Nhiều bất cập trong đào tạo và hoạt động nghề
Theo Th.s Lê Chí An – khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Thủ Dầu Một), nghề Công tác xã hội Việt Nam đang đứng trước vận hội mới và thách thức mới, đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục và đào tạo. Hiện nay, cả nước có hom 50 cơ sở đào tạo công tác xã hội các bậc cao đẳng, đại học và sau đại học, chưa kể hệ thống các trường nghề của ngành lao động thương binh và xã hội.
Thực tế, cả hai ngành giáo dục và ngành lao động thương binh và xã hội đã và đang nỗ lực hoàn thiện công tác giáo dục và đào tạo công tác xã hội. Tuy nhiên, chúng ta đang lúng túng và phải vận dụng nhiều cách tiếp cận khác nhau trong xây dựng và phát triển chương trình đào tạo công tác xã hội.
Có cùng quan điểm về thực trạng đào tạo nghề Công tác xã hội hiện nay tại các cơ sở đào tạo, ThS. Nguyễn Kim Loan – Bộ môn Công tác xã hội, chuyên biệt (Trường ĐH Lao động – Xã hội) nhìn nhận: “Công tác xã hội là ngành khoa học ứng dụng.Giảng dạy thực hành công tác xã hội có vai trò quan trọng trong việc phát triển năng lực làm việc thực tiễn của sinh viên với các đối tượng cụ thể trong bối cảnh thực tiễn.
Tuy nhiên, hoạt động giảng dạy và học tập này hiện nay còn gặp nhiều khó khăn, thách thức. Cụ thể là những khó khăn liên quan tới địa bàn thực hành, năng lực của đội ngũ cán bộ hỗ trợ tại cơ sở, của các giảng viên được phân công giảng dạy thực hành nghề Công tác xã hội và đặc biệt chưa có cơ chế để thúc đẩy sự vào cuộc của các đối tác có liên quan tới chương trình đào tạo thực hành”.
Quy hoạch mạng lưới và đổi mới chương trình
“Chất lượng nguồn nhân lực Công tác xã hội là một yếu tố quan trọng để hoạt động nghề Công tác xã hội trở nên chuyên nghiệp và đáp ứng được nhu cầu xã hội. Trình độ chuyên môn là yếu tố quan trọng trong hoạt động Công tác xã hội, đặc biệt đối với việc hành nghề của nhân viên Công tác xã hội.
Để hành nghề một cách hiệu quả đòi hỏi nhân viên Công tác xã hội không chỉ có những kiến thức thực tế, kinh nghiệm, mà còn phải nắm được hệ thống lý thuyết, phương pháp thực hành công tác xã hội. Đồng thời, nhân viên cũng phải có kiến thức cũng như hiểu biết sâu rộng về các vấn đề trong đời sống xã hội, cần có những kiến thức về văn hóa, phong tục tập quán, thói quen sinh hoạt của đối tượng trợ giúp” - Th.s Lê Thị Kim Dung nhấn mạnh.
Để nâng cao chất lượng đào tạo nguồn nhân lực nghề Công tác xã hội, Th.s Lê Chí An – khoa Công tác xã hội (Trường ĐH Thủ Dầu Một) cho rằng cần thực hiện quy hoạch tập trung đào tạo ngành công tác xã hội theo các vùng.
Hiện nay, số lượng trường đại học, cao đẳng, học viện có mở ngành đào tạo Công tác xã hội ngày càng nhiều vượt quá khả năng đào tạo và nhu cầu tuyển dụng của xã hội. Vì thế, nhà nước cần mạnh dạn quy hoạch lại hệ thống trường đào tạo Công tác xã hội, mỗi vùng chỉ cần xây dựng 1-2 trường có đào tạo Công tác xã hội. Như vậy, cả nước có khoảng 3-6 trường đào tạo đại học và khoảng 2-3 trường đào tạo sau đại học ngành Công tác xã hội.
Theo đó, thiết lập hai tổ chức của ngành Công tác xã hội, trong đó, Hiệp hội Nhân viên Xã hội và Hiệp hội các trường Công tác xã hội. Hai tổ chức này sẽ quy định chương trình đào tạo các cấp từ đại học tới sau đại học; các tiêu chuẩn đào tạo, sứ mạng, tầm nhìn, mục đích chung của Công tác xã hội nước ta. Xúc tiến để hai tổ chức này trở thành hội viên chính thức của Liên đoàn quốc tế Nhân viên xã hội (IFSW) và Hiệp hội quốc tế các trường Công tác xã hội(IASSW) nhằm tiếp nhận các chi viện, hỗ trợ chuyên môn để phát triển Công tác xã hội.