Giải bài toán nâng cao năng lực đào tạo cho các trường đại học

GD&TĐ - Diễn đàn Sinh viên châu Á (GPAC) 2014 khai mạc vào sáng nay (26/8) tại Hà Nội. Đây là cơ hội cho các sinh viên thảo luận những vấn đề về kinh tế châu Á, kinh tế thế giới và thêm hiểu biết về những vấn đề chung mang tính toàn cầu.

Nâng cao chất lượng đào tạo thực tiễn cho sinh viên
Nâng cao chất lượng đào tạo thực tiễn cho sinh viên

Nhân sự kiện này, phóng viên báo Giáo dục và Thời đại đã có cuộc trao đổi với TS Nguyễn Trúc Lê – Phó hiệu trưởng Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội), Phó trưởng Ban tổ chức GPAC 2014 xung quanh một số vấn đề liên quan đến sự kiện quan trọng này.

Tiến sỹ đánh giá như thế nào về lợi ích mang lại cho sinh viên Việt Nam nói riêng và sinh viên các nước châu Á nói chung khi tham gia GPAC?

Với Đại học Quốc gia Hà Nội cũng như là các trường đại học khác, mục tiêu của chúng tôi là đào tạo ra những lớp sinh viên phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội. Tức là đáp ứng với yêu cầu công việc của các doanh nghiệp, các cơ quan, đơn vị, các tổ chức trong và ngoài nước. 

Chúng tôi vẫn thường nói với nhau: “Chúng tôi đang làm bài toán ngược tức là đầu ra của xã hội là gì thì chúng tôi đang cố gắng làm sao đưa những tri thức vào.

TS Nguyễn Trúc Lê

 - Tham gia Diễn đàn này thực chất là Việt Nam, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan và Israel. Trong đó, Việt Nam là nước đang phát triển. Do vậy việc chia sẻ những thông tin và các vấn đề mà Việt Nam đang phải đối mặt như hiện nay sẽ được đem vào GPAC để giải quyết.

Bài toán đó không chỉ được giải quyết bởi các giáo sư tiến sỹ đầu ngành mà còn được giải quyết bởi sự nhiệt huyết của các em sinh viên, với những sáng tạo đột phá trong các lĩnh vực, nhất là đối với chủ đề về phát triển bền vững, nền kinh tế phát triển và những vấn đề liên quan đến môi trường, tài chính ngân hàng và quản trị kinh doanh.

Ngoài ra, Diễn đàn còn là dịp để sinh viên các nước được kết nối giao lưu về văn hóa, kiến thức và kỹ năng chuyên môn. Từ đó các em có thể hiểu được nền kinh tế của các nước tham gia Diễn đàn, rộng hơn là của các nước châu Á và nền kinh tế toàn cầu.

Một lợi ích khác khi tham GPAC đó là các em sinh viên được trao đổi tri thức, học thuật giữa các giáo sư và các giảng viên của nhiều trường đai học lớn, uy tín trong khu vực châu Á.

Theo kế hoạch, năm 2015 cộng đồng kinh tế ASEAN sẽ được thành lập và lao động ở các nước trong khối sẽ được dịch chuyển tự do. Điều này có nghĩa là các trường đại học Việt Nam đang phải đối mặt với áp lực là nâng cao chất lượng đào tạo để đáp ứng được yêu cầu này. Vậy theo tiến sĩ, với Diễn đàn như thế này sẽ mang lại lợi ích gì cho các trường trong việc nâng cao chất lượng giáo dục và đào tạo?

 TS Nguyễn Trúc Lê

- Thực chất, Diễn đàn này sẽ góp phần nâng cao rất nhiều trong chất lượng đào tạo gắn với các hoạt động thực tế. Các hoạt động thực tế này sẽ đem đến cho sinh viên Việt Nam nhiều lợi ích, đó chính là sự tự tin.

Thứ hai là những bài thuyết trình của các em sẽ được các giáo sư đầu ngành phản biện. Điều này giúp cho các em rất nhiều về kiến thức thực tiễn mà kiến thức thực tiễn lại là yếu tố quan trọng của quá trình đào tạo.

Tức là khi các em tốt nghiệp, các em hoàn toàn có thể chủ động trong các vấn đề về phân tích các yếu tố liên quan đến tri thức. Chẳng hạn như các yếu tố liên quan đến kinh tế, xã hội. Mặt khác các em cũng được rèn luyện kỹ năng phản biện, kỹ năng thực hiện các công việc chuyên môn.

Đó là những vấn đề mà Trường Đại học Kinh tế (Đại học Quốc gia Hà Nội) nói riêng và các trường đại học của Việt Nam nói chung đặc biệt coi trọng.

Là người trong cuộc tiến sỹ đánh giá như thế nào về năng lực đào tạo của các trường đại học Việt Nam nói chung và các trường thành viên của Đại học Quốc gia Hà Nội nói riêng so với các trường trong khu vực châu Á và khu vực ASEAN hiện nay?

- Tôi nghĩ Việt Nam đang xây dựng một nền khá bài bản và khá tốt. Tuy nhiên điều quan trọng là những sản phẩm đào tạo ấy phải đáp ứng được yêu cầu của xã hội, về vấn đề này thì phải thẳng thắn nói rằng hiện nay chúng ta vẫn đang trong quá trình dịch chuyển.

So với các nước trong khu vực ASEAN thì về mặt đào tạo nền tảng Việt Nam làm rất tốt, đâu đó có lúc vượt trội so với một số nước. Tuy nhiên nền tảng ấy phải dựa vào thực tiễn thì có vẻ như là khối ASEAN đang dịch chuyển dần nhanh hơn chúng ta.

Ngay như là các bài phát biểu, thuyết trình của các em sinh viên tại Diễn đàn lần này cũng có sự khác biệt đối với sinh viên Việt Nam và cả các nước trong khu vực.

Xin cảm ơn tiến sỹ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