Giải mã 7 nghìn mảnh bích họa: Phát hiện mới về lịch của người Maya

GD&TĐ - Một nghiên cứu đăng trên tờ Science Advances mới đây, các nhà khoa học cho biết, những mẫu vật cổ được tìm thấy cách nay 10 năm là một phần của lịch Maya được sử dụng từ khoảng năm 300 - 200 trước Công nguyên.

Tái hiện lịch Tzolk’in của người Maya và hai mẫu vật thể hiện ngày “7 con Hươu” của bộ lịch cách nay hơn 2.000 năm.
Tái hiện lịch Tzolk’in của người Maya và hai mẫu vật thể hiện ngày “7 con Hươu” của bộ lịch cách nay hơn 2.000 năm.

Trong một nghiên cứu đăng trên tờ Science Advances mới đây, các nhà khoa học cho biết, những mẫu vật cổ được tìm thấy cách nay 10 năm là một phần của lịch Maya được sử dụng từ khoảng năm 300 - 200 trước Công nguyên.

Đây là bằng chứng mới cho thấy người cổ đại Maya đã dùng lịch sớm hơn 1 thế kỷ so với những phát hiện trước đây.   

Phát hiện quan trọng

Năm 2001, tại địa điểm khảo cổ San Bartolo, miền Bắc Guatemala, người ta đã phát hiện một quần thể kim tự tháp, được xem là nơi lưu giữ nhiều lớp lịch sử của người Maya, mỗi lớp là một ngôi đền, cái này xây dựng trên cái kia, nhỏ dần theo độ cao.

Việc xây dựng những cấu trúc mới ngay phía trên cấu trúc cũ từng là một tập quán khá phổ biến của người Maya cổ. Khi một công trình kiến trúc mới được hình thành, họ vùi lấp công trình cũ ngay bên dưới. Nó được xem là một điều gì đó thiêng liêng, như thể người ta chôn cất người thân trong gia đình.

Kim tự tháp được các nhà khảo cổ đặt tên là Las Pinturas (có nghĩa là “những bức tranh”) theo tên những bức bích họa vẫn còn nguyên vẹn, mô tả những cảnh trong thần thoại được tìm thấy ở căn phòng trên cùng.

Chính từ trung tâm của kim tự tháp này, nhóm nghiên cứu đã tìm thấy hơn 7 nghìn mảnh bích họa từ một thời đại trước đó.

Một số mảnh nhỏ bằng móng tay và những mảnh khác lớn hơn có kích thước 20 x 40 cm. Việc xác định bằng carbon phóng xạ đã kết luận chúng có niên đại từ 300 - 200 trước Công nguyên. Nhóm nghiên cứu đã tiến hành phân tích các mảnh vỡ của bức tường, được phát hiện từ năm 2002 - 2012.

Sau 10 năm tìm cách lắp ghép hơn 7 nghìn mảnh vỡ, giống như một trò chơi ghép hình phức tạp, mới đây các nhà nghiên cứu đã phát hiện hai mảnh có nét chạm thể hiện “7 con Hươu”, theo lịch dự đoán Tzolk’in của người Maya. Lịch Tzolk’in 260 ngày được nền văn minh Maya tiên tiến dùng để cấu trúc thời gian và vẫn được một số cộng đồng bản địa tuân theo cho đến ngày nay. 

Ngày “7 con Hươu” được phục dựng.

Ngày “7 con Hươu” được phục dựng.

Lịch cổ và nền văn minh

Không dựa vào sự chuyển động của các vì sao và các hiện tượng tự nhiên, lịch Tzolk’in - đã tồn tại ít nhất 2.200 năm - được cho là chỉ phát xuất từ toán học. Trong ngôn ngữ Maya cổ đại, Tzolk’in có nghĩa là “đếm ngày”, được cho là bộ lịch cổ nhất ở Trung Bộ châu Mỹ.

