“Giải ảo” Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam

“Giải ảo” Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam

Giấy tờ tùy thân của Nguyễn Tường Tam, chẳng hạn thẻ căn cước số F13108 được cấp ngày 19/2/1951, ghi ngày sinh 1/2/1905. Website của Bộ Ngoại giao Việt Nam có kỷ yếu lãnh đạo, ghi nhận về Bộ trưởng Ngoại giao nước ta từ ngày 2/3 - 3/11/1946 là Nguyễn Tường Tam, bí danh Nhất Linh, sinh ngày 25/7/1905. Kỳ thực, Nhất Linh không phải bí danh mà là bút danh và Nguyễn Tường Tam chào đời muộn hơn.

Nguyễn Thị Thế đã viết "Hồi ký họ Nguyễn Tường" (NXB Sóng, Sài Gòn, 1974) cho rằng anh ruột mình là Nhất Linh từng làm lại giấy khai sinh nhằm đủ tuổi dự thi, chứ chính xác thì Nguyễn Tường Tam lọt lòng năm Bính Ngọ 1906. Con trai của Nguyễn Tường Tam là Nguyễn Tường Thiết, tác giả hồi ký "Nhất Linh, cha tôi" (NXB Văn Việt, California, 2006; NXB Phụ Nữ Việt Nam tái bản, Hà Nội, 2020), trong bài "Hai vẻ đẹp của cha tôi" đăng trên tạp chí Văn Hóa Nghệ An 21/9/2012, cước chú: "Nguyễn Tường Tam sinh ngày 25/7/1906 nhưng bởi muốn đủ tuổi để đi thi, ông đã làm lại giấy khai sinh tăng thêm 1 tuổi, do đấy trên giấy tờ ghi ngày sinh là 1/2/1905".

Tuổi không thật, tên rất… long lanh

Ông Nguyễn Tường Chiếu, tên khác là Nhu, từng làm Thông phán Tòa sứ Pháp tại Lào nên thường được gọi Phán Nhu, kết hôn với bà Lê Thị Sâm, sinh 7 con nơi huyện Cẩm Giàng, tỉnh Hải Dương. 7 con ấy gồm 6 trai, 1 gái, với năm sinh trong đôi ngoặc đơn ghi theo hồi ký vừa dẫn của Nguyễn Thị Thế:

1. Nguyễn Tường Thụy (Quý Mão 1903)

2. Nguyễn Tường Cẩm (Giáp Thìn 1904)

3. Nguyễn Tường Tam (Bính Ngọ 1906)

4. Nguyễn Tường Long (Đinh Mùi 1907)

5. Nguyễn Thị Thế (Kỷ Dậu 1909)

6. Nguyễn Tường Vinh (Canh Tuất 1910)

7. Nguyễn Tường Bách (Bính Thìn 1916)

Tên 7 anh chị em ghép lại thành "Thụy Cẩm Tam Long Vinh Bách Thế" mang nghĩa 3 con rồng bằng gấm vóc vẻ vang muôn thuở. Thêm kỳ thực nữa: Nguyễn Tường Tam sáng tác truyện đầu tay "Nho phong" năm 1924 mới nghĩ ra chuỗi tên tiếng Hán "hơi bị" long lanh vậy.

Nhất Linh là con thứ 3 nên mang tên Tam, chứ ở Nam Trung Bộ gọi Bốn, còn Nam Bộ gọi Tư.

Đứa con kế tiếp, ông Phán Nhu định gọi Tứ, nhưng ngại trùng tên bạn mình, bèn đặt tên Tư, sau mới đổi thành Nguyễn Tường Long tức nhà văn Hoàng Đạo.

Cô con gái thoạt mang tên Năm, chuyển ra Nguyễn Thị Thế.

Tiếp theo là Sáu cần thi bằng Thành chung, thiếu tuổi, phải tăng năm sinh với họ tên Nguyễn Tường Vinh, sau đổi nữa ra Nguyễn Tường Lân tức nhà văn Thạch Lam.

