Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2020: Phản ánh đa chiều

GD&TĐ - Các tác phẩm dự thi được vào chung khảo, đặc biệt được trao giải A, B là tác phẩm xuất sắc, thể hiện trách nhiệm, tinh thần lao động sáng tạo, sự dấn thân của các nhà báo, được đầu tư công phu.

Quang cảnh lễ trao giải “Báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019.
Quang cảnh lễ trao giải “Báo chí vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2019.

Trên đây là nhận định của thành viên Ban giám khảo Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” 2020 về chất lượng sản phẩm dự thi năm nay.

Ông Hồ Quang Lợi – Phó Chủ tịch Thường trực Hội Nhà báo Việt Nam, Chủ tịch Hội đồng Chung khảo.

Phản ánh sinh động về đời sống giáo dục

Giải Báo chí “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020 thu hút đông đảo phóng viên, nhà báo đến từ các cơ quan báo chí trên cả nước tham gia. Tác phẩm tham dự Giải lần này đã phản ánh sống động về hoạt động của ngành Giáo dục.

Ông Hồ Quang Lợi Ông Hồ Quang Lợi

Giáo dục là quốc sách hàng đầu, công việc chung của toàn xã hội. Vì thế cần kết nối tốt giữa nhà trường, gia đình và xã hội, chỉ như vậy chúng ta mới hoàn thành trách nhiệm với ngành Giáo dục, bao thế hệ học sinh. Năm 2020, ngành Giáo dục đối diện với nhiều khó khăn, thách thức do tác động của đại dịch Covid-19. Trong hoàn cảnh đặc biệt ấy, toàn ngành đã có những nỗ lực, cố gắng vượt bậc, với những cách làm sáng tạo. Nhờ đó, chúng ta kết thúc năm học thành công và hoàn thành mục tiêu kép.

Trên tinh thần ấy, các tác phẩm tham gia Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm nay phản ánh sinh động về đời sống giáo dục. Mỗi tác phẩm là một câu chuyện về giáo dục, mang đậm hơi thở cuộc sống. Đặc biệt, những tác phẩm được trao giải thể hiện tinh thần lao động hăng say, sáng tạo của các nhà báo, trách nhiệm xã hội của các nhà báo với nền giáo dục của nước nhà.

Tôi đặc biệt ấn tượng với tác phẩm viết về Lễ khai giảng đặc biệt, cảm động trên núi Ngọc Linh. Một Lễ khai giảng đơn sơ nhưng vô cùng ấm áp, thấm đượm tình thầy – trò. Tác phẩm cũng phản ánh và ghi nhận gương nhà giáo làm nhiệm vụ ở địa bàn đặc biệt khó khăn, khắc nghiệt, nhưng với tình yêu nghề, các cô dù tuổi đời còn trẻ đã vượt lên tất cả, đem con chữ đến với học trò.

GD-ĐT đang đổi mới mạnh mẽ, căn bản và toàn diện với nhiều cách làm sáng tạo cùng sự quyết tâm, nỗ lực lớn của toàn ngành. Thành tích có được rất đáng tự hào, nhưng phía trước vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức. Điều đó, đòi hỏi sự vào cuộc của toàn xã hội, trong đó có cơ quan thông tấn báo chí. Bởi báo chí góp phần tích cực vào công cuộc đổi mới giáo dục; từ đó tạo niềm tin của xã hội với thầy, cô, nhà trường, rộng hơn là sự nghiệp GD-ĐT của nước nhà; đó là trách nhiệm lớn với báo chí.

Ông Bùi Sỹ Hoa – Phó Cục trưởng Cục Thông tin Đối ngoại (Bộ Thông tin và Truyền thông), Trưởng tiểu Ban Điện tử, Hội đồng Sơ khảo.

