Giải Báo chí Toàn quốc về giáo dục đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề ‘nóng’

GD&TĐ - Nhà báo Nguyễn Hiền cho rằng Giải Báo chí Toàn quốc về sự nghiệp Giáo dục Việt Nam đã thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề “nóng”.

Nhà báo Nguyễn Hiền chụp ảnh cùng học sinh vùng cao Điện Biên.
Nhà báo Nguyễn Hiền chụp ảnh cùng học sinh vùng cao Điện Biên.

“Sân chơi” nhân văn, bổ ích...

Dự thi Giải Báo chí Toàn quốc về sự nghiệp Giáo dục Việt Nam năm 2023, Nhà báo Nguyễn Hiền – Báo Điện Biên Phủ (tỉnh Điện Biên) gửi đến tham dự tác phẩm báo điện tử “Nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên – Bài toán chưa có đáp án”. Bài viết có 5 kỳ với những câu chuyện đầy cảm động, nỗ lực vượt khó của nhiều thầy cô vốn rất tâm huyết với nghề giáo, song họ đành phải chấp nhận “dứt áo ra đi”.

Mỗi người một hoàn cảnh, một số phận khác nhau, song trong họ luôn tràn đầy nhiệt huyết với nghề, với đám trẻ vùng cao. Dẫu vậy, họ cũng phải chấp nhận “rời non”, xa trường để tìm cơ hội việc làm mới bởi họ không còn sự lựa chọn nào khác.

Theo tác giả Nguyễn Hiền, Điện Biên là tỉnh miền núi còn nhiều khó khăn. Với đặc thù địa bàn, nghề giáo vẫn luôn là công việc vất vả, gian nan. Bao năm qua, những người giáo viên vùng cao vẫn luôn nỗ lực, nhiệt huyết để bám bản, bám trường, gieo chữ các bản làng xa xôi; thế nhưng vài năm trở lại đây, số giáo viên nghỉ việc, chuyển vùng của tỉnh có xu hướng tăng.

Đơn cử như năm học 2020 - 2021 và 2021 - 2022, toàn tỉnh có 213 giáo viên chuyển công tác ra ngoài địa bàn; 109 giáo viên nghỉ việc. Trong đó, có nhiều giáo viên dạy giỏi cấp huyện, tỉnh, là giáo viên môn đặc thù như Tiếng Anh, Tin học... và đã có thời gian gắn bó, công tác trên 10 năm.

“Nghề giáo vốn đã khó khăn, nay lại càng khó khăn hơn. Vì lẽ đó, tôi triển khai đề tài này chỉ với mong muốn góp chút tiếng nói với ngành giáo dục để xã hội quan tâm và đồng cảm hơn với các thầy cô”, tác giả Nguyễn Hiền chia sẻ.

Tác giả Nguyễn Hiền cùng học sinh vùng cao Điện Biên trong một lần đi cơ sở.

Tác giả Nguyễn Hiền cùng học sinh vùng cao Điện Biên trong một lần đi cơ sở.

Thẳng thắn nhìn nhận những vấn đề nóng...

“Qua các chuyến công tác về cơ sở, tôi hiểu, sẻ chia nhiều hơn với khó khăn, những lý do chẳng đặng đừng và nỗi niềm của các thầy cô giáo vùng cao khi quyết định nghỉ việc, chuyển công tác. Kéo theo đó là thế khó và giải pháp của ngành giáo dục để bố trí, sắp xếp đảm bảo việc dạy và học. Từ thực tế ấy, tôi thực hiện chùm bài về nhân lực giáo dục vùng khó Điện Biên”, tác giả Nguyễn Hiền chia sẻ về lý do lựa chọn đề tài.

Theo chị Hiền, Giải Báo chí Toàn quốc về sự nghiệp Giáo dục Việt Nam là giải thi nghiệp vụ uy tín, chất lượng, là “sân chơi” đầy chất nhân văn.

“Đây là lần thứ 2 tôi tham gia dự Giải. Từ khi Báo GD&TĐ tổ chức giải báo chí này đến nay, Báo Điện Biên Phủ đều có tác phẩm tham gia dự thi và đoạt giải. Đây là cuộc thi uy tín, chất lượng, sôi nổi, thu hút nhiều tác phẩm, tác giả dự thi.

Cuộc thi rất ý nghĩa, nhân văn khi tuyên truyền, tôn vinh đóng góp của ngành Giáo dục với sự nghiệp xây dựng bảo vệ Tổ quốc, những câu chuyện đẹp của ngành giáo dục, những người thầy, người cô hết mình cống hiến vì sự nghiệp giáo dục...”, chị Hiền bộc bạch.

Không những thế, với góc nhìn cá nhân, chị Hiền cho rằng Ban tổ chức giải đã thẳng thắn nhìn nhận những bất cập, hạn chế, vấn đề “nóng” của ngành giáo dục ở các địa bàn khác nhau. Qua đó, có góc nhìn tổng quát để các cấp quản lý nhìn nhận những cái khó trong thực tế để xây dựng và điều chỉnh chính sách phù hợp với thực tiễn.

“Quá trình tác nghiệp, với chúng tôi cái khó khăn lớn nhất vẫn là giao thông. Ở miền núi, việc đi lại thực sự là rất khó khăn. Cuộc sống vùng cao thiếu thốn mà các thầy cô ngày ngày vẫn phải trải qua. Dù vậy nhưng lòng yêu nghề, thương yêu học sinh của họ vẫn luôn tràn đầy. Những chặng đường, sự thiếu thốn cũng trở thành quen thuộc”, nhà báo Nguyễn Hiền thổ lộ.

Vì Giải Báo chí toàn quốc về sự nghiệp Giáo dục Việt Nam có ý nghĩa nhân văn sâu sắc nên chị Hiền xác định những mùa giải tới sẽ tiếp tục kiếm tìm những câu chuyện độc, lạ, những vấn đề nổi cộm của giáo dục vùng cao để chuyển tải đến độc giả. Tất cả chỉ với mong muốn chung tay cùng đồng nghiệp cả nước mang đến những câu chuyện hay để xã hội thêm cảm thông, chia sẻ và đồng hành với ngành giáo dục cả nước, nhất là giáo dục vùng khó như Điện Biên.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