Dòng họ Nguyễn thôn Cựu Hào, xã Vĩnh Hào (Vụ Bản, Nam Định) là một trong những gia tộc khoa bảng nổi tiếng, có truyền thống thi thư với những ông Tú, cụ Cử và những vị đại khoa được ghi danh sử sách.
Người xưa có câu “Đông Cổ Am, Nam Hành Thiện”, tức ở xứ Đông vùng Hải Phòng có làng Cổ Am học giỏi, Sơn Nam Hạ vùng Nam Định có làng Hành Thiện nức tiếng. Nếu như làng Hành Thiện vẻ vang với khoa bảng họ Đặng, thì Nam Định còn một dòng họ nổi danh không kém – họ Nguyễn Cựu Hào.
Dòng họ khoa bảng, ngự y
Cựu Hào là ngôi làng cổ, tương truyền có từ thời Vua Hùng dựng nước với cái tên là Kẻ Sặt. Đến thời Lê trung hưng, Cựu Hào đã nổi danh khắp trấn Sơn Nam Hạ bởi có nhiều người đỗ đạt cao. Trong số các dòng họ có nhiều đóng góp trên bảng vàng khoa danh, phải kể đến dòng họ Nguyễn đủ cả tiến sĩ, cử nhân, tú tài và ngự y.
Dòng họ Nguyễn thôn Cựu Hào khởi nguồn từ cụ Thủy tổ thụy Pháp Chính từ vùng Kẻ Mơ - Hoàng Mai ngoại thành Thăng Long về đây khai cơ lập ấp. Trải qua thời gian dài phát triển, dòng họ Nguyễn đã sinh ra nhiều bậc hiền tài, nhiều vị quan thanh liêm, nhà khoa bảng có nhiều công lao.
Nguyễn Xưởng được coi là người khai khoa cho dòng họ khi thi đỗ Cử nhân vào năm 1786, sau làm quan trải qua các chức Tả mạc trấn Kinh Bắc, Huấn đạo phủ Thiệu Thiên (Thanh Hoá).
Cử nhân Nguyễn Xưởng sinh được 6 người con trai, 3 người con gái. Một người con gái được nhà vua ban cho tên là Liên Hoa công chúa, là tổ cô của dòng họ. Từ đây, dòng họ được phân chia thành 6 chi ngành. Trong số các con trai của cụ, nổi tiếng có Nguyễn Truyền được tôn xưng là danh y đương thời.
Năm Canh Thân 1888, nhà vua bị bệnh hiểm nghèo, nghe tin họ Nguyễn Cựu Hào có người làm thuốc giỏi đã cho chiếu xuống vời vào cung. Cụ Định và 2 người con vào triều chữa khỏi bệnh cho nhà vua, triều đình muốn giữ cả 3 người ở trong cung, nhưng cụ đã thoái từ và cho con là Nguyễn Phối ở lại chữa bệnh cho hoàng tộc.
Năm 1888, vua Thành Thái phong cho cụ Nguyễn Phối là Điều Hộ, năm 1890 phong làm Ngự y.
Một người con trai nữa của Nguyễn Xưởng nổi tiếng không kém là Nguyễn Hoàn. Được sự dạy bảo của cha nên Nguyễn Hoàn vừa giỏi toán pháp, vừa thông y lý. Ông Hoàn kết hôn với bà Phạm Thị Thuý – con gái Cử nhân Huấn đạo Phạm Đình Dự và sinh ra Nguyễn Thuyên, Nguyễn Thành, Nguyễn Ngọc Đường.
Do từ nhỏ đã tiếp thụ nền giáo dục gia đình có nền nếp, có học vấn cao, gia đạo nghiêm khắc, ba anh em Nguyễn Thuyên đều đậu Tú tài nhiều khoa. Trong đó, Nguyễn Thành đậu Tú tài đến 7 lần, còn Nguyễn Ngọc Đường cũng đậu Tú tài đến 4 lần.