Sinh động, hấp dẫn về nội dung và hình thức

Ông Bùi Sỹ Hoa Ông Bùi Sỹ Hoa

Đây là năm thứ ba tôi tham gia chấm vòng Sơ khảo và Chung khảo - Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”. Giải năm nay tiếp tục đánh dấu sự thành công như 2 năm trước. Điểm nhấn của Giải là thu hút sự tham gia của hầu hết các cơ quan báo chí từ Trung ương đến địa phương. Chất lượng các tác phẩm dự thi năm nay khá tốt cả về nội dung và hình thức thể hiện, ở cả 4 loại hình báo chí: Báo in, báo điện tử, báo phát thanh và truyền hình. Theo dòng thời sự giáo dục, có nhiều đề tài hấp dẫn, phản ánh chân thực, khách quan và được các phóng viên, nhà báo xây dựng thành chuyên đề, với nhiều kỳ liên tiếp. Điều đó tạo ra màu sắc riêng của của Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam”.

Thông qua Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” cho thấy, ngành Giáo dục nhận được sự hưởng ứng, cổ vũ nhiệt tình của báo chí nói riêng và xã hội nói chung. Đó là nơi thể hiện rõ nhất những hy sinh, cống hiến của đội ngũ thầy cô giáo cho sự nghiệp trồng người. Tôi cho rằng các nhà báo là những người đi sâu, nắm chắc vấn đề, từ đó phản ánh khách quan những vấn đề thời sự của ngành Giáo dục. Chẳng hạn, vấn đề ứng phó với dịch Covid-19 của ngành Giáo dục, với phương châm: Tạm dừng đến trường, nhưng không dừng việc học; hay trường chuyên; chuẩn bị thực hiện Chương trình giáo dục phổ thông mới; tự chủ đại học….

Tôi ghi nhận và đánh giá cao chất lượng Giải năm nay. Các tác phẩm được trao giải, đặc biệt là các giải Nhất hoàn toàn xứng đáng vì phản ánh sinh động, chân thực khách quan hình ảnh “người giáo viên nhân dân” luôn hết mình với sự nghiệp “trồng người” cao cả.

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng - Trưởng Ban Thư ký – Biên tập (Đài Tiếng nói Việt Nam – VOV); Trưởng Tiểu ban Phát thanh – Truyền hình Hội đồng Sơ khảo; Ủy viên Hội đồng Chung khảo.

Cảm động trước sự hy sinh của đội ngũ nhà giáo

Nhà báo Đồng Mạnh Hùng Nhà báo Đồng Mạnh Hùng

Giải báo chí toàn quốc “Vì sự nghiệp Giáo dục Việt Nam” năm 2020 vừa có độ rộng (số lượng tác phẩm dự giải lớn), vừa có chiều sâu chất lượng với sự phản ánh đa chiều, sâu sắc bức tranh toàn ngành Giáo dục.

Quá trình chấm giải để lại cho tôi nhiều xúc cảm sâu sắc là những tác phẩm về tấm gương các thầy cô giáo với sự hy sinh, cống hiến thầm lặng nhưng đầy cao cả cho sự nghiệp giáo dục; những học trò vượt qua mọi khó khăn để đạt thành tích cao trong học tập… Nhiều gương nhà giáo điển hình được phát hiện, trong đó khá nhiều tác phẩm các thể loại chọn viết về cô giáo Hà Thị Ánh Phượng - giáo viên Việt Nam đầu tiên vào top 10 và cũng là người trẻ tuổi nhất được Ban Tổ chức Giải thưởng giáo viên toàn cầu (Global Teacher Prize) do Varkey Foudation lựa chọn.

Về hình thức, cách thức thể hiện các tác phẩm báo chí dự thi năm nay ở cả 4 loại hình (điện tử, báo in, phát thanh, truyền hình) đều đổi mới, sáng tạo. Nhiều tác phẩm dự thi thể loại báo điện tử sử dụng công nghệ làm báo Mega Story, bài long-form, infographic rất công phu. Ở thể loại phát thanh, không ít tác phẩm có cách thể hiện mới và tương đối độc đáo, như phát thanh trực tiếp, thực tế. Các tác phẩm truyền hình cũng vậy, với việc áp dụng công nghệ hiện đại, nhiều tác phẩm tinh tế, sử dụng được nhiều khuôn hình, chi tiết tốt, có tác phẩm không cần lời bình mà chỉ có hình ảnh...

