra đời “Ðề cương về Văn hóa Việt Nam” và 48 năm Ngày Giải phóng miền Nam thống nhất đất nước, đồng thời nhằm tôn vinh những tác phẩm phản ánh vẻ đẹp của đất nước, con người Việt Nam, các giá trị văn hóa truyền thống.
“Hóa giải” không chỉ để nhắc lại, làm rõ những sự việc từng xảy ra trong chiến tranh, các cựu binh Mỹ còn bộc bạch nỗi day dứt gieo rắc ở Việt Nam. Những chiến sĩ bên Việt Nam cũng thay mặt nhân dân bày tỏ tinh thần bao dung, tha thứ để hóa giải nỗi đau quá khứ.
Đạo diễn Vũ Anh Nhất cho biết: “Bộ phim được thực hiện trong 6 tháng của năm 2021, giữa thời kỳ đại dịch Covid-19. Mỗi cuộc phỏng vấn phải được thực hiện riêng lẻ với từng nhân vật để đảm bảo điều kiện phòng chống dịch bệnh. Với nhiều nhân vật, đoàn phim phải nhờ đồng nghiệp các địa phương quay giúp để gửi về.
Đặc biệt, phim khai thác chọn lọc những tư liệu đắt giá của Điện ảnh Quân đội nhân dân và của các đồng nghiệp trong và ngoài nước. Chúng tôi trân trọng những tư liệu quý này, bởi đó công sức, mồ hôi, máu của đồng nghiệp, trong đó có những người quay phim chiến trường đã hi sinh”.
Cũng theo đạo diễn Vũ Anh Nhất, khai thác nguồn tư liệu mở của các nhà làm phim nước ngoài, phải rất chú trọng tính chính xác cho dù mất nhiều thời gian để xem, nghe, dịch thuật và đối chiếu, chọn lọc đưa hình ảnh giá trị vào bộ phim.
“Ở phim tài liệu ‘Hóa giải’, thông điệp ‘hơn cả chiến thắng là hòa bình’ được nhắc đến một cách tự nhiên qua lời bình, lời kể và ca khúc: Một lần nhấn nút điều khiển của người phi công B52 là 10 tấn bom trút xuống Hà Nội. Và sau đó, bạn thấy gì? ‘Giết chóc, tàn sát, máu và vân vân…’, Joan Bae - nữ ca sĩ Hoa Kỳ đã chứng kiến và bàng hoàng nhận ra như vậy. Cô phản đối chiến tranh, đứng về phía những người Việt Nam yêu hòa bình.
Là đạo diễn, cũng là người viết lời bình cho bộ phim, tôi thấy mình thật may mắn khi được kể lại mộc mạc nhất về đức tính sẵn có của dân tộc mình. Khi nỗi đau đã xếp lại bằng sự bao dung vô tận, người Việt khiêm nhường và sâu lắng, luôn trân trọng một điều: Hơn cả chiến thắng là hòa bình”, Thiếu tá, đạo diễn Vũ Anh Nhất cho biết.