Giải đúng bài toán chuyển đổi số trong cơ sở GD đại học

GD&TĐ - Là xu thế tất yếu, lợi ích mang lại to lớn nhưng hoạt động chuyển đổi số trong lĩnh vực giáo dục đại học đang gặp nhiều trở ngại cần được tháo gỡ.

Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM được thực hiện trên máy tính.
Kỳ thi đánh giá năng lực chuyên biệt của Trường ĐH Sư phạm TPHCM được thực hiện trên máy tính.

Nhiều trở ngại

Hội thảo khoa học “Chuyển đổi số: Xu thế phát triển trong giáo dục đại học” được tổ chức tại Trường Đại học Quốc tế Hồng Bàng ngày 10/6 đã ghi nhận kinh nghiệm thực tế chuyển đổi số trong giáo dục, từ đó đưa ra đề xuất về chính sách thúc đẩy hoạt động chuyển đổi số tại Việt Nam. Hơn 70 bài tham luận của nhà khoa học, giảng viên đến từ 26 trường đại học, học viện đã đề cập một số ứng dụng của kỹ thuật số trong giáo dục đại học phổ biến ở Việt Nam.

TS Nguyễn Hoài Sanh, Phó Viện trưởng Viện Khoa học Giáo dục và Đào tạo giáo viên, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng (TPHCM) cho biết, năm 2020, Chính phủ đã công bố “Chương trình chuyển đổi số quốc gia đến năm 2025, định hướng đến năm 2030”.

PGS.TS Đỗ Văn Nhơn, Trưởng khoa Công nghệ - Kỹ thuật, Trường ĐH Quốc tế Hồng Bàng nhìn nhận, khoảng 10 năm trở lại đây, có nhiều chuyển biến tích cực trong việc ứng dụng công nghệ thông tin vào hoạt động giảng dạy, học tập. Tuy nhiên, quá trình áp dụng công nghệ mới trong giáo dục đại học còn nhiều rào cản như thiếu tài nguyên số, thiếu đội ngũ nhân lực được đào tạo chính quy khi chuyển đổi số và vấn đề đảm bảo an ninh thông tin, quyền sở hữu trí tuệ.

Chương trình đã xác định giáo dục là lĩnh vực ưu tiên với các định hướng: Phát triển nền tảng hỗ trợ dạy học từ xa, ứng dụng triệt để công nghệ thông tin trong công tác quản lý, giảng dạy và học tập; số hóa tài liệu, giáo trình; xây dựng nền tảng chia sẻ tài nguyên giảng dạy và học tập theo hình thức trực tiếp và trực tuyến. Theo định hướng của chương trình, 100% cơ sở giáo dục triển khai công tác dạy học từ xa; giao bài tập về nhà và kiểm tra sự chuẩn bị của người học trước khi đến lớp cũng trên nền tảng số.

Mục tiêu là vậy nhưng theo TS Nguyễn Hoài Sanh, chuyển đổi số còn vấp phải nhiều khó khăn khi nhà quản lý và đội ngũ trong các bộ phận hỗ trợ thiếu hoặc không đủ khả năng triển khai, sử dụng các nền tảng kỹ thuật số. Tiếp đó, trình độ kỹ thuật số còn hạn chế của đội ngũ giảng viên, đặc biệt là giảng viên ở độ tuổi trung niên trở lên.

Lĩnh vực này thiếu các chuyên gia đầu ngành để đào tạo, bồi dưỡng cho nhân sự khác. Cuối cùng là khoảng cách thế hệ giữa sinh viên được coi là thành thạo công nghệ số với giảng viên. Sự chênh lệch thế hệ này tạo ra những rào cản đáng kể về tâm sinh lý đối với các bên tham gia trong truyền tải và tiếp nhận kiến thức.

TS Phan Xuân Hậu, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quảng Bình trình bày tại hội thảo.
TS Phan Xuân Hậu, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quảng Bình trình bày tại hội thảo.

Nâng cao chất lượng nhân sự

Mặc dù phải đối mặt với một số thách thức, các nhà khoa học đều khẳng định chuyển đổi số là xu thế phát triển tất yếu không thể đảo ngược của giáo dục đại học. Nhiều chuyên gia cho rằng, một trong những chìa khóa quyết định thành công trong hoạt động chuyển đổi số ở cơ sở giáo dục đại học là nguồn nhân lực chất lượng cao, đáp ứng nhu cầu và tiêu chuẩn đặt ra đối với năng lực số.