Đây cũng là 1 trong 7 loại lịch của người Maya cổ đại, từng sinh sống và phát triển rực rỡ ở miền Nam Mexico, cũng như một phần Trung Mỹ. Lịch này có 260 ngày, bao gồm sự kết hợp của 13 con số và 20 ngày có các dấu hiệu khác nhau.

Tuy nhiên, 260 ngày không tạo nên một năm. Đúng hơn, đó là một chu kỳ tương tự như tuần 7 ngày. Ký hiệu “7 con Hươu” không cho biết ngày tháng, cũng không cho biết mùa hoặc năm mà sự kiện gì đó đã xảy ra.

Giáo sư nghệ thuật Mesoamerican (Trung Mỹ cổ đại) của Đại học Texas (Mỹ), David Stuart - tác giả chính của nghiên cứu, mô tả các mảnh vỡ là “những miếng thạch cao trắng nhỏ vừa vặn trong tay, từng được gắn vào một bức tường đá. Chúng vừa khít với nhau và có chữ thư pháp sơn đen, mở đầu bằng ngày “7 con Hươu”, phần còn lại rất khó đọc”.

Các nhà khảo cổ tin rằng, các biểu tượng có thể được sử dụng để biểu thị ngày của năm mới, nhưng chúng cũng có thể chỉ một người hoặc vị thần. Người cổ thường sử dụng lịch để quyết định thời điểm tổ chức các buổi lễ, đánh dấu các ngày quan trọng hoặc để dự đoán các sự kiện trong tương lai.

Hệ thống chữ viết của người Maya bao gồm 800 glyph (nét chạm) và bằng chứng sớm nhất về việc sử dụng nó cho đến nay, cũng phát xuất từ San Bartolo.

Kim tự tháp được phát hiện ở San Bartolo.

Kim tự tháp được phát hiện ở San Bartolo.

San Bartolo có niên đại thời kỳ Tiền cổ Maya là trung tâm của một khu vực, kéo dài từ khoảng năm 400 trước Công nguyên đến năm 250 thuộc Công nguyên. Thời đại này đặt nền tảng cho sự phát triển rực rỡ nền văn hóa Maya trong suốt thời kỳ tiếp theo, được biết đến với các thành phố như Tikal ở Guatemala, Palenque ở Mexico và Copan ở Honduras…

Các ký hiệu chữ được tìm thấy trên 11 trong số 7 nghìn mảnh bích họa cho thấy hệ thống chữ viết và nghệ thuật đã có ở người Maya vào thời điểm này và lịch đã được sử dụng trong nhiều năm trước đó. Trước khi phát hiện ra “7 con Hươu” ở San Bartolo, hệ thống lịch 260 ngày được cho là bắt nguồn từ một nơi khác, Oaxaca.

Phát hiện trên giúp giới khoa học hiểu rõ hơn cách tính lịch 260 ngày của người Maya và các kiến thức liên quan đến khoa học vũ trụ. Maya từng là một nền văn minh rực rỡ, đạt tới đỉnh cao của mọi lĩnh vực, từ kiến trúc, toán học, thiên văn học cho đến nghệ thuật. Họ đã xây dựng các đền thờ, đài quan sát, cung điện, kim tự tháp mà không sử dụng các công cụ kim loại hoặc bánh xe.

Mặc dù, San Bartolo là một địa điểm quan trọng, nó không phải là thủ đô của Maya. Sự hiện diện của lịch ngày đặc biệt và chữ viết ở một thị trấn có diện tích khiêm tốn cho thấy hệ thống chữ viết và lịch có thể đã là một phần của thế giới Maya trong một thời gian dài.

Các chuyên gia hy vọng, địa điểm khảo cổ San Bartolo sẽ mở ra một cơ hội để hiểu thêm về sự phát triển của truyền thống văn tự và thiên văn Maya cổ đại.

Theo Ancient-origins

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