Trong 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo Giải báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020, có 50 tác phẩm đoạt giải, gồm 4 giải Nhất, 8 giải Nhì, 12 giải Ba và 26 giải Khuyến khích. 1 giải đặc biệt được Ban giám khảo chọn từ 4 giải A và 3 nhân vật tiêu biểu được chọn trong 2 tác phẩm đoạt giải.
Sức lan tỏa sâu rộng
Chia sẻ tại họp báo tổng kết Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020 ngày 12/11, ông Triệu Ngọc Lâm - Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại cho biết: Năm 2020, năm thứ ba Bộ GD&ĐT tổ chức Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” nhằm tôn vinh các tác giả, tác phẩm viết về những thành quả, mô hình đổi mới, sáng tạo trong dạy và học trên mọi miền Tổ quốc. Thống kê cho thấy, có hơn 700 tác phẩm gửi về tham dự Giải. So với 2 mùa Giải trước, nhìn chung chất lượng các tác phẩm tốt hơn; đề tài khá toàn diện và có sự đầu tư công phu về cách thức thể hiện cũng như văn phong bút pháp.
Theo Tổng Biên tập Báo Giáo dục & Thời đại, nội dung các tác phẩm đề cập chân thực, sâu sắc, phản ánh góc nhìn đa chiều đến nhiều khía cạnh của lĩnh vực GD-ĐT: Từ sự hy sinh cống hiến của các giáo viên vùng khó; nỗ lực vượt khó học giỏi của học sinh, đến tinh thần mạnh dạn, đổi mới sáng tạo, dám nghĩ, dám làm của nhiều giáo viên cũng như các cơ sở giáo dục.
Với tinh thần trách nhiệm cao, công tâm và nghiêm túc, Hội đồng giám khảo đã chọn 62 tác phẩm vào vòng Chung khảo. Từ những tác phẩm này, Hội đồng Chung khảo đề xuất 50 tác phẩm đoạt giải.
Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm nay thu hút đông đảo phóng viên, biên tập viên đến từ các cơ quan thông tấn báo chí ở Trung ương và địa phương. Các tác giả là những cây bút chuyên và không chuyên đã nhiệt tình hưởng ứng, gửi tác phẩm tham gia. Qua đó cho thấy, sự lan tỏa mạnh mẽ của Giải trong “làng báo” nói riêng và xã hội nói chung.
Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo, Giải năm nay ghi nhận sự tiến bộ vượt trội về chất lượng nội dung và hình thức thể hiện. Giải năm nay có nhiều mảng đề tài được đề cập, trong đó đậm nét nhất là ghi nhận những cống hiến của các nhà giáo cho sự nghiệp “trồng người”; đó là sự cống hiến, hy sinh thầm lặng, sự sáng tạo, tìm tòi của các nhà giáo trong công tác giảng dạy. Bên cạnh đó, nhiều vấn đề “nóng” của giáo dục cũng được các tác giả phân tích thấu đáo, tạo hiệu ứng tích cực trong xã hội.
Lan tỏa sâu rộng
Khẳng định đây là Giải báo chí toàn quốc quan trọng bên cạnh Giải báo chí quốc gia, có ý nghĩa chính trị - xã hội sâu sắc, ông Hồ Quang Lợi, Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo Giải nhận định: Các tác phẩm dự thi được vào chung khảo, đặc biệt các tác phẩm được trao giải A, B đều là tác phẩm xuất sắc, thể hiện trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo.
Dừng lại ở một số tác phẩm ấn tượng, ông Hồ Quang Lợi nhắc đến bài báo viết về lễ khai giảng đầy xúc động trên đỉnh Ngọc Linh - một lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm cúng, thấm đượm tình thầy - trò và chạm đến tận cùng của cảm xúc. Hay những câu chuyện trong tác phẩm “Cha mẹ đã thay đổi” với thông điệp “Hãy lắng nghe con trẻ để kết nối cảm xúc” - đó là cách tốt nhất để mở cửa trái tim giữa cha mẹ và con cái. Đó còn là câu chuyện về tinh giản biên chế trong ngành Giáo dục còn nhiều bất cập, rất cần có giải pháp căn cơ; là “Năm học đáng nhớ” với vô vàn khó khăn, thách thức do tác động của dịch Covid-19, nhưng toàn ngành Giáo dục đã chủ động, nỗ lực quyết tâm hoàn thành nhiệm vụ năm học, sẵn sàng các điều kiện để triển khai Chương trình giáo dục phổ thông mới…
Về hình thức thể hiện, ông Hồ Quang Lợi nhận định: Các tác phẩm dự Giải năm nay đều được các tác giả, nhóm tác giả đầu tư công phu. Tác phẩm báo điện tử, báo in được thiết kế, trình bày đẹp, kỹ lưỡng. Nhiều tác phẩm báo điện tử trình bày sáng tạo, sinh động và thân thiện dựa trên nền tảng đa phương tiện phổ biến, phát huy thế mạnh loại hình long - form hay Emagazine. Nhiều tác phẩm truyền hình được chăm chút kỹ hậu kỳ, kỹ lưỡng, sáng tạo trong khâu thể hiện và cách dẫn dắt lôi cuốn. Các tác phẩm ở loại hình phát thanh được xử lý theo hình thức hiện đại, với cách đặt vấn đề và trình bày sinh động, hấp dẫn.
“Không chỉ riêng Hội đồng giám khảo, mà các nhà giáo và dư luận xã hội đều ghi nhận, Giải năm nay có sự lan tỏa sâu rộng trong đội ngũ những người làm báo chuyên và không chuyên trên mọi miền Tổ quốc; các cấp Hội Nhà báo, các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương. Qua đó, kịp thời thông tin, phản ánh đa chiều về lĩnh vực GD-ĐT. Có thể nói, các tác phẩm dự Giải đã góp phần cổ vũ, động viên rất lớn đến đội ngũ giáo viên, cán bộ cán bộ quản lý giáo dục. Từ đó, họ có thêm động lực để làm việc, học để cống hiến hết mình, và dạy học để hướng đến cống hiến cho sự nghiệp trồng người.” – ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.
Phó Chủ tịch Thường trực Hội nhà báo Việt Nam cũng cho biết: Không chỉ tôn vinh, phản ánh một chiều, nhiều tác phẩm dự thi cũng đề cập đến các bất cập, thiếu sót của ngành Giáo dục nhưng với tinh thần xây dựng, đúng theo tinh thần vì sự nghiệp giáo dục. “Chúng ta ca ngợi hay phê bình thì cũng cần hướng đến xây đắp niềm tin của xã hội vào giáo dục. Nhà báo có trách nhiệm lớn trong xây đắp niềm tin đó” – ông Hồ Quang Lợi chia sẻ.