Biến chủng SARS-CoV-2 là “kẻ thù” của vắc-xin?

GD&TĐ - Chủng virus mới B117 (VUI 202012/01) có sự thay đổi diễn ra ở protein cầu gai. Dựa vào yếu tố này, chủng virus mới được dự đoán là có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin.

Cầu gai của chủng B117 có thể ảnh hưởng tới hiệu quả vắc-xin. Ảnh minh họa.
Cầu gai của chủng B117 có thể ảnh hưởng tới hiệu quả vắc-xin. Ảnh minh họa.

“Truy vết” biến thể mới

Vừa qua, tại cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo, các bộ, ngành đã thảo luận về giải pháp quản lý chặt chẽ người nhập cảnh, siết chặt phòng chống dịch trong nước. Động thái này được đưa ra trong bối cảnh biến thể mới của virus SARS-CoV-2 xuất hiện ở Anh.

Theo báo cáo của Bộ Y tế, dịch bệnh vẫn diễn biến phức tạp trên thế giới, gia tăng mạnh tại Mỹ, một số quốc gia châu Á và các quốc gia khu vực châu Âu.

Biến thể mới của virus SARS-CoV-2 vừa được phát hiện tại Anh. Nhiều quốc gia châu Âu và một số quốc gia khu vực châu Á như Philippines, Nhật Bản, Hàn Quốc và Hồng Kông (Trung Quốc) đã cấm các chuyến bay đến từ Anh.

Ông Hoàng Minh Đức - Phó Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng cho biết, tới nay, chưa có kết quả xét nghiệm phát hiện biến thể mới của virus SARS-CoV-2 từ những ca bệnh là người nhập cảnh hợp pháp vào Việt Nam.

Những nghiên cứu ban đầu cho thấy, thời gian ủ bệnh của người nhiễm biến thể mới ngắn hơn, khởi phát sớm hơn, khả năng bám dính bề mặt lớn hơn... Tuy nhiên, chưa có dấu hiệu về biến thể mới tồn tại lâu hơn, gây triệu chứng bệnh nặng hơn.

Trước tình hình này, Ban Chỉ đạo yêu cầu các viện nghiên cứu nhanh chóng lấy mẫu bệnh phẩm của các bệnh nhân Covid-19 gần đây. Đồng thời phối hợp đối tác bên ngoài. Nhờ đó, làm rõ biến thể mới của virus SARS-CoV-2 đã vào Việt Nam chưa.

Điều được dự đoán trước

Trưa ngày 29/12, T.S.K (nam) - người đi chung nhóm với BN1440 và 1451 đã có kết quả dương tính với SARS-CoV-2. Trước đó, nhóm người này được phát hiện nhập cảnh trái phép từ Myanmar vào Việt Nam. Bệnh nhân mới được phát hiện tại nhà trọ ở phường Long Bình, Quận 9 (TPHCM). 
Đến nay, 15 ca tiếp xúc gần F1 (gồm 1 chủ nhà trọ và 14 người làm chung xưởng cơ khí), đều có kết quả xét nghiệm lần 1 âm tính. TPHCM đã phong tỏa khu nhà trọ và xưởng cơ khí tại đường Nguyễn Xiển. Ngành Y tế thành phố cùng chính quyền địa phương tiếp tục truy vết, khoanh vùng địa điểm bệnh nhân từng đến.
Trung tâm Kiểm soát Dịch bệnh TPHCM khuyến cáo người dân không chủ quan, lơ là. Tuy nhiên, không hoảng loạn trước tình hình dịch bệnh. Bên cạnh việc tăng cường thực hiện các biện pháp phòng bệnh, cần cảnh giác các trường hợp nhập cảnh trái phép. 

Theo PGS.TS Trần Huỳnh tại Đại học Y khoa California Northstate (Mỹ), SARS-CoV-2 là loại virus + RNA. Đây là họ virus có kích cỡ to (kích cỡ 30kb), bên trong chứa một chuỗi gen di truyền (chuỗi đơn) RNA gồm mũ 5’ và đuôi 3’. Khi vào trong tế bào, virus SARS-CoV-2 dùng chuỗi gen RNA này kết hợp với các protein trong tế bào chủ để sản sinh ra protein mới (vỏ virus mới, S spike protein mới...) và tiếp tục nhân bản.

“Chính vì là chuỗi di truyền đơn RNA, nên cấu trúc virus SARS-CoV-2 không ổn định, rất dễ bị thay đổi sau nhiều tỉ lần sao chép và nhân bản qua hàng triệu tế bào. Vì vậy, sự dị biến của các virus họ RNA thường được dự đoán sẽ xảy ra”, chuyên gia nhận định.

PGS Huỳnh lấy dẫn chứng, các phân tích từ Viện Mã gene Covid-19 của Anh Quốc cho thấy, chủng virus mới B117 (VUI 202012/01) có một số điểm nổi bật khác. Chủng này có sự thay đổi ở 23 mã gen, dẫn đến cấu trúc 4 protein thay đổi trong cấu tạo virus. Điểm nguy hiểm là, chủng này có sự thay đổi diễn ra ở protein cầu gai. 

“Nhân tố” nguy hiểm

Cầu gai là điểm kết nối để virus SARS-CoV-2 bám vào bề mặt tế bào. Do đó, sự thay đổi cấu trúc này có thể ảnh hưởng đến khả năng xâm lấn vào cơ thể, cũng như khả năng lây nhiễm virus.

“Trong trường hợp này, chủng virus có thể xâm lấn tế bào nhanh hơn, dẫn đến lây nhiễm mạnh hơn. Có một số bài ước tính tỉ lệ lây nhiễm là 70%. Tuy nhiên, thực tế, khó để ước lượng cụ thể. Tần suất xuất hiện của chủng mới này nhiều hơn chủng cũ, như cách mà chủng D416G từng xuất hiện”, PGS Huỳnh cho biết.

Độc lực của virus thường dựa vào 4 yếu tố là: Khả năng nhân đôi của virus; Khả năng ảnh hưởng đến phản ứng của hệ miễn dịch với virus; Khả năng phát tán virus khắp cơ thể và lây lan; Khả năng tạo ra chất độc ảnh hưởng đến cơ thể.

Các nghiên cứu cho thấy, chủng virus mới này chưa gây bệnh khác hay gây bệnh nặng hơn.

“Dựa vào những thay đổi ở cầu gai của protein, chủng virus mới có thể ảnh hưởng đến hiệu quả của vắc-xin”, PGS Huỳnh cảnh báo.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng, vắc-xin của Pfizer/BioNTech sẽ vẫn hiệu quả. Bởi, chủng virus mới B117 có protein cầu gai giống 99% protein chủng virus hiện tại.

“Vì vậy, chúng ta cần tiêm vắc-xin trước khi chủng B117 chiếm phần lớn lây nhiễm toàn cầu. Nếu chủng mới này tiếp tục phát triển, chiếm một phần quan trọng trong tỉ lệ virus SARS-CoV-2 toàn cầu, các nhà sản xuất có thể dùng gen của chúng để tạo vắc-xin mới phù hợp. Đây là điểm hay của vắc-xin mRNA, khi chúng ta có thể thay đổi cấu trúc gen để phù hợp với loại virus”, PGS Huỳnh lý giải.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