Bài bản, công bằng và chuyên tâm
Là người trực tiếp cùng tham gia giảng dạy đội tuyển Olympic Toán quốc tế năm nay của Việt Nam, TS Phạm Đức Hiệp (Trường ĐH Giáo dục, ĐHQG Hà Nội) chia sẻ: Đội tuyển được học rất bài bản, dưới sự hướng dẫn tận tình của các thầy cô có tên tuổi, uy tín trong đào tạo đội tuyển Olympic trong cả nước.
Điều đặc biệt, tham gia bồi dưỡng đội tuyển không chỉ có những giáo viên kỳ cựu, dày dạn kinh nghiệm mà còn góp mặt cả những gương mặt trẻ, nhiệt huyết. Một số thí sinh đã từng tham dự các kỳ Olympic trước cũng được mời đến giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm.
“Trưởng đoàn - PGS.TS Lê Anh Vinh - đã sát sao với đội tuyển ngay từ những ngày đầu, nội dung kiến thức cũng được định hướng rõ ràng; bên cạnh thế mạnh là hình học và đại số cũng bám sát hơn phần tổ hợp, số học – vốn không phải thế mạnh của học sinh Việt Nam” – TS Phạm Đức Hiệp chia sẻ thêm.
Nhấn mạnh thành tích của 3 đội Toán học, Vật lí và Hóa học của Việt Nam năm nay là đặc biệt xuất sắc, có thể nói là tốt nhất từ trước đến nay, PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà – Trưởng khoa Hóa học (Trường ĐHSP Hà Nội) – phân tích yếu tố quan trọng nhất dẫn đến kết quả tuyệt vời này, trước hết phải kể đến khâu thi tuyển chọn qua 2 vòng thi quốc gia.
“Chúng ta đã làm rất tốt và công bằng từ khâu làm đề, chấm thi nên chọn được những học sinh xuất sắc nhất; học sinh cũng được được trang bị kiến thức nền tảng rất tốt từ các thầy cô ở trường phổ thông.
Kế tiếp là công tác bồi dưỡng đội tuyển. Năm nay, Bộ GD&ĐT đã chỉ đạo kéo dài thời gian bồi dưỡng nên các em được tập huấn nhiều hơn từ các thầy cô giàu kinh nghiệm, cả về kiến thức và kinh nghiệm làm bài.
Từ kinh nghiệm các năm trước, năm nay chúng tôi tăng cường rất nhiều về thời gian, nội dung, kĩ năng làm bài thực hành Hóa học. Phần này chiếm 40% điểm số và kết quả năm nay các em đều làm tốt phần này” - PGS.TS Nguyễn Ngọc Hà cho hay.
Theo Trưởng khoa Hóa học (Trường ĐHSP Hà Nội), từ những kết quả rất tốt đã đạt sẽ là tiền đề, là truyền thống để học sinh thế hệ kế tiếp vững tin và có động lực học tập phấn đấu.
Tất nhiên, để đạt được kết quả tốt nhất, rất cần sự kết hợp, động viên của cả gia đình, nhà trường, các cấp chính quyền; trong đó đặc biệt là chính sách và sự điều hành vĩ mô của Bộ GD&ĐT đối với quyền lợi của cả học sinh và giáo viên.
Ông Nguyễn Hữu Hoài tặng bằng khen và chúc mừng học sinh Nguyễn Thế Quỳnh sau khi giành HCB Olympic Vật lý Châu Á năm 2017. Ảnh: Vĩnh Quý. |
Giải phóng sự sáng tạo
Theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành - Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Trung học, Bộ GD&ĐT – thành tích của các đoàn Olympic Việt Nam năm nay đặt biệt xuất sắc. Với 100% học sinh đoạt huy chương, điều ấn tượng là số huy chương Vàng chiếm đa số (4/6 huy chương Vàng với môn Toán, 4/5 huy chương Vàng với môn Vật lý, 3/4 huy chương Vàng với môn Hóa học). Đặc biệt, môn Toán, học sinh Hoàng Hữu Quốc Huy cùng 2 thí sinh khác (1 của Iran và 1 của Nhật) có điểm số cá nhân cao nhất.