Nguyễn Thuyên đi thi Hương, ba khoá đều đậu Tú tài vào các năm Bính Tý (1816), Kỷ Mão (1819), Nhâm Ngọ (1822). Đến khoa thi Hương lần thứ tư năm Ất Dậu (1825) đời vua Minh Mạng, Nguyễn Thuyên đậu Cử nhân. Ông ra làm quan trải ba triều vua Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức và để lại nhiều giai thoại mà ngày nay, nhiều người vẫn nhắc tới.
Không chỉ đỗ đạt bảng vàng, họ Nguyễn Cựu Hào còn có người được phong ngự y. |
Làm quan gắn với sự học
Trong 25 năm làm quan, Nguyễn Thuyên đã có 17 năm dạy học. Năm 1834, ông được thăng Đốc học tỉnh Thanh Hoá, rồi Đốc học tỉnh Hà Tĩnh. Do có nhiều công lao trong hoạt động giáo dục nên đến năm 1837, Nguyễn Thuyên được phong Phụng nghi đại phu.
Khi vua Thiệu Trị lên ngôi, biết Nguyễn Thuyên là học quan có tài nên phong tặng Hàn lâm Thị giảng học sĩ, vời về kinh thành phong làm Giám sát ngự sử kiêm Tư nghiệp Quốc Tử Giám.
Ông vừa dạy học ở Quốc Tử Giám vừa trông coi việc học trong phủ hoàng tộc. Năm 1845, ông được kiêm chức Chưởng ấn kinh kỳ. Năm sau, Thiệu Trị thăng chức ông làm Tế tửu Quốc Tử Giám và đổi tên ông là Nguyễn Công Hợp.
Trải qua 17 năm dạy học, Nguyễn Thuyên đã góp công đào tạo nhiều nhân tài cho đất nước. Trong đó, phải kể đến Thám hoa Phan Thúc Trực, Nguỵ Khắc Đàn, Đặng Văn Kiều. Các Tiến sĩ Bùi Thúc Kiên, Trần Huy Côn, Đặng Huy Trứ, Ngô Phùng, Đặng Văn Bá...
Vì có công lao lớn trong việc đào tạo nhân tài, vua Tự Đức mến mộ cho phép Nguyễn Thuyên mặc đại triều phục để học trò làm lễ Khánh thọ ông 60 tuổi. Vua còn ban tặng ông khánh vàng, tự tay đề từ hai bức đại tự “Kính Trai”, “Nghĩa Phương” (Kính trọng thay sự thanh bạch giản dị, đẹp đẽ thay sự nhân nghĩa).
Năm Tự Đức thứ 3 (1850) nhà vua cử ông ra Hà Nội làm giám khảo cuộc thi Hương ở trường Hà. Sau chuyến đi Hà Nội về, sức khoẻ của ông giảm sút. Ông xin cáo quan về trí sĩ. Mãi hai năm sau (1852), biết không giữ được, Tự Đức phải đồng ý ban cho nguyên hàm về trí sĩ tại quê nhà.
Ngày 13 tháng 7 năm Quý Sửu (1853), ông qua đời ở tuổi 64. Vua Tự Đức thương tiếc, ban sắc chỉ phong Nguyễn Thuyên làm “Trung thuận đại phu Quốc Tử Giám Tế tửu tán trị Doãn Nguyễn Hầu”. Hàng trăm học trò đang làm quan trong triều, ngoài hạt đều về dự lễ tang, đưa tiễn thầy.
Để ghi nhớ công ơn thầy, học trò đã xây dựng từ đường, sớm hôm thờ phụng một bậc sư biểu. Năm 1858, từ đường xây dựng xong, Bảng nhãn Tế tửu Quốc Tử Giám Vũ Duy Thanh (người làng Vân Bồng, huyện Yên Khánh, Ninh Bình), cũng là người kế nhiệm Nguyễn Thuyên ra dự lễ khánh thành và viết văn bia cho từ đường.
