Giải mã kỳ thi có hai trạng nguyên hiếm có thời Trần

GD&TĐ - Nếu như nhà Nguyễn sau này không chấm được ai làm Trạng nguyên, thì thời Trần từng lấy 4 Trạng nguyên chỉ trong hai kỳ thi.

Đền thờ họ Trương ở Ninh Bình - cũng là nơi thờ Trại Trạng nguyên Trương Xán.
Đền thờ họ Trương ở Ninh Bình - cũng là nơi thờ Trại Trạng nguyên Trương Xán.

Khoa thi Bính Thìn (1256), lần đầu tiên nhà Trần lấy Trần Quốc Lặc làm Kinh Trạng nguyên, Trương Xán làm Trại Trạng nguyên. Và phải đến 10 năm sau, tức năm Bính Dần (1266) triều đình lại mở khoa thi lấy Kinh Trạng nguyên là Trần Cố và Trại Trạng nguyên là Bạch Liêu.

Tại sao phân chia Kinh - Trại?

Theo nhà sử học Ngô Thì Sĩ thời Lê trung hưng, việc chia Kinh và Trại trong việc thi cử của nhà Trần, cũng giống như nhà Thanh chia ra Hán và Mãn để phân biệt cho rõ. Tuy nhiên, đánh giá này ít được chấp thuận. Thay vào đó, giới nghiên cứu đồng tình cho rằng “Kinh là kinh đô, vùng gần kinh thành hoặc đồng bằng quanh kinh thành. Trại là vùng núi, vùng biên giới, xa kinh thành”.

Trường hợp phân chia 2 ngôi vị thời Trần là Kinh Trạng nguyên (các tiến sĩ quê từ Ninh Bình trở ra) và Trại Trạng nguyên (từ Thanh Hóa trở vào) được đánh giá là hiếm có trong lịch sử khoa bảng thời phong kiến nước ta. Tuy nhiên, vì thế mà việc đi tìm lời giải thích thỏa đáng cho hiện tượng này lại không đơn giản.

Ngay trong tác phẩm “Kiến văn tiểu lục” của Lê Quý Đôn, tuy có ghi chép về sự việc này nhưng cũng khá qua loa, không đưa ra nguyên nhân cơ bản. Sách ghi: “Năm Bính Thìn niên hiệu Nguyên Phong (tức triều Trần Thái Tông - 1256) lại chia người tứ chiếng làm Kinh, người Ái Châu và Hoan Châu làm Trại, lấy đỗ hai Trạng nguyên; một ở Kinh, một ở Trại và Bảng nhãn, Thám hoa, lại lấy 43 người đỗ Thái học sinh…

Năm Bính Dần niên hiệu Thiệu Long (tức triều Trần Thánh Tông - 1266) lấy đỗ hai Trạng nguyên, hai Thám hoa và 47 Thái học sinh. Năm Ất Hợi niên hiệu Bảo Phù (1275) lại hợp Kinh và Trại làm một, lấy ba tên đỗ Tam khôi và 27 tên đỗ Thái học sinh…”.

Ngay trong việc phân chia Kinh - Trại cũng có nhiều lời giải thích khác nhau. “Việt sử cương mục tiết yếu” có ghi: “Bắt đầu phân chia Kinh, Trại. Từ Thanh Hóa trở vào là Trại, trở ra là Kinh”. Sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” giải thích là do lúc ấy chia tứ trấn làm Kinh, Thanh Nghệ trở vào làm Trại nên mới có sự phân biệt trong chọn người đỗ đạt như vậy.

Sách “Dư địa chí” của Nguyễn Trãi, hay “Lịch triều hiến chương loại chí” phần “Dư địa chí” (Phan Huy Chú) và “Sử học bị khảo” (Đặng Xuân Bảng)… không thấy việc chia Kinh - Trại thời Trần. Sách “Đại Nam nhất thống chí” của Quốc sử quán triều Nguyễn ghi rằng, từ thời Lý năm Canh Tuất (1010), Thanh Hóa, Nghệ An đã được gọi là Trại, sau đổi là Châu. Đến thời vua Trần Thái Tông nhà Trần, năm Quý Sửu (1253) lại đổi ra Trại.

