Bài toán chất lượng của sinh viên cử tuyển

GD&TĐ - Nhiều SV tốt nghiệp theo diện “cử tuyển” hiện đang bị tắc đầu ra do các chỉ tiêu, biên chế hầu hết đã được “lấp đầy”. Sau nhiều năm, chính sách cử tuyển đang được nhìn nhận lại để phát huy được hiệu quả trong thực tế hiện nay. Bất cập này xuất hiện ở hầu hết các địa phương có triển khai hệ cử tuyển ở nước ta, đặc biệt là ở những vùng có đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống.

Bài toán chất lượng của sinh viên cử tuyển

Thoáng đầu vào, tắc đầu ra

Nguyễn Văn Đông (xóm Tân Lập, xã Tân Hợp, huyện Tân Kỳ) là SV đi học theo diện cử tuyển, nhập học năm 2007 vào Trường Đại học Dược Hà Nội. Từ tháng 9/2016 đến nay, mặc dù đã có bằng tốt nghiệp nhưng địa phương vẫn chưa bố trí được việc làm cho Đông, khiến cử nhân dược này phải viết thư cầu cứu lên cấp trên, với nguyện vọng tha thiết là “được vào ngành để góp phần nhỏ bé công sức chuyên môn của mình nhằm phục vụ bà con đồng bào miền núi quê hương”.

May mắn hơn những người khác, sau thời gian dài chờ đợi, Và Bá Xừ (tốt nghiệp ĐH Kinh tế Quốc dân) và La Thị Ly Ni (tốt nghiệp Đại học Y Thái Bình) đã được tuyển vào làm việc tại Phòng Tài chính và Phòng Y tế của huyện Kỳ Sơn trong đợt tuyển dụng công chức năm 2016. Nhưng trên địa bàn huyện vẫn còn 15 SV cử tuyển tốt nghiệp chưa có việc làm, trong đó có 12 người trình độ ĐH.

Theo ông Lê Hồng Lập - Phó phòng Nội vụ huyện Kỳ Sơn: Mặc dù những năm gần đây, huyện không còn SV đi học theo hệ cử tuyển nhưng việc sắp xếp bố trí việc làm cho SV đã tốt nghiệp vẫn rất khó khăn. Cá nhân ông Lập cho rằng đây là một sự lãng phí rất lớn nhưng trong điều kiện hiện nay khó có thể sắp SV cử tuyển vào làm việc bởi không có chỉ tiêu, biên chế.

Được biết, tháng 3/2017, huyện Kỳ Sơn đã được phê duyệt để tuyển 54 vị trí các chức danh cấp xã. Nhưng huyện không có chính sách ưu tiên riêng cho SV cử tuyển tốt nghiệp. Trong khi lượng hồ sơ đăng ký rất đông như: Văn phòng thống kê, 42 hồ sơ/7 chỉ tiêu; ngành địa chính - xây dựng, môi trường có 115 hồ sơ/17 chỉ tiêu; ngành tư pháp hộ tịch có 66 hồ sơ/8 chỉ tiêu, ngành tài chính có 84 hồ sơ/12 chỉ tiêu… Thực tế: “Xét về trình độ, SV học hệ cử tuyển khó theo kịp những em thi đậu chính quy”, ông Lập bày tỏ.

Theo số liệu thống kê của Sở Nội vụ, từ năm 2010 đến nay, số lượng SV tốt nghiệp theo hệ cử tuyển các trường đại học, cao đẳng, trung cấp của Nghệ An là 259 người. Trong số đó, đã bố trí việc làm là 118 người (45,5%) và chưa bố trí được việc làm là 141 người (đạt tỷ lệ 55%). Những huyện đang có số lượng SV cử tuyển chưa có việc làm đông là Con Cuông 30 người, Quế Phong 36 người, Quỳ Châu 14 người, Kỳ Sơn 15 người.

Bên cạnh đó, vẫn đang còn 145 SV hiện đang học ở các trường đại học, cao đẳng trong đó nhiều nhất là Đại học Y Thái Bình (51 người), Đại học Vinh (24 người), Đại học Sư phạm Kỹ thuật Vinh (18 người)...

