Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp giáo viên tại Nghệ An: Tạm dừng bồi dưỡng đối với vùng dịch

GD&TĐ - Theo ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An, Chứng chỉ chức danh nghề nghiệp (CDNN) là một trong những điều kiện để GV được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới.

Hàng nghìn giáo viên tại Nghệ An đang cần bổ sung chứng chỉ CDNN để bổ nhiệm vào hạng tương ứng.
Hàng nghìn giáo viên tại Nghệ An đang cần bổ sung chứng chỉ CDNN để bổ nhiệm vào hạng tương ứng.

Sở có trách nhiệm chỉ đạo phòng GD&ĐT, trường học rà soát cơ cấu, hạng CDNNGV hiện tại để xác định đối tượng cần đào tạo đủ tiêu chuẩn. Việc đăng ký học tại đơn vị nào, là nhu cầu tự nguyện của GV và đóng học phí theo thỏa thuận với cơ sở có chức năng, thẩm quyền đào tạo. 

Bồi dưỡng trên tinh thần tự nguyện

Liên quan đến vấn đề chứng chỉ CDNN, vừa qua một số giáo viên tại Nghệ An cho rằng, việc học chứng chỉ trong thời điểm này là chưa cần thiết. Lý do dịch Covid-19 đang bùng phát và phức tạp ở nhiều địa phương như TP Vinh, Diễn Châu... Hiện các bộ, ngành cũng đề nghị Chính phủ xem xét điều chỉnh bỏ một số chứng chỉ không phù hợp. Việc nâng hạng cho giáo viên đang gián đoạn, chờ hướng dẫn cụ thể.

Tuy nhiên, một số phòng GD&ĐT trên địa bàn tỉnh ra thông báo yêu cầu các trường rà soát giáo viên đăng ký bồi dưỡng. Gần đây Trường ĐH Vinh cũng gửi văn bản trực tiếp về việc đào tạo cấp chứng chỉ CDNNGV hình thức trực tiếp và trực tuyến.

Để hướng dẫn rõ cho cán bộ, nhà giáo, người lao động trong ngành, Sở GD&ĐT Nghệ An đã ra văn bản về việc tiếp tục hoàn thiện tiêu chuẩn CDNNGV mầm non, phổ thông. Trong đó yêu cầu các phòng GD&ĐT tiếp tục tuyên truyền, phổ biến rõ văn bản, quy định liên quan. Cụ thể, quán triệt rõ chùm Thông tư 01, 02, 03, 04; Công văn số 971/BGDĐT-NGCBQLGD của Bộ GD&ĐT; văn bản liên quan của Sở GD&ĐT Nghệ An về việc triển khai Thông tư, công văn trên của Bộ.

Đồng thời, tham mưu UBND huyện, thành phố, thị xã (UBND cấp huyện) để phối hợp với Phòng Nội vụ chuẩn bị phương án triển khai mã số, tiêu chuẩn CDNN và bổ nhiệm, xếp lương viên chức trong cơ sở giáo dục công lập. Đảm bảo quyền lợi cho đội ngũ giáo viên khi có văn bản hướng dẫn của UBND tỉnh.

Rà soát cơ cấu, hạng CDNNGV của địa phương, lập danh sách những người chưa đủ điều kiện tiêu chuẩn về chứng chỉ CDNN, đặc biệt là giáo viên được hưởng lợi về lương sau khi được bổ nhiệm vào hạng theo các Thông tư mới. Sau khi rà soát xong danh sách, phòng GD&ĐT báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện phê duyệt, rồi gửi về sở. Khi có ý kiến của sở, các phòng GD&ĐT mới thông báo cho giáo viên trong danh sách, nếu có nhu cầu bồi dưỡng để hoàn thiện các tiêu chuẩn còn thiếu, làm đơn đăng ký. Khi có danh sách cụ thể, phòng GD&ĐT mới phối hợp với đơn vị có thẩm quyền tổ chức bồi dưỡng cho GV.

Ông Thái Văn Thành – Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết: Đào tạo, bồi dưỡng cấp chứng chỉ phải căn cứ diễn biến tình hình dịch Covid-19 để lựa chọn thời gian, hình thức phù hợp. Thực hiện nghiêm các quy định về phòng, chống dịch bệnh. Riêng địa phương đang thực hiện giãn cách xã hội theo Chỉ thị 15, 16 của Chính phủ, tạm dừng việc triển khai đăng ký và tổ chức bồi dưỡng.

Việc bồi dưỡng CDNN là cần thiết, có lợi cho GV nhưng cần có thời gian, hình thức phù hợp.
Việc bồi dưỡng CDNN là cần thiết, có lợi cho GV nhưng cần có thời gian, hình thức phù hợp.

