Khi thợ giỏi làm giảng viên đào tạo nghề

GD&TĐ - Gắn kết đào tạo với doanh nghiệp là một trong ba giải pháp trọng tâm để nâng cao chất lượng giáo dục nghề nghiệp. Trong thời gian qua, công tác này đã được chú trọng đẩy mạnh, thông qua các chương trình hợp tác được ký kết, cơ sở đào tạo đã có những bước tiến mới trong việc kết nối với các tổ chức doanh nghiệp.

Khi thợ giỏi làm giảng viên đào tạo nghề

Phát huy những kết quả đã đạt được, các chuyên gia cho rằng, cần có khung pháp lý quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí và khuyến khích đội ngũ chuyên gia tại doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo…

100 giờ cho kỹ năng sư phạm

Trong mô hình đào tạo “kép” của CHLB Đức, vai trò của doanh nghiệp chiếm một vị trí rất quan trọng, khi nó giải quyết được các vấn đề từ kỹ năng sản xuất cho đến việc làm sau đào tạo của người học nghề. Thực tế cho thấy, các quốc gia triển khai hệ thống đào tạo kép đều có tỷ lệ thất nghiệp thấp nhất thế giới.

TS Juergen Hartwig- Giám đốc Chương trình Đổi mới đào tạo nghề Việt Nam (GIZ)cho biết: Tại Việt Nam, môi trường pháp lý để doanh nghiệp tham gia đào tạo nghề đã được cải thiện rất nhiều. Tuy nhiên, việc phối hợp giữa nhà trường và doanh nghiệp cần được triển khai thực hiện có tính hệ thống. Doanh nghiệp cần được tham gia ở mọi khâu của giáo dục nghề nghiệp, trước hết là xây dựng chương trình kỹ năng nghề quốc gia và các chương trình đào tạo, giai đoạn rèn luyện kỹ năng thực hành cần thực hiện tại doanh nghiệp.

Doanh nghiệp cũng cử các chuyên gia tham gia đánh giá khâu đầu ra của quá trình đào tạo. Các thợ giỏi của doanh nghiệp chỉ cần bồi dưỡng kỹ năng sư phạm trong khoảng 100 giờ để có thể tham gia giảng dạy thực hành tại doanh nghiệp. Để có thể đào tạo thực hành tại doanh nghiệp, cần có khung pháp lý quy định các tiêu chuẩn, tiêu chí và khuyến khích đội ngũ chuyên gia tại doanh nghiệp tham gia vào quá trình đào tạo. Về việc này đòi hỏi cần có trách nhiệm của cơ sở giáo dục nghề nghiệp, cơ quan quản lý Nhà nước. Việc phối kết hợp này sẽ đem lại lợi ích cho tất cả các bên tham gia, kể cả người học.

Giải pháp trọng tâm

Theo Tổng Cục trưởng Tổng cục Giáo dục nghề nghiệp Nguyễn Hồng Minh: Gắn đào tạo với doanh nghiệp là nhiệm vụ quan trọng và được Đảng, Nhà nước quan tâm thực hiện trong nhiều năm qua. Trong ba giải pháp trọng tâm của giáo dục nghề nghiệp (GDNN): Tự chủ trong các cơ sở giáo dục nghề nghiệp, gắn kết đào tạo với doanh nghiệp; tăng cường các điều kiện đảm bảo chất lượng đạo tạo thì nhiệm vụ gắn đào tạo với doanh nghiệp là một trong những giải pháp hết sức quan trọng nhằm nâng cao chất lượng GDNN dần dần tiếp cận cung cầu lao động.

Trong thời gian qua, việc gắn kết giữa doanh nghiệp với giáo dục nghề nghiệp vẫn còn lỏng lẻo, việc liên kết chủ yếu là đưa học sinh, sinh viên đi thực tập tại doanh nghiệp, chương trình đào tạo chưa phù hợp với thực tiễn sản xuất. Việc mời doanh nghiệp tham gia xây dựng chương trình, kiểm tra đánh giá người học chỉ diễn ra ở một số cơ sở đào tạo chưa phổ biến trong toàn hệ thống.

Để khắc phục hạn chế đó, ngay từ đầu năm 2018, Bộ LĐ-TB&XH đã có công văn gửi các Bộ, ngành, địa phương chỉ đạo các cơ sở GDNN thuộc quyền quản lý thực hiện gắn kết nhà trường với doanh nghiệp trong đào tạo. Tổng cục đã phối hợp với VCCI có thư ngỏ các doanh nghiệp tham gia hoạt động GDNN, phân tích rõ trách nhiệm và quyền lợi của doanh nghiệp khi tham gia hoạt động GDNN. Thông qua các hội nghị, hội thảo, Tổng cục đã tổ chức ký kết hợp tác với các tổ chức, hiệp hội... Các cơ sở GDNN cũng tổ chức ký kết hợp tác với các doanh nghiệp trong hoạt động GDNN. Sự gắn kết này được kỳ vọng sẽ thực sự tạo nên sự đột phá về chất lượng giáo dục nghề nghiệp, gắn đào tạo với việc làm.

Chủ tịch Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam Bùi Văn Quân cho rằng, thực tế hiện nay, nhiều sinh viên tốt nghiệp vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu của nhà tuyển dụng. Nhiều doanh nghiệp không thể tuyển dụng được lao động đáp ứng được yêu cầu hoặc khi tuyển dụng phải đào tạo lại. Để khắc phục vấn đề này, thì một trong những giải pháp hiệu quả là gắn kết giữa nhà trường và doanh nghiệp trong tất cả các khâu liên quan đến quá trình đào tạo. Doanh nghiệp tham gia từ khâu xây dựng chương trình, tuyển sinh, giảng dạy, đánh giá, xét tốt nghiệp và tuyển dụng.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hoa sở nở rộ tạo ra những 'bức tường hoa' giữa núi rừng Bình Liêu.

Hoa sở phủ trắng núi rừng Bình Liêu

GD&TĐ - Khi mùa Đông đến cũng là lúc loài hoa sở mộc mạc, thanh khiết trên đỉnh núi cao huyện miền núi Bình Liêu (Quảng Ninh) bắt đầu nở rộ.