TS Phạm Xuân Hậu, Trưởng khoa Kỹ thuật - Công nghệ thông tin, Trường ĐH Quảng Bình nhấn mạnh, để có nguồn nhân lực chuyển đổi số chất lượng cao, vai trò của trường đại học trong quá trình đào tạo rất lớn. Theo đó, chuyển đổi số trong giáo dục có thể thể hiện qua việc:

Cho phép sinh viên đăng ký, cập nhật thông qua ứng dụng di động hoặc web; cung cấp khóa học trực tuyến khác nhau; cung cấp hệ thống thông minh để theo dõi quá trình học của sinh viên và quá trình kiểm tra đánh giá; cho phép triển khai hệ thống dữ liệu số phục vụ đào tạo; thư viện số, cung cấp tài nguyên số, tăng cường liên kết mở giữa các nguồn học liệu số; dữ liệu hóa và quy trình hóa hoạt động quản lý, quản trị, đào tạo.

TS Phạm Xuân Hậu còn nhắc đến khái niệm “năng lực số”, được đánh giá thông qua việc áp dụng công nghệ thông tin một cách tự tin và hiệu quả cho công việc, học tập, giải trí và giao tiếp. Nó được thể hiện thông qua kỹ năng cơ bản về công nghệ thông tin và truyền thông: Sử dụng máy tính để truy xuất, đánh giá, lưu trữ, sản xuất, trình bày và trao đổi thông tin…

Theo chuyên gia này, để đáp ứng được yêu cầu của quá trình chuyển đổi số, chương trình đào tạo phải có tính linh hoạt, cởi mở. Đồng thời, xây dựng chuẩn đầu ra của chương trình đào tạo phải tính tiêu chí năng lực số trong một số học phần hay trong toàn bộ chương trình đào tạo. Các tiêu chí này có thể được nêu rõ trong phần kiến thức và kỹ năng mà người học phải đạt được.

Đưa ra đề xuất, TS Hậu đồng thời nêu thực trạng, hiện một số học phần ở trường đại học đã đề cập đến yêu cầu năng lực số trong chuẩn đầu ra nhưng lại chưa phản ánh đầy đủ hoặc cụ thể hóa theo một tiêu chí năng lực số cụ thể. TS Hậu ví dụ: Chương trình đào tạo ngành Ngôn ngữ Anh, Quản trị kinh doanh của Trường ĐH Quảng Bình có một số học phần ứng dụng phần mềm được mô tả trong đề cương môn học thành các phần hoặc chương cụ thể.

Tuy nhiên, chuẩn đầu ra hoặc mục tiêu môn học chỉ tập trung vào việc biết vận hành và khai thác thông tin dữ liệu, an toàn bảo mật thông tin; hợp tác chia sẻ dữ liệu, sáng tạo nội dung, phát triển các kỹ năng số lại chưa được đề cập. “Đây là thực trạng không chỉ trong đào tạo mà cả thực tế, khi sinh viên và người đi làm chỉ quan tâm đến cách thức vận hành, sử dụng hệ thống mà các yếu tố, tiêu chuẩn liên quan đến đạo đức, văn hóa trên môi trường số chưa được coi trọng”, TS Hậu chia sẻ.

Theo TS Nguyễn Hoài Sanh, muốn thành công trong chuyển đổi ở các cơ sở giáo dục đại học, phải bắt đầu chuyển đổi nhận thức về chuyển đổi số. Đồng thời, có giải pháp đào tạo, bồi dưỡng kiến thức và kỹ năng số cho cán bộ, giảng viên, nhân viên ở cơ sở giáo dục đại học đáp ứng yêu cầu chuyển đổi số. Có thể tổ chức các khóa đào tạo, bồi dưỡng về kiến thức, kỹ năng số cho cán bộ, giảng viên, nhân viên, trước hết là giảng viên. Ngoài ra, cần tổ chức hội thảo khoa học quốc gia, liên trường đại học, doanh nghiệp, trung tâm ứng dụng công nghệ giáo dục để chia sẻ kinh nghiệm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

Phố cổ Hà Nội tôn vinh giá trị di sản

GD&TĐ - Kỷ niệm 20 năm được xếp hạng Di tích Lịch sử quốc gia, Ban quản lý hồ Hoàn Kiếm và Phố cổ Hà Nội tổ chức nhiều hoạt động văn hóa tôn vinh giá trị di sản.