Không chỉ giỏi nữ công gia chánh, chị còn là giám đốc của một công ty có tiếng. Tôi kể cho chị nghe về hoàn cảnh của tôi. Chị kể cho tôi nghe về công việc và cuộc sống của chị.
Và điều tuyệt vời tôi học được từ chị chính là “Thành công không phải là cuối cùng, thất bại không phải là chấm hết, chỉ có lòng dũng cảm tiếp tục, không bỏ cuộc mới là điều giá trị” (Winston Churchill).
Để có được thành công trong đời, mỗi người thường phải trải qua những lần thất bại. Thất bại được hiểu là khi chúng ta không đạt được mục tiêu, dự định, nguyện vọng, kết quả như bản thân đặt ra.
Thế nhưng, có lẽ đó là suy nghĩ của những người cho rằng “mình là kẻ thất bại” hoặc “mình không thể” để rồi “bản thân tự cho phép mình dừng lại”.
Nếu “Mỗi khi bạn phải chịu lùi bước hay thất vọng, hãy cúi đầu và đi tiếp về phía trước” (Les Brown) thì chắc chắn rằng, chúng ta sẽ thấy giá trị của những thất bại mà mình đã trải qua quan trọng biết nhường nào.
Trên hành trình cuộc đời, nếu như không có thất bại, chúng ta sẽ không bao giờ nắm giữ được thành công. Cuộc sống không đơn giản chỉ toàn màu hồng. Đó còn là mồ hôi, nước mắt; là bao chông gai, vấp ngã... Bởi vậy, nếu có thất bại cũng là điều dễ hiểu.
Thế nhưng sau thất bại, con người sẽ có thêm nhiều lựa chọn; sẽ trưởng thành, chín chắn hơn trong suy nghĩ, lời nói, việc làm; sẽ biết sống thực tế hơn. “Để thành công, bạn phải sẵn lòng thất bại”. Bởi, thất bại chính là chìa khóa giúp mỗi người mở ra cánh cửa bước tới thành công cho chính mình.
Thất bại giúp mỗi người trở nên mạnh mẽ và kiên cường, tôi luyện cho con người bản lĩnh, ý chí bền bỉ, cứng cỏi. Đa phần những người thành công đều trưởng thành qua đôi ba lần thất bại.
Thay vì tự ti, mặc cảm; thay vì yếu lòng, mất niềm tin, họ tự mình đứng dậy. Thất bại sẽ chỉ lối, sẽ tiếp sức cho khát khao, ước mơ của họ đủ lớn để vững vàng đương đầu với thử thách, khó khăn, với sai lầm, vấp ngã; để cuộc sống mỗi người càng thêm trọn vẹn và ý nghĩa.
Benjamin Franklin thật chí lý khi nói: “Tôi không thất bại, tôi chỉ tìm ra một trăm cách làm sai thôi”. Thật vậy. Thất bại giúp mỗi người có cơ hội nhận thức và hiểu thêm về bản thân, thấy được điểm mạnh, điểm yếu của chính mình.
Từ đó, mỗi người sẽ phát huy những mặt mạnh, hạn chế những sai lầm, khiếm khuyết; sẽ có những quyết định, ngã rẽ, bước ngoặt mới cho riêng mình.
Thất bại trong cuộc sống là cần thiết, bởi nó giúp mỗi người có cái nhìn, suy nghĩ đúng về bản thân, không ảo tưởng và phiến diện để từ đó có thể thay đổi bản thân theo chiều hướng tích cực.
Đứng trước những việc mới, việc khó, đôi khi con người ta thường nản lòng, đau khổ rồi tự bằng lòng chấp nhận thất bại. Thế nhưng, một khi bạn đã làm được bằng chính sự quyết tâm, nỗ lực thì bạn mới nhận ra “Điều có thể tại sao không thể”.
Thất bại là cách mỗi người đặt hi vọng vào một tương lai tươi sáng. Bản chất của cuộc sống là không ngừng thay đổi, nên khi thất bại, thay vì hỏi “tại ai”, chúng ta hãy hỏi “vì sao”.
Tuy nhiên, vẫn còn nhiều người đã trở thành nô lệ của thất bại, hễ gặp thất bại là liền suy sụp, là dễ dàng từ bỏ. Nếu cố gắng, có chăng chỉ là nửa vời rồi cuối cùng chấp nhận đầu hàng trước thất bại.
Trong cuộc sống, thất bại với mỗi người không phải là điều tồi tệ mà luôn có những giá trị riêng. “Chỉ những người dám thất bại mới đạt được thành công lớn” (Robert Kennedy).
Chỉ những ai dám thừa nhận và học hỏi từ chính sai lầm, dám tin tưởng và nỗ lực, dám quyết đoán, tích cực và không bao giờ bỏ cuộc thì mọi thất bại sẽ luôn là khởi nguồn của những thành công.