Giải bài toán thiếu đất, thiếu tiền xây trường chuẩn quốc gia

GD&TĐ - Công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia luôn là bài toán khó đối với Hà Nội từ nhiều năm nay bởi quy luật “Nội thành thiếu đất, ngoại thành thiếu tiền”. Tuy nhiên, tại một số địa phương đã có những giải pháp sáng tạo nhằm giải quyết bài toán đó.

Sân bóng của Trường Tiểu học Tân Lập B.
Sân bóng của Trường Tiểu học Tân Lập B.

Nâng cao chất lượng giáo dục

Trường Tiểu học Đan Phượng (huyện Đan Phượng, Hà Nội) đạt chuẩn quốc gia mức độ 2 từ năm 2018. Hiện trường có cơ sở vật chất khang trang với đầy đủ các phòng học, phòng bộ môn, thư viện, nhà giáo dục thể chất, sân bóng đá mini, khu vui chơi vận động…

Theo cô Nguyễn Thị Hằng, giáo viên phụ trách thư viện nhà trường, thư viện có khoảng 10.000 đầu sách, diện tích hơn 100m2 được trang bị đầy đủ điều hòa, quạt mát, ánh sáng, là nơi để học sinh đọc và trao đổi kiến thức, nơi diễn ra các hoạt động sáng tạo như cắt, dán, vẽ, trải nghiệm hoạt động sáng tạo... Cơ sở vật chất được đầu tư tốt giúp học sinh có điều kiện được học tập, vui chơi, hoạt động phong phú.

Theo cô Nguyễn Thị Oanh - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Đan Phượng, không chỉ có cơ sở vật chất tốt, 100% giáo viên nhà trường đã đạt chuẩn và trên chuẩn, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên. Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, trường đặc biệt quan tâm đến môn Tiếng Anh, nâng cao trình độ công nghệ thông tin cho đội ngũ giáo viên.

Tách ra từ Trường Tiểu học Tân Lập, Trường Tiểu học Tân Lập B (huyện Đan Phượng) rộng gần 14.000m2. Hơn 900 học sinh của trường được học tập ở một ngôi trường đạt chuẩn mức độ 2. Điểm ấn tượng, trường không chỉ có sân bóng đá, sân bóng rổ, nhà đa năng như nhiều trường khác, mà còn bởi khu nhà 3 tầng với hàng chục phòng ăn, phòng ngủ riêng biệt, trang thiết bị hiện đại.

Cô Nguyễn Thị Nga - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Tân Lập B chia sẻ: Muốn xây dựng được trường chuẩn, trước hết bản thân cán bộ, giáo viên nhà trường phải thực sự quyết tâm, đoàn kết thực hiện. Bên cạnh đó, phải có giải pháp nâng cao chất lượng dạy học, khi sử dụng nguồn xã hội hóa cần công khai minh bạch để phụ huynh, nhân dân nắm rõ và sẵn sàng đồng hành cùng nhà trường.

Có con học tại Trường Tiểu học Tân Lập B, chị Nguyễn Thị Bình bày tỏ: Được học trong ngôi trường khang trang, cả học sinh, phụ huynh đều rất vui. Con rất háo hức mỗi khi được đến trường, được gặp thầy cô, bạn bè. Tôi rất yên tâm với điều kiện chăm sóc chu đáo, trang thiết bị hỗ trợ, chăm sóc học sinh của trường.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập B được học trong ngôi trường khang trang hiện đại.

Học sinh Trường Tiểu học Tân Lập B được học trong ngôi trường khang trang hiện đại.

Bí quyết xây trường chuẩn quốc gia

Từ nhiều năm qua, Đan Phượng luôn là đơn vị dẫn đầu trong công tác xây dựng trường chuẩn quốc gia tại Hà Nội. Là địa phương “không có nhiều đất, cũng không có nhiều tiền”, nhưng với quyết tâm của các cấp các ngành, Đan Phượng đã đạt được kết quả quan trọng trong việc xây trường chuẩn quốc gia, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục.

Bà Đào Thị Hồng - Phó Chủ tịch UBND huyện Đan Phượng cho biết: Tính đến tháng 8/2022, toàn huyện có 99% trường học đạt chuẩn quốc gia mức độ 1, 40,7% trường chuẩn quốc gia mức độ 2. Phấn đấu đến năm 2025, huyện sẽ có 90% trường đạt chuẩn quốc gia mức độ 2.

Về bí quyết xây dựng trường chuẩn quốc gia trong khi quỹ đất không nhiều (do huyện được quy hoạch lên quận trong năm 2025), cùng với đó là nguồn lực tài chính còn hạn hẹp (huyện chưa cân đối được ngân sách), bà Hồng chia sẻ: Để đạt được mục tiêu, đòi hỏi sự quyết tâm cao của hệ thống chính trị từ huyện đến cơ sở.

Bởi phấn đấu xây trường chuẩn quốc gia không phải thành tích, phong trào mà mục đích cuối cùng là để nâng cao chất lượng giáo dục toàn diện, có chỗ học tốt nhất cho con em, đáp ứng yêu cầu nguyện vọng của nhân dân và sự tin tưởng của cha mẹ học sinh.

Điều quan trọng thứ hai là xây dựng trường chuẩn quốc gia không phải trách nhiệm của riêng ngành GD, nhà trường mà phải có sự tập trung lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng chính quyền sự phối hợp của đoàn thể, tầng lớp nhân dân từ huyện đến cơ sở.

Trước hết, phải ưu tiên quy hoạch mạng lưới trường lớp, dành diện tích đất quy hoạch cho giáo dục. Đối với huyện có tốc độ đô thị hóa cao như Đan Phượng thì điều này rất quan trọng. Bởi nếu có kinh phí xây dựng trường học mà không có đủ điều kiện về diện tích đất thì việc xây trường chuẩn quốc gia sẽ không thực hiện được.

Trong quy hoạch sử dụng đất đến năm 2030, tầm nhìn 2050, huyện Đan Phượng đã rà soát quy hoạch đất dành cho giáo dục vượt trên 1,5 lần theo quy chuẩn. Đối với mầm non, quy chuẩn là 12 m2/trẻ thì Đan Phượng quy hoạch thành 22,9 m2. Cấp tiểu học và THCS quy chuẩn là 10m2 thì ở Đan Phượng là 18m2.

Không chỉ quan tâm đến các trường mà UBND huyện quản lý, các trường THPT trên địa bàn đều quy hoạch diện tích đất chuẩn như Trường THPT Đan Phượng là 4,2 héc-ta, Trường liên cấp tiên tiến hiện đại trên địa bàn huyện đang được TP triển khai xây dựng là trên 9 héc-ta.

“Đan Phượng là huyện chưa cân đối được ngân sách, nguồn lực còn hạn hẹp, nhiệm vụ lớn, mục tiêu cao. Vì vậy khi triển khai cần có giải pháp căn cơ đầu tư đúng hướng có trọng tâm, trọng điểm. Bên cạnh đó huyện đặc biệt quan tâm đến việc sử dụng hiệu quả công năng sử dụng cơ sở vật chất trường lớp học” - bà Hồng cho hay.

Ông Trần Thế Cương - Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin: Tính đến tháng 6/2022, tỷ lệ trường đạt chuẩn quốc gia toàn thành phố là 64,3%, trong đó công lập chiếm 79,0%. Việc phát triển quy mô, xây dựng và mở rộng trường học theo các tiêu chuẩn trường chuẩn quốc gia được xác định là mục tiêu, cũng là giải pháp để không chỉ đáp ứng nhu cầu về chỗ học mà còn nhằm nâng cao chất lượng dạy học.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