Giải bài toán về đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong xu thế hội nhập

GD&TĐ - Sáng 13/5, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA”.

Toàn cảnh hội thảo
Toàn cảnh hội thảo

Cơ hội song hành cùng thách thức

Hội thảo gồm 50 bài tham luận có chất lượng. Mục tiêu của Hội thảo là cung cấp cho cán bộ quản lý, cán bộ công đoàn về cơ sở lý luận và thực tiễn để đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA.

Phát biểu đề dẫn, TS Lê Mạnh Hùng – Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn nhấn mạnh, trong bối cảnh toàn cầu hoá và hội nhập quốc tế đã mang lại nhiều cơ hội phát triển cho các quốc gia. Tuy nhiên, xu thế hội nhập cũng đặt ra không ít thách thức cho mỗi quốc gia, mỗi tổ chức, đó là sự cạnh tranh ngày càng gay gắt và toàn diện.

Để nâng cao khả năng cạnh tranh, Việt Nam đã tham gia các tổ chức quốc tế, ký kết các Hiệp định song phương và đa phương. Trong các hiệp định đã ký kết, có hai hiệp định đang tác động rộng tới mọi lĩnh vực của Việt Nam là: Hiệp định Đối tác Toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), Hiệp định thương mại tự do Việt Nam - Liên minh châu Âu (EVFTA).

Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo
Đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam phát biểu tại hội thảo

Đứng trước điều kiện mới, Trường ĐH Công đoàn tổ chức Hội thảo Quốc gia “Đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong điều kiện Việt Nam thực hiện CPTPP và EVFTA”. Trên cơ sở đó góp phần đổi mới nội dung và phương pháp đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn nhằm đáp ứng yêu cầu, nhiệm vụ mới; trong đó nhấn mạnh công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn.

Phát biểu tại hội thảo, đồng chí Phan Văn Anh – Phó Chủ tịch Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam – cho hay: tình hình thế giới và khu vực có nhiều thay đổi nhanh chóng, phức tạp, khó lường. Quá trình “hội nhập quốc tế” của Việt Nam đang được phát triển sâu, rộng trên nhiều lĩnh vực, trong đó có lĩnh vực kinh tế.

Trong quá trình hội nhập quốc tế, Việt Nam đã tham gia 2 hiệp định quan trọng, là: Hiệp định CPTPP và Hiệp định EVFTA. Việc Việt Nam tham gia 2 hiệp định này đã và sẽ có những tác động mạnh mẽ, nhiều mặt, nhiều chiều đến hoạt động của tổ chức Công đoàn Việt Nam. Do đó, đòi hỏi phải có một đội ngũ cán bộ công đoàn đủ mạnh để đáp ứng các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu đề dẫn hội thảo
TS Lê Mạnh Hùng - Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn phát biểu đề dẫn hội thảo

Hội thảo quốc gia do Trường ĐH Công đoàn tổ chức nhằm trao đổi những vấn đề thực tế, thực tiễn đang đặt ra đối với công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn hiện nay.

Đồng thời đề xuất những giải pháp nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ công đoàn ở từng cấp, nhất là cấp công đoàn cơ sở tại các doanh nghiệp, nhà máy, xí nghiệp, khu công nghiệp và các giải pháp đổi mới mạnh mẽ, toàn diện, sâu sắc công tác đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn, đáp ứng được các yêu cầu đặt ra trong tình hình mới.

Chú trọng đào tạo, bồi dưỡng

“Hội thảo hôm nay có ý nghĩa rất quan trọng đối với việc nghiên cứu để nâng cao trình độ cho đội ngũ cán bộ công đoàn; từ đó làm cơ sở xây dựng nguồn nhân lực đủ mạnh, có kỹ năng, trình độ góp phần nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức công đoàn” - đồng chí Phan Văn Anh.

Tham luận về đào tạo cử nhân quản lý nguồn nhân lực (QLNNL) xanh ở các trường đại học Việt Nam, PGS.TS Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Lao động - Xã hội trao đổi: Thúc đẩy quản lý nguồn nhân lực xanh đang là vấn đề được quan tâm hàng đầu và mang tính toàn cầu. Đào tạo cử nhân quản lý nguồn nhân lực xanh – nguồn cung ứng nhân lực cho các doanh nghiệp để thực hiện quản lý nguồn nhân lực xanh. Bản chất của đào tạo cử nhân quản lý nguồn nhân lực xanh, đưa ra các chuẩn đầu ra “xanh” đối với đào tạo cử nhân QLNNL.

Trong bối cảnh toàn thế giới đã, đang và sẽ dành sự quan tâm đặc biệt đối với vấn đề “xanh”, việc điều chỉnh chương trình đào tạo cử nhân QLNNL theo hướng “xanh” đối với các cơ sở giáo dục đại học ở Việt Nam đã trở nên rất cần thiết.

PGS.TS Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Lao động - Xã hội tham luận tại hội thảo
PGS.TS Lê Thanh Hà – Chủ tịch Hội đồng Trường ĐH Lao động - Xã hội tham luận tại hội thảo 

PGS.TS Lê Thanh Hà khuyến nghị, với các trường chưa đưa kiến thức về môi trường vào chương trình đào tạo, nên thiết kế bổ sung một học phần liên quan đến môi trường vào chương trình đào tạo để cung cấp cho sinh viên những kiến thức cơ bản về môi trường và phát triển bền vững.

Đồng thời bổ sung vào chương trình đào tạo cử nhân QLNNL các kiến thức cơ bản về “xanh” như: QLNNL xanh, nguồn nhân lực xanh, tuyển dụng xanh, đào tạo xanh, v.v…

Trong chương trình đào tạo cử nhân QLNNL, nên bổ sung nội dung về tích hợp các vấn đề mới vào hệ thống các chính sách QLNNL. Cùng với đó, cần tăng cường đào tạo cho sinh viên về kỹ năng tham mưu, kỹ năng hoạch định chính sách về QLNNL xanh.

Ở góc nhìn khác, PGS.TS Dương Văn Sao – nguyên Hiệu trưởng Trường ĐH Công đoàn khẳng định: Công tác đào tạo, bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ nói chung, đào tạo bồi dưỡng, xây dựng đội ngũ cán bộ công đoàn nói riêng ở thời kỳ nào cũng có vai trò hết sức quan trọng.

Trong điều kiện cách mạng 4.0, vấn đề đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ, năng lực đội ngũ cán bộ và xây dựng xã hội học tập suốt đời đang trở thành mối quan tâm hàng đầu, không chỉ của nước ta mà còn là mối quan tâm của tất cả các quốc gia.

PGS.TS Dương Văn Sao tham luận tại hội thảo
PGS.TS Dương Văn Sao tham luận tại hội thảo

Để đáp ứng yêu cầu nâng cao chất lượng đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn trong giai đoạn mới, PGS.TS Dương Văn Sao cho rằng, cần nghiên cứu xây dựng chiến lược đào tạo, bồi dưỡng cán bộ công đoàn gắn với chiến lược xây dựng phát triển tổ chức công đoàn trong điều kiện mới.

Theo PGS.TS Dương Văn Sao, cần đầu tư các nguồn lực xây dựng đội ngũ cán bộ nghiên cứu, giảng dạy đủ về số lượng, đồng bộ về cơ cấu, có trình độ chuyên môn nghề nghiệp cao, phẩm chất, đạo đức tốt, có kỹ năng, phương pháp ứng dụng các thành tự khoa học công nghệ và khả năng cập nhật những kiến thức mới vào giảng dạy và tâm huyết với nghề nghiên cứu, giảng dạy, một nghề rất khó khăn, vất vả.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