Tuy nhiên, tân Tổng thống Marcos Jr mới lên nhậm chức đang hy vọng sớm tạo ra đột phá về ngành công nghiệp này.
Philippines vốn là một trong những nước đang phải chịu ảnh hưởng rõ nét từ cuộc khủng hoảng lương thực do đại dịch Covid-19 và chiến sự Nga - Ukraine. Trong bối cảnh đó, tân Tổng thống Ferdinand Marcos Jr, người cũng kiêm nhiệm Bộ trưởng Nông nghiệp đang cố gắng giải quyết 3 vấn đề trong nền an ninh lương thực gồm tự cung tự cấp, tính sẵn có và khả năng tiếp cận.
Tính tự cung tự cấp có nghĩa là một quốc gia có thể sản xuất đủ lương thực và không phụ thuộc vào các nguồn bên ngoài để cung cấp cho nhu cầu cơ bản của dân số. Philippines mặc dù có một nửa dân số phụ thuộc trực tiếp hoặc gián tiếp vào ngành nông nghiệp nhưng vẫn phải nhập khẩu gạo, thủy sản và các mặt hàng lương thực cơ bản khác do nguồn cung trong nước chưa đủ đáp ứng nhu cầu.
Trong bối cảnh đó, ngành trồng dừa thu hoạch quả của Philippines được kỳ vọng có thể phát triển và đóng góp tích cực hơn nữa vào an ninh lương thực của nước này. Philippines hiện có 3,5 triệu ha đất trồng dừa, phần lớn diện tích này có thể được sử dụng cho sản xuất lương thực nhằm tăng cường khả năng tự cung tự cấp lương thực.
Trong đó, 70% các trang trại trồng dừa tại Philippines thích hợp để trồng xen canh. Điều này có nghĩa là sẽ có thêm 1,8 triệu ha đất để trồng trọt, chăn nuôi gia cầm và gia súc. Nhiều loại cây trồng khác nhau như rau, chuối và cây ăn củ có thể được trồng dưới những cây dừa để tăng thêm nguồn cung cấp lương thực.
Người dân trồng dừa cũng có thể chăn nuôi gia cầm và gia súc, trồng ca cao, cà phê, dứa và các loại cây có giá trị cao khác để nâng cao thu nhập. Việc trồng xen canh không chỉ cải thiện sản lượng lương thực, mà còn tăng thu nhập. Khi thu nhập tốt hơn thì khả năng tiếp cận nguồn cung cấp thực phẩm của người dân sẽ được cải thiện.
Cải thiện năng suất và gia tăng giá trị cũng là những chiến lược nâng cao thu nhập dành cho nông dân trồng dừa. Ngành công nghiệp dừa tại Philippines sẽ vững vàng hơn khi được phát triển theo hướng chế biến sâu. Các loại thành phẩm từ dừa cũng có giá tốt hơn so với nguyên liệu thô như hóa chất, sản phẩm chăm sóc cá nhân, dầu dừa, cơm dừa, bột dừa, nước cốt dừa…
Tuy Philippines đã hội đủ các điều kiện cần có để có thể biến ngành trồng dừa thành một nền công nghiệp giá trị cao, nhưng để điều này trở thành hiện thực thì đòi hỏi chính quyền của tân Tổng thống Marcos Jr rất nhiều nỗ lực. Trong đó cần xây dựng được một tầm nhìn mới đầy cảm hứng cho ngành công nghiệp dừa.
Trên thực tế, ngay từ trong nhiệm kỳ đầu tiên của cha vị Tổng thống hiện nay là ông Ferdinand Marcos vào năm 1968 đã đưa ra một tầm nhìn công nghiệp hóa cho ngành dừa. Điều này được tiếp nối vào năm 1971, bằng việc thông qua Đạo luật Cộng hòa số 6260 còn được gọi là Đạo luật Đầu tư Dừa.
Từ năm 1973 trở đi, một loạt sắc lệnh của tổng thống cũng đã tạo ra các biện pháp thúc đẩy phát triển ngành công nghiệp dừa ở Philippines. Tuy nhiên, kế hoạch đã thất bại khi những người thực hiện đánh mất tầm nhìn ban đầu trong chiến lược này. Do đó, ngay sau khi nối nghiệp cha, tân Tổng thống Philippines Marcos Jr lập tức muốn biến giấc mơ về nền công nghiệp dừa của cha mình thành hiện thực.