Sẽ xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chặt chẽ hơn

Chính sách cử tuyển nhằm tạo điều kiện để HS vùng miền núi, dân tộc thiểu số có điều kiện tiếp cận, được đào tạo chuyên nghiệp và tạo nguồn lao động tại địa phương. HS được cử đi học cử tuyển do các tỉnh đề xuất và trong quá trình theo học được hỗ trợ kinh phí về học tập, học bổng theo ngân sách của địa phương. Tuy nhiên, đến nay, khi chỉ tiêu, biên chế các cơ quan hầu hết đã được “lấp đầy” thì cơ hội cho SV cử tuyển hầu như không có…

Ông Lê Anh Dũng, Phó Trưởng phòng Công chức - Sở Nội vụ cho biết: Trong những năm gần đây, chỉ tiêu biên chế công chức, viên chức không tăng, đồng thời phải thực hiện tinh giản biên chế, do vậy việc sắp xếp, bố trí công việc cho SV cử tuyển càng thêm khó khăn. Bên cạnh đó, trong quá trình thực hiện có nhiều bất cập trong chính sách cử tuyển và tuyển dụng công chức. Cụ thể, theo Nghị định 134 của Chính phủ, người học theo chế độ cử tuyển sau khi tốt nghiệp sẽ được tiếp nhận và phân công công tác. Trong khi đó, theo quy định của Luật Công chức và Viên chức, việc tuyển dụng, sử dụng và quản lý công chức, viên chức phải thực hiện thi tuyển hoặc xét tuyển.

Mặt khác, có một thực tế là khi các địa phương xây dựng đề xuất chỉ tiêu cử tuyển không phù hợp với thực tế nhu cầu tuyển dụng, dẫn đến cung vượt quá cầu.

Một cán bộ huyện Kỳ Sơn cũng chia sẻ công tác cử tuyển dành cho HS miền núi, dân tộc trước kia đúng là cần thiết và nhân văn. Nhưng hiện nay, giáo dục vùng cao đã phát triển, nhiều HS học tốt, tự thi đậu vào các trường ĐH, CĐ và tốt nghiệp ra trường đều phải tự tìm kiếm việc làm. Trong khi SV tốt nghiệp theo diện cử tuyển vừa được nuôi ăn học, vừa được bố trí việc làm thì tạo nên sự không công bằng trong cộng đồng. Cũng từ thực tế này, từ năm 2015 đến nay, Nghệ An tạm thời không cử HS đi học theo chính sách cử tuyển để nhìn nhận, đánh giá lại hiệu quả của chính sách.

Để khắc phục tình trạng SV cử tuyển không bố trí được việc làm, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ và các ngành, huyện có liên quan thực hiện việc ưu tiên, tiếp nhận, tuyển dụng người dân tộc thiểu số, người học theo chế độ cử tuyển. Tỉnh ủy cũng giao Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo Sở Nội vụ và các ngành liên quan nghiên cứu, tham mưu sửa đổi điều chỉnh quy định cử tuyển người dân tộc thiểu số theo hướng: Giảm số lượng cử tuyển, nâng cao chất lượng đối tượng được cử đi học. Quy trình xây dựng chỉ tiêu cử tuyển chặt chẽ, chỉ cử đi học những chuyên ngành tại địa phương còn thiếu, có cơ chế bố trí việc làm đối với người được cử đi học sau khi tốt nghiệp.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Cô giáo Lê Thị Thu Hường và học trò

Buồn vui nghề giáo

GD&TĐ - Tròn 20 năm được làm cô giáo, nhìn lại chặng đường đã đi, trong tôi không khỏi dâng lên bao cảm xúc khó tả buồn vui với nghề.

Haaland làm được điều không tưởng

Haaland làm được điều không tưởng

GD&TĐ - Chỉ mới 24 tuổi nhưng tiền đạo Erling Haaland đã ghi được tới 25 cú hat-trick tính cả trong màu áo câu lạc bộ lẫn tuyển quốc gia.