K.W.Taylor ghi lại nhận xét trong tác phẩm “A History of the Vietnamese” như sau: Theo sự phân biệt đầu tiên được tường trình dưới thời Trần, nhiều người Kinh cảm thấy có giá trị khi họ là một phần của vương quốc phương Bắc, riêng người Trại thì không. Vì thế, vào thập niên 1420, sau khi Chu Đệ băng hà, hoạt động kháng Minh tích cực trong nhóm người Trại tại các phủ phía Nam… Thời Trần, thuật ngữ Kinh – Trại biểu trưng hai xu hướng khác nhau trong lĩnh vực thực hành văn hóa và ngôn ngữ…

Nhà nghiên cứu văn hóa dân gian Hồ Nam lại cho rằng: Kinh là kinh đô, người Việt ở vùng kinh thành hoặc đồng bằng quanh kinh thành, ven biển thì gọi là người Kinh. Trại tiếng Hán là trang trại, biên giới, biên cương (từ hay dùng trong trại chủ, chỉ vùng sơn cước, miền núi cao) là chỉ người Việt sinh sống tại những vùng miền núi cao, biên cương xa kinh thành.

Nói chung, Kinh hay Trại vẫn là người Việt, người Kinh ở vùng kinh đô thì ảnh hưởng văn hóa phương Bắc rõ ràng hơn, nên có sự khác biệt về phong tục, văn hóa, lễ nghi, ngôn ngữ… so với người Việt miền núi xa kinh thành.

Nhà Trần có hai khoa thi lấy mỗi khoa hai Trạng nguyên phân ra Kinh - Trại. Ảnh minh họa.

Nhà Trần có hai khoa thi lấy mỗi khoa hai Trạng nguyên phân ra Kinh - Trại. Ảnh minh họa.

2 kỳ thi lấy 4 Trạng nguyên

Khoa bảng nước ta được tính từ năm 1075 - khi nhà Lý tổ chức khoa thi Minh Kinh bác học và lấy Lê Văn Thịnh làm người đỗ đầu. Và sau này, cho đến kỳ thi cuối cùng của nhà Lý (1213) - triều đình cũng không bao giờ lấy 2 người đỗ đầu.

Thời nhà Trần, khoa thi Bính Thìn (1256), lần đầu tiên trong lịch sử lấy 2 Trạng nguyên trong một khoa thi: Trần Quốc Lặc làm Kinh Trạng nguyên, Trương Xán làm Trại Trạng nguyên. Và 10 năm sau, tức năm Bính Dần (1266) triều đình lại mở khoa thi lấy Kinh Trạng nguyên là Trần Cố và Trại Trạng nguyên là Bạch Liêu.

Kinh Trạng nguyên Trần Quốc Lặc sinh năm 1230, người làng Uông Hạ, huyện Thanh Lâm, châu Thượng Hồng (nay là thôn Uông Hạ, xã Minh Tân, Nam Sách - Hải Dương). Ông làm quan đến chức Nhập nội Hành khiển kiêm Dao lãnh nam thùy quân quốc trọng sự, sau được phong làm Phúc thần.

Trần Quốc Lặc có tiếng là người ham học, cầm sách đọc từ khi gà gáy sớm đến trưa mà vẫn không rời tay rời mắt. Sách “Hải Dương phong vật chí” và “Tam khôi bị lục” còn cho biết sau khi thi đỗ, Trần Quốc Lặc được vua gả công chúa.

Trại Trạng nguyên Trương Xán sinh năm 1227 quê ở xã Hoành Bồ, huyện Quảng Trạch, châu Bố Chính (nay là Quảng Trạch - Quảng Bình). Tuy nhiên, chú thích của “Đại Việt sử ký toàn thư” lại ghi “Trương Xán người huyện Tế Giang (lộ Bắc Giang)”.

Có thể do người đỗ Trại Trạng nguyên phải sinh sống từ khu vực Hoan Châu, Diễn Châu (Thanh Hóa - Nghệ An) trở vào nên có thể do nguyên quán của Trương Xán là Tế Giang (Bắc Giang) nhưng đã chuyển vào Hoành Bồ (Quảng Trạch) sinh sống. Ông làm quan đến chức Hàn lâm học sĩ, được một số làng chài lập đền và thờ như Phúc thần chuyên cứu giúp những người đi biển.

Năm Bính Dần (1266) lấy Kinh Trạng nguyên là Trần Cố được sách “Đại Việt lịch triều đăng khoa lục” ghi lại như sau: “Người huyện Thanh Miến, làng Phạm Triều, trú ở huyện Đông Ngạn, làng Phù Chẩn, làm đến chức Thiên chương các Đại học sĩ”. Chính xác ông là người xã Phạm Triền, huyện Thanh Miện, phủ Hạ Hồng (nay là thôn Phạm Lý, xã Ngô Quyền, Thanh Miện - Hải Dương).

Trần Cố làm quan đến chức Hiến sát sứ, và một số nguồn nghiên cứu cho rằng, ông được gả cho Ứng Thụy Công chúa Lê Khuê - con gái của Lý Chiêu Hoàng và Bảo Văn hầu Thiếu sư Lê Phụ Trần, em gái của Thượng vị hầu Lê Tông.

