Trong suốt tháng 7/2023, tại Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam sẽ có các hoạt động với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm” giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào các dân tộc.
Theo Ban Quản lý Làng Văn hóa - Du lịch các dân tộc Việt Nam, hoạt động tháng 7 với sự tham gia của khoảng gần 100 đồng bào của các dân tộc Tày, Nùng, Mông, Mường, Dao, Thái, Khơ Mú, Tà Ôi, Bahnar, Xê Đăng, Gia Rai, Cơ Tu, Raglai, Ê Đê, Khmer đến từ 12 địa phương trên cả nước.
Hoạt động tháng 7 với chủ đề “Sắc màu thổ cẩm” có điểm nhấn là chương trình “Màu thời gian” trình diễn nghề dệt thổ cẩm của cộng đồng các dân tộc thiểu số. Những nghề truyền thống phản ánh tri thức bản địa cùng với kỹ năng sống của đồng bào. Việc bảo tồn nghề là bảo tồn tri thức bản địa, bảo tồn kỹ năng sống, bảo tồn những giá trị truyền thống.
Bên cạnh đó, mỗi sản phẩm thủ công truyền thống đều ẩn chứa câu chuyện riêng, gửi gắm trong đó những lời răn dạy, những kiến thức tích lũy từ đời sống của đồng bào. Bảo tồn nghề truyền thống còn là bảo tồn cả kho tàng văn hóa dân gian quý giá.
Đồng bào dân tộc Thái, dân tộc Mường với nghề dệt thổ cẩm truyền thống; dân tộc Mông với nghề xe lanh dệt vải; dân tộc Tà Ôi với nghề dệt Zèng - Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia; dân tộc Bahnar, Ê Đê với nghề dệt theo truyền thống Tây Nguyên và nghề thêu truyền thống của dân tộc Khmer, Nam Bộ.
Bên cạnh nghề dệt truyền thống, đồng bào các dân tộc sẽ giới thiệu các nghề truyền thống của dân tộc mình như chế tác nhạc cụ truyền thống, làm thuốc, đan lát, thêu, làm gốm... Mỗi một nghề, mỗi cộng đồng dân tộc đều có những đặc trưng khác nhau.
Mỗi một dân tộc có những ứng xử với nhiều điều kiện tự nhiên, địa hình khác nhau, có những truyền thống văn hóa khác nhau sẽ tạo ra nhiều ngành nghề khác nhau, vì vậy, tạo nên tính đa dạng trong sản xuất, đa dạng ngành nghề là hằng số xuyên suốt cuộc sống của đồng bào.
Đồng bào dân tộc Khmer sẽ tổ chức Lễ dâng y tắm mưa hay còn gọi là Lễ nhập hạ đặc sắc của dân tộc mình. Đây là nghi thức có từ thời Đức Phật còn tại thế, trước khi chư tăng nhập hạ an cư trong 3 tháng mùa mưa được phép thọ nhận “Y tắm mưa” để sử dụng trong thời gian ở hạ.
Vào ngày lễ này các gia đình phật tử tập trung tại chùa dâng cúng đến chư tăng các vật dụng cần thiết, ngày này đánh dấu thời điểm an cư bắt đầu tại một ngôi chùa. Các phật tử tại chùa Khmer chuẩn bị dâng các vật dụng cần thiết cho các sư trong mùa an cư kiết hạ, mong cầu một mùa an cư bình an.
Bên cạnh đó là các hoạt động hằng ngày, cuối tuần, chương trình du lịch homestay, trải nghiệm ẩm thực, trò chơi dân gian... nhằm giới thiệu nét văn hóa, phong tục tập quán của đồng bào, cùng các hoạt động trải nghiệm tại “Ngôi nhà chung” của cộng đồng 54 dân tộc Việt Nam, góp phần tăng cường giao lưu giữa các dân tộc, thu hút khách du lịch.