44 tác phẩm được chọn trao Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019

GD&TĐ - Ngày 8/11, tại Hà Nội, Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 đã họp và chọn ra các tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải. Đồng chí Hồ Quang Lợi - Phó Chủ tịch thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo chủ trì cuộc họp.

Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 họp, chọn tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải - Ảnh: Thế Đại
Hội đồng Chung khảo Giải Báo chí toàn quốc “Vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 họp, chọn tác phẩm xuất sắc nhất để trao giải - Ảnh: Thế Đại

Những “đứa con tinh thần” của nhà báo

Giải Báo chí toàn quốc “Vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 do Bộ GD&ĐT chủ trì phối hợp với Ban Tuyên giáo T.Ư, Bộ Thông tin và Truyền thông, Hội Nhà báo Việt Nam tổ chức, Báo Giáo dục và Thời đại là đơn vị thường trực, tổ chức thực hiện.

Sau một thời gian chấm giải độc lập, nghiêm túc với tinh thần trách nhiệm cao nhất, Hội đồng Sơ khảo (gồm 12 thành viên do ông Trần Bá Dung - Trưởng Phòng nghiệp vụ, Hội nhà báo Việt Nam làm Chủ tịch) đã chọn được 71 tác phẩm từ gần 1.000 tác phẩm tham dự Giải vào chấm Vòng chung khảo. Gồm: Loại hình báo in có 18 tác phẩm, báo điện tử có 16 tác phẩm, báo phát thanh có 18 tác phẩm, truyền hình có 19 tác phẩm.

Tại cuộc họp, Hội đồng Chung khảo (gồm 13 giám khảo do ông Hồ Quang Lợi làm Chủ tịch) đã đề cử các tác phẩm xuất sắc,  chọn và thống nhất các tác phẩm được trao giải. Cả 4 loại hình (báo in, báo điện tử, báo phát thanh, truyền hình), BTC Giải trao 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích ở mỗi loại hình.

Đồng chí Hồ Quang Lợi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thế Đại
 Đồng chí Hồ Quang Lợi phát biểu tại cuộc họp - Ảnh: Thế Đại

BTC sẽ tổ chức họp báo công bố giải vào ngày 15/11, Lễ trao giải sẽ được tổ chức vào ngày 16/11.

Phát biểu tại cuộc họp, ông Trần Bá Dung đánh giá: Giải năm nay có nhiều mảng đề tài được đề cập. Tuy nhiên, trong Giải năm nay, các đề tài, chủ đề được các báo ở cả T.Ư và địa phương đề cập nhiều, phản ánh đậm nét nhất là về “Sự cống hiến của các nhà giáo” cho sự nghiệp giáo dục. Các tác phẩm của cả 4 loại hình báo chí đã lột tả hết sức xúc động sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, sự sáng tạo, tìm tòi của các nhà giáo trong công tác giảng dạy.

Qua đó, có thể thấy các cơ quan báo chí, tác giả của các tác phẩm đã có tinh thần lao động hết sức nghiêm túc với nghề, có sự đầu tư công phu với mảng đề tài, lĩnh vực giáo dục; Các tác giả hết sức tâm huyết với đề tài đã chọn; Họ đã đầu tư thời gian, công sức và dấn thân đến tận những hang cùng ngõ hẻm hay “bầm dập” leo lên những nơi khó khăn nhất của miền sơn cước, đến tận những vùng biên cương, núi cao hay các đảo tiền tiêu xa xôi để quay những thước phim quý, chụp những bức hình đẹp, phỏng vấn thầy, cô giáo để có tư liệu sinh động cho “đứa con tinh thần” tham dự giải.

Ghi nhận sự cống hiến của nhà giáo trong công cuộc đổi mới

Phát biểu tại cuộc họp, đồng chí Hồ Quang Lợi đã đánh giá cao công tác tổ chức khoa học, hoạt động chấm giải khách quan, nghiêm túc của BTC, BGK, đã chọn được những tác phẩm tiêu biểu, xuất sắc nhất của Giải năm nay. Là năm thứ 2 Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” được tổ chức, Giải đã nhận được sự hưởng ứng, gửi bài tham dự của các cơ quan báo chí, nhà báo trong cả nước. Các tác phẩm năm nay có chất lượng cao, thể hiện sự sáng tạo của các nhà báo, thực sự là các tác phẩm lay động lòng người của các nhà báo.

