Giải cứu niềm tin cho nghề giáo

GD&TĐ - Những hành vi ứng xử, biểu hiện không phù hợp với chuẩn mực đạo đức nhà giáo, những cú “ăn thua” giữa phụ huynh và giáo viên, những “biểu hiện lạ” trong nhà trường… khiến dư luận hoang mang.

Giải cứu niềm tin cho nghề giáo

Liệu đây có còn là hình ảnh người giáo viên nữa hay không? Phải chăng đang tồn tại một sức ép vô hình bủa vây, đè nén người giáo viên, khiến họ trở nên thụ động, lúng túng và bế tắc trong hành vi ứng xử của mình? Người viết không hề có ý bênh vực, bao biện cho những hành vi ngược chuẩn mực của một số giáo viên như dư luận xã hội vừa qua đã lên tiếng, mà chỉ mong khơi ra được vài thiển ý để cùng xem xét cho thấu tình đạt lí.

Mắc kẹt niềm tin…

Không thể phủ nhận một loạt sự kiện (tuy không phổ biến nhưng cũng khó lòng mà nói là cá biệt) diễn ra liên tiếp trong một thời gian ngắn vừa qua đã tạo nên sự “choáng váng xã hội” khi nhắc đến hình ảnh người giáo viên. Nếu phải dùng đến những từ khóa bằng động từ ngắn gọn, hẳn sẽ dễ dàng liên tưởng đến những bộ phim hành động NC 16 (không dành cho người dưới 16 tuổi)!

Ai cũng rõ, một học sinh đi học sẽ kéo theo mối quan tâm chí ít là của 2 bố mẹ, 4 ông bà, chưa kể họ hàng, người thân, đồng nghiệp…từ cả 2 bên nội ngoại. Chỉ cần chạm nhẹ vào cái sự quan tâm ấy là cũng đủ xảy ra bao hệ lụy. Chuyện công sở, cơ quan giờ đây loanh quanh rồi cũng đến luận bàn vụ đưa đón, học hành, tiến bộ, thi cử của con cái; một điều tiếng gì là cũng có thể lan truyền ngay với tốc độ chóng mặt.

Thời nay, ai cũng cố lo cho con được học trường tốt, trường gần nhà, trường có điều kiện… Phụ huynh hồ hởi khoe nhau nếu con được vào đúng lớp cô “Mai già” hay cô “Nga trẻ”… Nói cách khác, họ đang đặt và “ép” niềm tin của họ lên vai giáo viên từng ngày từng giờ. Chúng ta quá kỳ vọng vào việc một cô giáo mầm non (còn chưa từng làm mẹ) phải ứng xử như mẹ hiền, đảm đang, tháo vát (trung bình với trên 10 cháu bé), vừa hát hay lại vừa nhanh tay thay bỉm từ 6 rưỡi sáng đến 6 rưỡi tối hàng ngày?!

Chúng ta luôn tin và mãi tin rằng với tất cả kiến thức, kĩ năng, kinh nghiệm mà thầy cô có được sẽ có thể làm con cái chúng ta trở thành những con người hoàn hảo. Liệu trong trường hợp này có phải niềm tin đang bị so bằng với sự phó thác và “mặc cả niềm tin” với giáo viên?!

Và khi cái sợi dây “niềm tin” này rung lên, bấp bênh… thì khả năng cao sẽ là chạm đến giới hạn “vượt quá tầm kiểm soát” mà đôi khi vẫn xảy ra cả từ 2 phía. Không phải ngẫu nhiên mà trong dự thảo chuẩn nghề nghiệp giáo viên có đến 3 trên 5 tiêu chuẩn đề cập đến phẩm chất, năng lực xây dựng môi trường dân chủ trong nhà trường, năng lực xây dựng các mối quan hệ xã hội với mọi góc cạnh liên quan đến hoạt động của giáo viên.