Để Giải tiếp tục tốt hơn nữa, tôi cho rằng, về công tác tổ chức cần tiếp tục tuyên truyền rộng hơn, dài hơi hơn; đồng thời cũng nên hướng các nhà báo vào những vấn đề giáo dục đang được quan tâm để tác phẩm đúng, trúng, chuyên sâu. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn các tác phẩm mảng giáo dục dạy nghề, giáo dục trẻ khuyết tật, giáo dục ngoại khóa, giáo dục ngoài nhà trường,… để phản ánh toàn diện hơn các vấn đề giáo dục.

Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy, Tổng Biên tập Báo Nhà báo và Công luận; Ủy viên Tiểu ban Báo in Hội đồng Sơ khảo; Ủy viên Hội đồng Chung khảo.

Đồng đều về chất lượng

Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy Nhà báo Lê Trần Nguyên Huy

Điểm cộng ở mùa giải năm nay là các tác phẩm tham dự đã vẽ lên được bức tranh toàn cảnh của giáo dục Việt Nam trong năm 2020. Những vấn đề nóng bỏng nhất của giáo dục Việt Nam trong năm qua được thể hiện một cách sắc sảo, trực diện, đa chiều và khá thấu đáo. Đơn cử như vấn đề: Sự tồn tại của trường chuyên; chất lượng đào tạo thạc sĩ; giấy khen và việc khen thưởng trong các trường; kịch bản dạy học thời dịch Covid-19; chất lượng dạy học trực tuyến; văn minh học đường - văn hóa ứng xử trong trường học; chọn trường cho con, nhà vệ sinh trong trường học….

Nhìn chung các tác phẩm đã có sự đồng đều hơn về chất lượng. Đặc biệt, có nhiều bài, loạt bài có sự nổi trội về chất lượng, phát hiện mới mẻ về đề tài, phân tích đa chiều, nhìn nhận từ nhiều góc độ. Trong thể loại báo điện tử, loạt bài “Cuộc cách mạng giáo dục ở Kỳ Sơn” của báo Nghệ An điện tử, các tác giả đã lăn lộn thực tế, đi sâu tìm hiểu để thấy tại Kỳ Sơn - một huyện vùng cao thuộc dạng “huyện nghèo nhất nước” của Nghệ An - đã thực hiện được một cuộc cách mạng về giáo dục, quyết tâm “thay máu” mạnh mẽ toàn ngành, khó cũng làm và làm quyết liệt nâng cao chất lượng giáo dục, nâng cao dân trí cho huyện.

“Người thầy vùng lũ” của Đài Phát thanh - Truyền hình Thanh Hóa ghi lại hành trình đầy gian nan của những người thầy khi thuyết phục người dân người dân tộc thiểu số, người dân nghèo vùng lũ đến với con chữ. Những hình ảnh ghi được vừa xúc động, giàu thông điệp, vừa cho thấy những người thực hiện tác phẩm đã dày công như thế nào.

Hay câu chuyện “Truyền dạy kiến thức qua ống nhựa” của Trung tâm Truyền thông và Văn hóa huyện Trấn Yên, Yên Bái. Qua câu chuyện rất nhỏ là sáng kiến của những thầy cô nơi đây: Cho bài tập vào những đoạn ống nước được cắt ra rồi treo tại một nơi rồi thông báo cho học trò đến lấy - một hình thức sáng tạo để duy trì việc học tập trong bối cảnh dạy học bị gián đoạn bởi dịch Covid-19...

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Giới trẻ Trung Quốc bình thường hóa ly hôn như hẹn hò. Ảnh: Edition.cnn.com

Bùng nổ chụp ảnh... ly hôn

GD&TĐ - Nếu tỷ lệ kết hôn ở Trung Quốc đang ngày càng giảm mạnh thì tỷ lệ ly hôn lại gia tăng nhanh.

Minh họa/INT

Sốt mò

GD&TĐ - Sốt mò là bệnh truyền nhiễm cấp tính thuộc nhóm C trong Luật Phòng chống bệnh truyền nhiễm.

Ảnh: Quốc Bình

Cam Cao Phong

GD&TĐ - Bố khệ nệ mang về thùng cam mà đứa nào cũng… thờ ơ, dù chúng vừa chạy xe căng hải vượt 3 km từ trường về.