Nông thôn mới, thách thức mới
Chính sách hỗ trợ học sinh bán trú ở các xã khu vực III là một trong những biện pháp quan trọng nhằm đảm bảo quyền được học tập và phát triển của trẻ em vùng khó khăn.
Công cuộc xây dựng NTM diễn ra mạnh mẽ ở khắp các địa phương, nhiều trường học thuộc xã đạt chuẩn NTM có những thay đổi về chính sách dẫn đến tình trạng học sinh bán trú không còn được hưởng các chính sách ưu đãi như trước. Điều này đặt ra những thách thức lớn đối với việc duy trì tỷ lệ chuyên cần và điều kiện học tập tốt nhất cho các em.
Văn Yên là một huyện miền núi của Yên Bái. Những năm gần đây, huyện Văn Yên đang đẩy mạnh xây dựng NTM. Với phương châm xây dựng NTM bền vững và thực chất, song việc xây dựng NTM vẫn không tránh khỏi tác động tới tỷ lệ chuyên cần của các trường học trên địa bàn.
Văn Yên có 24 trường mầm non và phổ thông; trong đó, 10 trường mầm non, 6 trường phổ thông dân tộc (PTDT) bán trú, 8 trường phổ thông có học sinh bán trú với tổng số 2.910 học sinh bán trú được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh; 152 học sinh trường PTDT bán trú học 2 buổi/ngày hưởng chế độ theo Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh.
Những chính sách này đã phát huy tác dụng tích cực, giúp nhiều em học sinh có hoàn cảnh khó khăn tại Văn Yên được tiếp cận và theo học đầy đủ, góp phần nâng cao chất lượng giáo dục vùng khó khăn. Năm học 2023 - 2024 vừa qua, trên địa bàn 10 xã khu vực III của huyện Văn Yên có 6 xã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 đến 2023 và sẽ có 4 xã dự kiến đạt chuẩn NTM năm 2024.
Qua rà soát, thống kê năm học 2024 - 2025, toàn huyện có 519 học sinh bán trú sẽ không còn được hưởng chế độ theo Nghị định số 116 của Chính phủ và Nghị quyết số 38 của HĐND tỉnh do các xã đã đạt chuẩn NTM từ năm 2021 đến 2023. Trong đó, Trường Tiểu học Lang Thíp có 232 học sinh, Trường THCS Lang Thíp 195 học sinh và Trường Tiểu học & THCS Đại Sơn có 92 học sinh.
Ngoài ra, còn có 1.001 học sinh bị tác động, thôi hưởng các chế độ khác như chế độ hỗ trợ chi phí học tập (trong đó, bậc học mầm non 229 em, tiểu học 341 em và THCS 368 em); chuyển sang mức đóng học phí theo khu vực I (cao hơn mức nộp trước khi xã đạt chuẩn NTM) 476 em (trong đó, mầm non 100 em và THCS 376 em).
Các em học sinh sẽ gặp nhiều khó khăn hơn trong việc tiếp cận giáo dục, đặc biệt là những gia đình có hoàn cảnh khó khăn. Điều này có thể ảnh hưởng đến chất lượng giáo dục, tỷ lệ chuyên cần và kết quả học tập của các em.
Giải pháp cần phù hợp với thực tế
Trong 2 năm gần đây, trước thềm năm học mới, huyện Văn Yên đều tổ chức rà soát, thống kê học sinh chịu tác động, bàn giải pháp, huy động sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội. Trong đó, chủ yếu vẫn là giải pháp tuyên truyền, vận động và tăng cường các nguồn lực xã hội hóa, đặc biệt là sự góp sức của doanh nghiệp, tổ chức cá nhân có lòng hảo tâm, các tổ chức đoàn thể…
Ở vùng cao, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, thầy cô giáo được ví là một trong các đối tượng "người uy tín trong cộng đồng”, nhưng không ít thầy cô đã phải bất lực với các yêu cầu vượt ngoài tầm giải quyết như: "chính quyền làm đường bê tông tôi sẽ đưa con đi học”, "gia đình còn phải đi làm, thầy cô tới đón thì đi”…
Đó là những câu chuyện có thật ở Văn Yên. Chính vì thế, mô hình bán trú dân nuôi được xem là một giải pháp hiệu quả.
Điều này không chỉ giúp các em duy trì tỷ lệ chuyên cần mà còn là giải pháp khắc phục tình trạng học sinh bỏ học, góp phần nâng cao chất lượng dạy học. Xuất hiện từ những năm 60 của thế kỷ trước, mô hình bán trú dân nuôi đã giúp xây dựng biết bao thế hệ cán bộ cho vùng Tây Bắc nói chung, Yên Bái nói riêng.
Bán trú dân nuôi của thời điểm đó khó khăn gấp bội với bán trú dân nuôi của NTM bởi hệ thống trường lớp học, nhà ở, công trình vệ sinh, bếp ăn đã được đầu tư khang trang chứ không phải tranh tre, vách nứa. Có lẽ, đây sẽ là giải pháp thực sự bền vững giải quyết bài toán "thôi hưởng chính sách bán trú” ở nhiều địa phương NTM trong tương lai.
Việc tuyên truyền, vận động là giải pháp then chốt, song mỗi địa phương cần cụ thể phù hợp với thực tế. Chính quyền địa phương cần chủ động liên hệ, phối hợp với các tổ chức, cá nhân, doanh nghiệp để vận động nguồn lực tài chính, vật chất bổ sung cho công tác hỗ trợ học sinh bán trú. Các quỹ, dự án về giáo dục, phát triển cộng đồng, các chương trình của các tổ chức phi chính phủ... cũng có thể là nguồn hỗ trợ tiềm năng.
Bên cạnh việc kêu gọi sự hỗ trợ từ các nguồn lực bên ngoài, việc vận động các doanh nghiệp, mạnh thường quân trong địa bàn cũng rất quan trọng. Các doanh nghiệp có trách nhiệm đóng góp cho phát triển giáo dục địa phương, đặc biệt là những nơi có hoàn cảnh khó khăn. Chính quyền cần có chính sách khuyến khích các nhà tài trợ này, như ưu đãi về thuế, quảng bá hình ảnh, vinh danh...
Cùng với đó, tổ chức các hoạt động gây quỹ, chương trình thiện nguyện tại cộng đồng. Đây là cách để huy động được nguồn lực trực tiếp từ người dân, phát huy tinh thần tương thân, tương ái, góp phần cải thiện điều kiện học tập cho học sinh bán trú.