Nhiều tác phẩm viết về các tấm gương nhà giáo ở các vùng miền khó khăn của tổ quốc đã vượt qua khó khăn, gian khổ, dành tình thương yêu cho học trò. Các tác phẩm dù là loại hình báo chí nào cũng đều mang lại cho người đọc, người nghe, người xem cảm xúc sâu sắc. Qua Giải lần này, có thể thấy sự quan tâm của toàn xã hội đối với sự nghiệp Giáo dục và công cuộc đổi mới hiện nay; Đặc biệt là sự trân trọng, ghi nhận đối với tinh thần, nghị lực và sự cống hiến của đội ngũ nhà giáo, những người làm công tác giáo dục trên các vùng miền của tổ quốc.

Giải năm nay có những tác phẩm sâu sắc, phát hiện được những bất cập về cơ chế, chính sách, đối với nền giáo dục, với đời sống giáo viên. Sự quan tâm của lãnh đạo Đảng, Nhà nước cùng các tầng lớp nhân dân - đến giáo dục đã được các tác phẩm dự giải đề cập, phản ánh; Điều này đã thể hiện tinh thần trách nhiệm của những người làm báo cách mạng đối với sự nghiệp “trồng người”.

Bác Hồ nói “Vì lợi ích mười năm thì phải trồng cây, vì lợi ích trăm năm thì phải trồng người”; Ngành Giáo dục đang gánh vác sứ mệnh quan trọng là đào tạo các thế hệ tương lai của đất nước, do vậy báo chí cách mạng phải sát cánh để phản ánh, cổ vũ, động viên đội ngũ nhà giáo, đồng thời tạo sự đồng thuận của các tầng lớp nhân dân trong xã hội đối với những công việc, hoạt động hằng ngày cũng như công cuộc đổi mới hiện nay của ngành Giáo dục.

Đồng chí Hồ Quang Lợi (đứng giữa) và một số thành viên Hội đồng Chung khảo. - Ảnh: Thế Đại
 Đồng chí Hồ Quang Lợi (đứng giữa) và một số thành viên Hội đồng Chung khảo. - Ảnh: Thế Đại
BTC Giải Báo chí “Vì Sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019 đã mời các nhà báo có uy tín của các cơ quan quản lý nhà nước về báo chí, cơ quan thông tấn, báo chí lớn và uy tín tham gia chấm giải. Như: Vụ Báo chí, xuất bản - Ban Tuyên giáo T.Ư; Hội Nhà báo Việt Nam; Cục Thông tin đối ngoại, Cục Báo chí (Bộ Thông tin và Truyền thông); Học viện Báo chí Tuyên truyền; Báo Nhân dân; Ban Thời sự - VTV1, Ban Khoa giáo - VTV2, Đài Truyền hình Việt Nam; Đài tiếng nói Việt Nam – VOV; Báo Công an Nhân dân; Báo Lao động; Báo Nhà báo và Công Luận; Báo Đại đoàn kết; Tạp chí Công an Nhân dân…
Giải thưởng cho mỗi loại hình gồm: 1 giải Nhất, 2 giải Nhì, 3 giải Ba và 5 giải Khuyến khích. Giải Đặc biệt (1 tác phẩm xuất sắc nhất được Hội đồng Chung khảo lựa chọn trong các tác phẩm đoạt giải Nhất của 4 loại hình): Chuyến tham quan Vương quốc Anh (Giải thưởng không quy đổi thành tiền mặt). BTC cũng sẽ chọn trao Giải nhân vật tiêu biểu trong các tác phẩm đoạt giải (2 nhân vật). Nhân vật tiêu biểu được chọn sẽ được trao biểu trưng Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam và phần quà (hoặc tiền mặt) trị giá: 5.000.000 đồng.

Giá trị giải thưởng:

- Biểu trưng Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”

- Chứng nhận của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

- Tiền thưởng bằng tiền mặt:

+ Giải nhất: 30.000.000 đồng (Ba mươi triệu đồng);

+ Giải nhì: 15.000.000 đồng/ giải (Mười lăm triệu đồng);

+ Giải ba: 10.000.000 đồng/ giải (Mười triệu đồng);

+ Giải khuyến khích: 5.000.000 đồng/ giải (Năm triệu đồng).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Gió mạnh trong cơn bão gây đổ cây, tốc mái.

Khi nào bão thành 'thảm họa'?

GD&TĐ - Có nhiều nguyên nhân khiến một cơn bão trở nên nguy hiểm và gia tăng mức độ gây thiệt hại lên đời sống của con người.

Minh họa/INT

Không thể vì không quản lý được thì cấm!

GD&TĐ - Tình trạng quản không được hoặc khó quản là cấm và cấm được coi là giải pháp nhanh và hiệu quả nhất để giải quyết vấn đề là thực tế đang tồn tại...