“Giải ảo” Nhất Linh/ Nguyễn Tường Tam ảnh 1
Nhất Linh thổi hắc tiêu / clarinette / clarinet. Ảnh: Lê Văn Kiểm

Với sự nghiệp giáo dục

Hà Nội có Collège du Protectorat / trường Thành chung Bảo hộ, do Pháp thành lập năm 1908, vì ở vùng Kẻ Bưởi nên dân chúng quen gọi trường Bưởi; nay là Trường THPT Chu Văn An. Năm 1923, tốt nghiệp trường Bưởi xong, Nguyễn Tường Tam lấy vợ, đoạn học trường Y năm 1924, học trường Mỹ thuật năm 1925, nhưng mỗi trường chỉ học thời gian ngắn rồi bỏ.

Giai đoạn 1927 - 1930, Nguyễn Tường Tam du học Pháp, hoàn tất chương trình cử nhân khoa học giáo khoa chuyên ngành lý hoá, đồng thời còn quan tâm nghiên cứu thêm về báo chí và xuất bản.

Liciencié ès-science d'enseignement / cử nhân khoa học giáo dục Nguyễn Tường Tam hồi hương, liền giảng dạy vật lý và hóa học tại 2 trường Trung học tư thục Thăng Long và Gia Long ở Hà Nội.

Giai đoạn đó, Nguyễn Tường Tam hoạt động đa dạng, sung sức, hiệu quả. Không chỉ giảng dạy và lãnh đạo trường Thăng Long, Nguyễn Tường Tam còn làm giám đốc tuần báo Phong Hóa, sáng lập và điều hành Tự Lực Văn Đoàn, mở nhà xuất bản rồi nhà in Đời Nay, sáng tác truyện ngắn và truyện dài, lại vẽ nữa.

Cây cọ tài hoa

Một tranh màu nước trên lụa, kích cỡ 51x92cm, ký Tam, nhan đề "Cảnh phố chợ Đông Dương / Scène de Marché de rue Indochinois / Street Market Scene in Indochina" xuất hiện trên sàn đấu giá "Modern and Comtemporary Southeast Asian Paintings / Tranh Đông Nam Á hiện đại & đương đại" do Sotheby’s Hong Kong tổ chức ngày 4/10/2010. Tên tác giả cùng năm sinh & mất được ghi rõ "Nguyen Tuong Tam (1905-1963)", lại còn giới thiệu là "Nhat Linh", người sáng lập "Tu Luc Van Doan / Groupe Littéraire Autonome", lần đầu tiên có họa phẩm trên thị trường quốc tế.

Tranh "Cảnh phố chợ Đông Dương"được phỏng đoán niên đoạn vẽ vào các năm 1926-1929, có giá khởi điểm là 200.000~250.000HKD, rồi giá gõ búa những 596.000HKD hối đoái cỡ 75.000USD.

Trong bài "Hai vẻ đẹp của cha tôi", Nguyễn Tường Thiết bình luận: ""Cảnh phố chợ Đông Dương" với màu sắc ấm cúng và tinh tế, với đường nét duyên dáng trên vải lụa thanh tú đã thể hiện hết vẻ đẹp tuyệt vời của tranh lụa vốn là nét độc đáo của trường Mỹ thuật Hà Nội. Mô tả cảnh sinh hoạt rộn rịp của một ngôi chợ điển hình Nam Bộ, với đàn bà và trẻ con làm chủ điểm, bức tranh cho thấy sự lưu tâm của người nghệ sĩ đối với đời sống xã hội, và có lẽ nó hé mở cho thấy tương lai của ông sau này là người rất nhậy cảm [sic!] trước những biến chuyển về xã hội cũng như về văn hóa của đất nước ông".

Dẫu ở đâu, làm gì, Nguyễn Tường Tam vẫn luôn đam mê hội họa. Các tranh "Cúc xưa"(1948), "Cathédrale de Bourges / Giáo đường Bourges" (1954), "Lan Thanh Ngọc" (1957),"Quả lựu" (1957), "Phong cảnh Đà Lạt" (1958)... kể cả biếm họa, mà người vẽ ký Đông Sơn hoặc Nhất Linh bằng chữ Hán hoặc chữ quốc ngữ, nhiều bức đã công bố trên báo, có bức in bìa, có bức in phụ bản màu, gây ấn tượng thị giác đặc trưng.

Thiển nghĩ rằng, không chỉ là nhà giáo, nhà báo, nhà văn, mà Nhất Linh / Nguyễn Tường Tam còn là họa sĩ.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