Những thí sinh mang về thành tích cao không chỉ ở các thành phố lớn mà lan rộng đến các tỉnh như Quảng Bình, Bà Rịa – Vũng Tàu, Nghệ An…
Yếu tố quan trọng mang đến thành tích này, theo PGS.TS Nguyễn Xuân Thành, đó là bởi chất lượng giáo dục đại trà được nâng lên. Trên nền tảng đó, giáo dục mũi nhọn được quan tâm đầu tư có hiệu quả.
Bên cạnh đó là tác động tích cực từ việc dạy học ngoại ngữ những năm qua đã được cải thiện rõ. Việc triển khai dạy học các môn Toán và Khoa học (Vật lý, Hóa học, Sinh học) bằng Tiếng Anh được triển khai nhiều năm qua giúp học sinh có đủ khả năng về ngoại ngữ và tiếp cận với các tài liệu nước ngoài.
Cùng với nội dung giáo dục cập nhật với trình độ giáo dục thế giới, PGS.TS Nguyễn Xuân Thành cũng nhắc đến một yếu tố khác là thiết bị thí nghiệm của các trường chuyên những năm qua được tăng cường. Học sinh có điều kiện thực hành thí nghiệm thường xuyên, từ đó có kĩ năng thực hành tốt. Việc làm tốt các bài thi thực hành cũng giúp kết quả học sinh Việt Nam đạt được ngày một cao như hiện nay.
“Hiện nay, Bộ GD&ĐT đã giao quyền tự chủ cho các địa phương cơ sở giáo dục xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục, nhất là đối với các trường chuyên. Điều đó giải phóng sự sáng tạo của các địa phương, nhà trường, giáo viên; tạo động lực mạnh mẽ cho giáo viên và học sinh trong dạy học. Đó là yếu tố quan trọng giúp nâng cao chất lượng giáo dục đại trà và giáo dục mũi nhọn.
Mặt khác, các trường chuyên ngày càng được tăng cường cơ sở vật chất, đội ngũ nhờ Đề án phát triển trường chuyen 956; từ đó, các trường này được trang bị thiết bị dạy học hiện đại, học sinh được tiếp cận và không lạ lẫm với thiết bị dạy học trong các bài thi quốc tế” - PGS.TS Nguyễn Xuân Thành chia sẻ thêm.
Olympic Vật lý quốc tế 2017: Đoàn Việt Nam giành 4 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, đứng thứ 5 sau Trung Quốc, Hàn Quốc, Nga và Singapore. Đây là thành tích cao nhất trong lịch sử 37 lần tham dự Olympic Vật lý quốc tế.
Olympic Toán quốc tế năm 2017: Đoàn Việt Nam giành 4 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc, 1huy chương Đồng – đứng thứ 3 thế giới, thành tích cao nhất trong 43 lần dự thi Olympic Toán quốc tế.
Olympic Hoá học quốc tế năm 2017: Đoàn Việt Nam giành 3 huy chương Vàng, 1 huy chương Bạc – xếp thứ 2 cùng với Trung Quốc, sau Hoa Kỳ. Đây cũng là kết quả cao nhất của Đội tuyển Việt Nam tham dự Olympic Hóa học quốc tế từ trước đến nay.
Sau khi biết tin, Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ đã gửi lời chúc mừng nồng nhiệt tới tất cả các học sinh đoạt huy chương và các thành viên trong đoàn.
Thành tích này đã khẳng định hướng đi đúng của ngành Giáo dục trong công tác phát hiện, tuyển chọn và bồi dưỡng học sinh giỏi; đồng thời khẳng định sự quan tâm chỉ đạo sát sao của Lãnh đạo Bộ GD&ĐT, cũng như sự cố gắng, nỗ lực của các em học sinh, các thầy cô giáo tham gia bồi dưỡng học sinh giỏi trong thời gian qua.