Đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch cùng với nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, đa dạng đã mang về cho du lịch Việt một mùa bội thu ngay từ đầu năm mới Xuân Giáp Thìn 2024.
Tăng 75% khách lưu trú
Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam ước tính, 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024 (từ 29 tháng Chạp đến mùng 5 Tết, tức 8 - 14/2), cả nước ước phục vụ 10,5 triệu lượt khách nội địa (tăng khoảng 16,6% so với cùng kỳ Tết Nguyên đán Quý Mão 2023), trong đó khách có lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt.
Trong tổng số khách nội địa dịp Tết Giáp Thìn, khách có lưu trú ước đạt 3,5 triệu lượt (tăng 75% so với cùng kỳ năm 2023). Công suất phòng trung bình ước đạt khoảng từ 45 - 50% tại hệ thống cơ sở lưu trú du lịch. Giá phòng dịp Tết Giáp Thìn tăng từ 5 - 10%, không xảy ra tình trạng cháy phòng, bán sai giá niêm yết.
Theo Cục Du lịch Quốc gia Việt Nam, từ ngày 29 tháng Chạp đến hết ngày mùng 5 Tết Nguyên đán, thời tiết khô ráo, nắng ấm khắp cả nước là điều kiện lý tưởng để người dân du Xuân, chơi Tết. Đây cũng là điểm nhấn để ngành du lịch bội thu.
Sở Du lịch TP Hà Nội cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Giáp Thìn, Thủ đô đón 653.000 lượt khách, tăng 21,6% so với cùng kỳ. Trong đó, số lượng du khách quốc tế tiếp tục tăng trưởng mạnh, tăng 2,2 lần so với cùng kỳ 2023 với gần 103 nghìn lượt khách (các thị trường khách chủ yếu là Hàn Quốc, Trung Quốc, Đài Loan, Mỹ, Ấn Độ, Pháp, Anh, Đức, Nhật Bản...); khách du lịch nội địa tăng 12,2% với 550 nghìn lượt khách. Tổng thu từ khách du lịch đạt 2,35 nghìn tỷ đồng, tăng 35,1% so với cùng kỳ năm 2023.
Cũng theo Sở Du lịch Hà Nội, đơn vị đã cung cấp thông tin cho 36 lượt khách du lịch về tuyến điểm du lịch trên địa bàn, chỉ dẫn đường đi, thời gian tổ chức các sự kiện trên địa bàn thành phố.
Nằm trong tốp 5 điểm đến thu hút đông khách nhất cả nước, ông Bùi Văn Mạnh, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình cho biết, trong 7 ngày nghỉ Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024, Ninh Bình ước đón khoảng 596.000 lượt khách, tăng 50,1% so với dịp Tết năm 2023 (đón 397.058 lượt).
Đáng nói, trong đó có trên 115.000 lượt khách quốc tế, gấp 3,9 lần so với năm 2023 (29.500 lượt). Doanh thu đạt trên 850 tỷ đồng, tăng 54,5% so với dịp Tết 2023.
Du khách đến đền Bà Chúa Kho (Bắc Ninh) sáng 20/2. |
Đổi mới để bứt phá
Theo ông Bùi Văn Mạnh, tỉnh Ninh Bình nằm trong tốp 5 điểm đến thu hút đông khách nhất cả nước, bao gồm, TPHCM (1,8 triệu du khách), Hà Nội (650.000 lượt du khách), Quảng Ninh (800.000 lượt du khách) và Khánh Hòa là 630.000 lượt du khách. Đặc biệt, Ninh Bình đứng thứ 2 trên cả nước về số lượng khách quốc tế đến (sau thành phố Đà Nẵng với 177.000 lượt du khách).
“Từ kỳ nghỉ Tết đến nay, toàn tỉnh Ninh Bình đón 1.331.000 lượt khách, trong đó có 181.000 lượt khách quốc tế. Ước thực hiện tháng 2/2024, du lịch Ninh Bình đón trên 2 triệu lượt khách tăng 62,6% so với cùng kỳ năm 2023. Trong đó có 250.000 lượt khách quốc tế, gấp 5,3 lần so với cùng kỳ năm 2023. Doanh thu ước đạt 1.650 tỷ đồng, tăng 70,7% so với cùng kỳ 2023...”, Giám đốc Sở Du lịch Ninh Bình tin tưởng.
Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình nhận định, để thu hút khách du lịch, bên cạnh việc đổi mới và nâng cao chất lượng sản phẩm, dịch vụ du lịch Ninh Bình nâng tầm mới với nhiều hoạt động trải nghiệm phong phú, đa dạng. Trong đó các điểm đến du lịch tái hiện không gian Tết truyền thống, Tết xưa và nâng giá trị văn hóa qua từng sản phẩm du lịch.
“Yếu tố văn hóa là sự khác biệt, đặc trưng để tạo trải nghiệm độc đáo cho du khách...”, Giám đốc Sở Du lịch tỉnh Ninh Bình tiết lộ.
Lễ hội chùa Hương là một trong những lễ hội kéo dài và lớn nhất cả nước. Nói về lễ hội này, ông Đặng Văn Cảnh, Phó Chủ tịch UBND huyện Mỹ Đức (Hà Nội) cho biết, từ ngày 12/2 (tức mùng 3 Tết Nguyên đán Giáp Thìn 2024) đến 20/2, Khu di tích quốc gia đặc biệt quần thể Hương Sơn đã đón trên 22 vạn du khách, trong đó riêng ngày khai hội đón khoảng gần 4 vạn lượt khách.
Theo lãnh đạo UBND huyện Mỹ Đức, nét mới của lễ hội chùa Hương năm 2024 là thành lập HTX dịch vụ du lịch chùa Hương nhằm chấm dứt tình trạng chèo kéo, tự phát không theo quy định gây bất cập cho hoạt động phục vụ du khách.
Hệ thống thuyền đò phục vụ cho lễ hội năm 2024 do HTX dịch vụ du lịch chùa Hương cung cấp, quản lý và thực hiện do UBND xã Hương Sơn (huyện Mỹ Đức, TP Hà Nội) chỉ đạo.
Để tránh tình trạng ách tắc, quá tải trong những ngày đầu diễn ra lễ hội, Ban Quản lý Khu Di tích và Thắng cảnh Hương Sơn thay vé giấy bằng vé điện tử. Đồng thời, đưa vào chạy xe điện phục vụ du khách theo lộ trình tuyến: Bến xe Hội Xá - bến đò Yến Vỹ; bến xe Đục Khê - bến trượt Đồng Cừ; bến xe Đường số 1 - bến đò chùa Tuyết Sơn và được niêm yết giá công khai.
Tương tự tại tỉnh Bắc Ninh, dù chưa đến ngày “mở kho”, nhưng rất đông người dân và du khách thập phương đã đổ về đền Bà Chúa Kho. Ông Nguyễn Văn Phương, Trưởng Ban quản lý di tích đền Bà Chúa Kho (tỉnh Bắc Ninh) cho biết, lễ hội tổ chức ngày 12 tháng Giêng, tuy nhiên những ngày qua đã đón hàng vạn du khách.
Theo ông Phương, ban tổ chức lễ hội đã sớm xây dựng kế hoạch cụ thể, phân công nhiệm vụ từng ban, ngành, triển khai nhiều giải pháp nhằm tăng cường công tác quản lý lễ hội. Đồng thời, lắp 47 camera theo dõi an ninh, trật tự, qua đó, kịp thời phát hiện, xử lý tình trạng mất an ninh trật tự, ảnh hưởng hoạt động lễ đền của người dân.
Cũng tại tỉnh Bắc Ninh, lễ hội Lim Xuân Giáp Thìn 2024 có nhiều đổi mới, trong đó ban tổ chức cho phép các điểm hát quan họ nhận tiền thưởng của du khách phải đảm bảo văn hóa, phù hợp với giá trị truyền thống. Đồng thời, tiếp tục khuyến khích các điểm hát quan họ dùng nhạc cụ dân tộc. Không hát nhạc mới, hát chèo, hát văn, nhảy đồng, các loại nhạc khác không phù hợp.