Người mẹ thứ hai
 Người mẹ thứ hai

“Mong manh” và đơn độc

Chẳng phải ở ta mà ở xứ người thì nghề giáo viên cũng không phải là nghề có thu nhập cao. Cũng chẳng phải chỉ ở mỗi ta thì mới có “tôn sư trọng đạo”. Thế nhưng, câu chuyện có lẽ hơi khác ở ta, nếu… hành vi bạo lực xảy ra trong khuôn viên nhà trường có cảnh sát can thiệp. Có người có trách nhiệm, thẩm quyền ở địa phương lên tiếng, có hệ thống truyền thông tham gia, giải trình xã hội, có các lực lượng xã hội khác cùng tham gia giải quyết… Tóm lại là giáo viên không đơn độc khi phải đối mặt với những tình huống khẩn cấp.

Không thể hình dung nổi nếu chẳng may có chuyện xảy ra ở trường mầm non hay trường tiểu học nơi giáo viên nữ chiếm tuyệt đại đa số? Hành vi hành hung giáo viên cũng phải coi là “chống người thi hành công vụ”, hạ nhục giáo viên cũng phải xử lí nghiêm.

Có ý kiến vừa hài vừa đúng: Nên tập huấn võ tự vệ cho giáo viên! Chắc hẳn nếu đủ bản lĩnh và tự tin thì cô giáo nọ cũng đã không quỳ, nếu biết chút đỉnh võ thuật thì thầy ấy cũng né được nhát dao oan nghiệt... Những sự việc xảy ra như vừa qua hình như cũng chỉ có “người bên giáo dục” lên tiếng. Một mình giáo viên không thể làm nổi!

Người giáo viên “mong manh” ngay cả về thể chất lẫn tinh thần trước những áp lực của công việc, cuộc sống của chính họ. Có đồng nghiệp đã từng tâm sự: Đôi khi có những căng thẳng về tâm lí mà không biết giải tỏa bằng cách nào, không biết nên tư vấn hay trị liệu ra sao… rồi cuối cùng cũng phải lên lớp tươi tỉnh, đảm bảo cho những giờ dạy được trơn tru.

Giáo viên cũng cần được học tập nâng cao, tư vấn về tâm lí, pháp luật, quyền được bảo vệ, quyền được an toàn trong lĩnh vực hoạt động của mình… Những điều này hình như vẫn còn quá xa xỉ để có thể đạt tới trong bối cảnh áp lực về công việc hiện nay. Đành rằng giáo viên là “kĩ sư tâm hồn” nhưng tâm hồn cần phải được nuôi dưỡng và phát triển không chỉ trong khuôn viên mỗi nhà trường!

Việc xây dựng một môi trường hoạt động nghề nghiệp an toàn, lành mạnh, đảm bảo hài hòa các mối quan hệ xã hội tạo điều kiện cho hoạt động nghề nghiệp, tạo sự an tâm, niềm tin cho giáo viên hiện đã được văn bản hóa. Nhưng đi vào thực tế vẫn còn khá mơ hồ! Khẩu hiệu “Giáo dục là sự nghiệp của toàn dân” có lẽ một lần nữa cần phải được cụ thể hóa bằng hành động thực tế, phải được treo ở vị trí trang trọng, để mọi người dân dễ nhìn, dễ thấy, dễ thực hiện nhất!

Nhà giáo cần gì?

Có dịp tiếp xúc với đội ngũ giáo viên ở một số vùng khó khăn, đặc biệt mới thấy cái “chất giáo” vẫn còn mạnh lắm. Họ đâu có đề xuất, kiến nghị hay yêu cầu cao xa gì. Vẫn là mong được mọi người dân cùng tham gia, cùng ủng hộ cái sự dạy dỗ cho con cái của chính họ mà thôi. Vẫn là mong mọi người nhìn nhận đúng những gì họ đang làm, tiếp tục làm cho thế hệ trẻ.

Có những vùng nhạy cảm trên vùng cao, người ngoài cấm có vào được, vậy mà vẫn chỉ có mấy thầy cô đều đặn ra vào vì sự nghiệp con chữ. Có nhóm thầy hiểu cái vất vả ở những nơi xa xôi khó khăn nên đồng lòng cùng xung phong rủ nhau ở lại thay cho các nữ giáo viên, chăm sóc học sinh như những người mẹ.

Nhà giáo cần niềm tin được đặt đúng chỗ, cần có sự tham gia của mọi lực lượng xã hội, cần một cái nhìn chia sẻ và cảm thông với sự nghiệp giáo dục bởi lẽ nếu chỉ một mình, họ sẽ không thể thực hiện nổi!

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