Trại Trạng nguyên Bạch Liêu sinh năm 1236 quê ở làng Yên Xá, huyện Đông Thành, phủ Diễn Châu (nay là xã Mã Thành, Yên Thành – Nghệ An). Nguồn sử liệu cho biết, ông là người thông minh nhớ lâu, đọc sách ngàn dòng một mạch, là vị tổ khai khoa của xứ Nghệ, nhưng không ra làm quan.

Ông ở lại làm môn khách giúp Chiêu Minh Vương Trần Quang Khải trấn Nghệ An. Với tư cách là một quân sư, ông đã giúp Trần Quang Khải thảo ra kế hoạch về tuyển quân và dự trữ lương thực, củng cố biên giới phía Nam (gọi là Biến pháp tam chương) góp phần quan trọng trong việc đánh thắng Nguyên Mông.

Ông được cử theo đoàn sứ bộ sang nhà Nguyên góp phần thiết lập quan hệ ngoại giao hòa hiếu giữa 2 nước. Khi tuổi đã cao, ông về quê mở trường dạy học và bốc thuốc chữa bệnh. Khi mất được vua phong làm Phúc thần, hiệu là Đương Cảnh thành hoàng Đại Vương.

Nhà thờ Trại Trạng nguyên Bạch Liêu tại quê Mã Thành (Yên Thành - Nghệ An).

Nhà thờ Trại Trạng nguyên Bạch Liêu tại quê Mã Thành (Yên Thành - Nghệ An).

Không có hai Bảng nhãn và Thám hoa

Viết về sự kiện hiếm có ấy, “Đại Nam quốc sử diễn ca” còn ghi lại ấn tượng là: Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa/ Kẻ Kinh, người Trại cũng là tài danh.

Khoa cử nước ta bắt đầu từ thời Lý, nhưng phải đến thời Trần mới định Tam khôi. Cùng với việc lấy mỗi kỳ 2 Trạng nguyên, thì đồng thời cũng lấy 2 Thám hoa như Lê Quý Đôn ghi trong sách “Kiến văn tiểu lục”.

Tuy nhiên khi tra cứu các văn bản lịch sử về 2 khoa thi này, chỉ thấy Bảng nhãn là Chu Hinh, Thám hoa là Trần Uyên (khoa thi năm 1256). Sang khoa thi năm 1266 thì không thấy ghi Bảng nhãn, chỉ có 1 Thám hoa là Hạ Nghi.

Ngoài hai khoa thi kể trên, sau đó từ khoa thi năm Ất Hợi (1275), việc lấy Kinh và Trại Trạng nguyên chấm dứt không bao giờ lặp lại. “Đại Việt sử ký toàn thư” ghi rằng: “Ất Hợi (1275).

Mùa xuân, tháng 2, mở khoa thi chọn học trò. Ban đỗ Trạng nguyên Đào Tiêu, Bảng nhãn (không ghi họ tên), Thám hoa lang Quách Nhẫn, Thái học sinh 27 người, xuất thân có thứ bậc khác nhau. Hai khoa Bính Thìn, Bính Dần trước kia có chia Kinh Trạng nguyên và Trại Trạng nguyên, đến nay lại hợp nhất”.

Kỳ thi năm 1305, ai đỗ Tam khôi sẽ được dẫn ra cửa Long Môn, Phượng Thành đi chơi phố 3 ngày. Trạng nguyên thì bổ Thái học sinh hỏa dũng thủ, sung chức nội thư gia; Bảng nhãn thì bổ chi hậu bạ thư; có mạo sam, sung chức nội lệnh thư gia; Thám hoa thì bổ hiệu thư, có quyền miện và được 2 tư; còn 330 người được lưu học. Cùng năm có chiếu dùng bảy khoa để thi học trò trong nước.

Năm 1314, thi Thái học sinh, ai đỗ cho tước bạ thư lệnh. Năm 1345, thi Thái học sinh, phép thi dùng ám tả cổ văn, kinh nghĩa, thơ phú. Năm 1363 thi học trò, lấy người có văn nghệ vào làm trong quán các.

Năm 1374 thi Tiến sĩ ở điện đình, lấy đỗ Trạng nguyên, Bảng nhãn, Thám hoa, Hoàng giáp, Cập đệ và đồng Cập đệ 44 người, xuất thân theo thứ bậc khác nhau. Năm 1381 thi Thái học sinh. Năm 1384 thi Thái học sinh ở chùa Vạn Phúc, núi Tiên Du.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