Bảo đảm quyền lợi GV

Trước đó, khi chùm Thông tư 01, 02, 03, 04 của Bộ GD&ĐT, nhiều GV tại Nghệ An đua nhau đăng ký học chứng chỉ CDNNGV. Một số trung tâm GDTX, GDTX và GDNN trên địa bàn tỉnh phối hợp với phòng GD&ĐT cùng trường đại học, cao đẳng mở các lớp học chứng chỉ cho học viên. Trong khi đó, không phải cơ sở nào cũng được phép đào tạo, cấp chứng chỉ và không phải GV nào có chứng chỉ là được nâng hạng ngay.

Đơn cử tại Trường THPT Kỳ Sơn (huyện Kỳ Sơn, Nghệ An) hơn 80 cán bộ GV đều là hạng III. Thầy Lê Văn Tảo – Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Đặc thù của trường THPT miền núi cao như Kỳ Sơn, số giáo viên biến động thường xuyên. Sau thời gian công tác xa nhà, GV có nguyện vọng về xuôi công tác để gần gia đình. Vì vậy trong trường phần lớn là giáo viên trẻ, chưa đến đợt xét thăng hạng. Hiện có hơn 30 cán bộ, giáo viên đã học xong chứng chỉ CDNN và chờ đến đợt xét thăng hạng. Những giáo viên khác đang chờ tình hình dịch bệnh mới đăng ký học.

Trước thực tế trên, Sở GD&ĐT Nghệ An có công văn đề nghị các phòng GD&ĐT, trường học trên địa bàn rà soát lập danh sách đối tượng cần đào tạo, bồi dưỡng đủ tiêu chuẩn được bổ nhiệm, xếp lương theo các thông tư mới. Sở cũng khuyến cáo giáo viên dừng tham gia các lớp bồi dưỡng CDNN trong khi chờ hướng dẫn chi tiết của Bộ GD&ĐT.

Tuy nhiên, đến thời điểm này, UBND các địa phương đang chờ “chứng chỉ CDNN” để làm căn cứ triển khai mã số bổ nhiệm xếp lương viên chức ngành Giáo dục. “Việc đi học để có chứng chỉ sẽ mang lại nhiều lợi ích cho giáo viên, đặc biệt là tăng hệ số lương cũng như mở rộng khung hệ số lương theo vị trí việc làm. Nghệ An có hàng nghìn giáo viên có hệ số lương là 3,33. Nhưng đầy đủ hồ sơ và đủ điều kiện, để bổ nhiệm theo mã số mới, hệ số của họ sẽ lên 4.0. Trước mắt, sở chỉ đạo phòng GD&ĐT rà soát danh sách và hướng dẫn chỉ giáo viên hạng 2 mới tham gia đào tạo chứng chỉ để đúng đợt bổ nhiệm chức danh”, ông Thái Văn Thành nói.

Về vấn đề đơn vị nào đủ điều kiện tổ chức cấp chứng chỉ CDNN cho GV, ông Thái Văn Thành cho hay: Trên địa bàn có 2 đơn vị là Trường ĐH Vinh và Trường Cao đẳng Sư phạm Nghệ An trước đó từng đào tạo và cấp chứng chỉ CDNN cho nhiều giáo viên trong và ngoài tỉnh.

Riêng ý kiến của một số giáo viên cho rằng mức học phí 2,3 triệu đồng/khóa học của Trường ĐH Vinh là cao so với lương giáo viên, Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An cho biết đó là chi phí do cơ sở đào tạo tính toán đưa ra. Giám đốc Sở GD&ĐT Nghệ An khẳng định: Sở có trách nhiệm quản lý về mặt Nhà nước, chỉ đạo phòng GD&ĐT rà soát giáo viên cần bổ sung đủ tiêu chuẩn. Việc đăng ký, học chứng chỉ là tự nguyện của giáo viên và nộp học phí theo thỏa thuận với cơ sở đào tạo.

Theo thống kê sơ bộ của Sở GD&ĐT Nghệ An có khoảng 22.000 GV tại cơ sở GD công lập trên địa bàn có lợi về lương nếu được bổ nhiệm vào các hạng tương ứng theo chùm Thông tư mới.
Ngành Giáo dục triển khai thực hiện Nghị quyết 84/NQ-CP ngày 29/5/2020 của Chính phủ

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cán bộ y tế đỡ đẻ ngay trên biển.

Đỡ đẻ cho sản phụ ngay trên biển

GD&TĐ - Một sản phụ ở xã đảo Quan Lạn, huyện Vân Đồn (Quảng Ninh) được các bác sĩ Trung tâm Y tế huyện Vân Đồn đỡ đẻ thành công ngay trên biển.