Văn bia ca ngợi ông là một bậc đại sĩ phu không màng danh lợi, chỉ chuyên tâm dạy học, suốt đời sống thanh liêm, giản dị, vui với đạo học, dạy học trò thành đạt.
Bài văn có đoạn viết: “Do có bệnh mà xin nghỉ hưu, mặc dù tuổi nghỉ hưu chưa đến, vẫn không tiếc. Tiên sinh thường vui vẻ chuyện trò, không hề bận tâm đến việc đua tranh với đời chỉ chú trọng đến việc dạy học, hết sức chăm lo việc đó, còn lại coi nhẹ hết.
Điều tiên sinh ham muốn nhất, chính là bỏ được tính buồn bã (u sầu), cái mà người đời thường cho là lạnh nhạt. Tiên sinh suốt đời vui vẻ, không nói nhiều về đạo quân tử, mà thường ngày sống kiệm cần thanh bạch cho đến chết, nhà không chút của cải, chết nhẹ nhàng như Phiên Hầu Hi Tăng”.
Theo ghi chép của dòng họ Nguyễn tộc lục chi ở thôn Cựu Hào, Tế tửu Nguyễn Thuyên có 4 người con đều đỗ Tú tài là: Nguyễn Khâm, Tú Đoán, Tú Tương và Ấm Thừa. Ông cũng có người cháu gọi bằng ông họ là Nguyễn Văn Tính đỗ Tiến sĩ khoa thi Tân Sửu (1901) năm Thành Thái thứ 13.
Khu lăng mộ Nguyễn tộc lục chi ở Vụ Bản (Nam Định). |
Ông cha hiếu học, con cháu thành danh
Nguyễn Văn Tính sinh năm 1860, được đánh giá là người có tư chất thông minh, tính ham học hỏi nên đã đỗ loại ưu kỳ thi Hương năm 1890, được đặc cách qua kỳ thi Hội vào dự thi Đình. Đến năm 1901, ông đỗ trong kỳ thi Đình cùng 8 vị Tiến sĩ và Phó bảng, trong đó có nhà yêu nước Phan Chu Trinh, cụ Nguyễn Sinh Sắc - thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Thi đỗ điểm cao nên người kinh thành Huế gọi Nguyễn Văn Tính là “ông Tú Trạng” và được vua Nguyễn tặng biển gỗ sơn son thếp vàng có 4 chữ “Ấn tứ vinh quy”, tặng cờ vải đỏ chữ vàng ghi “Đệ tam giáp đồng tiến sĩ xuất thân”. Sau đó, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính được bổ nhiệm làm Hàn lâm viện Biên tu tại huyện Nam Sách (Hải Dương), rồi đến làm quan Đốc học tại Hải Phòng.
Năm 1907, Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính đã xin cáo quan về quê tham gia hoạt động phong trào Đông Kinh Nghĩa Thục, mở các lớp dạy học và chữa bệnh miễn phí cho dân, giúp người địa phương tăng gia sản xuất, đào mương dẫn thủy nhập điền, mở mang đường sá, chia lại ruộng đất cho công bằng.
Nguyễn Văn Tính nổi tiếng là nhà khoa bảng có kiến thức sâu rộng, am hiểu lịch sử, văn hay chữ tốt nên thường được mời viết bi ký, câu đối, đại tự cho các đền miếu. Ông cũng là tác giả của các tác phẩm: Thiên Bản lục kỳ ký, Thiên Bản diên cách chí, Minh kính chí...
Tại di tích kiến trúc nghệ thuật Phủ Dầy và một số ngôi đền, miếu, phủ trên địa bàn huyện Vụ Bản ngày nay và các làng xã lân cận còn lưu giữ khá nhiều văn bia, câu đối, bút tích do “ông Tú Trạng” đề soạn.
Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính sinh được 6 con trai và 2 con gái. Trong đó có AHLĐ – Giáo sư, Viện sĩ, thầy thuốc nhân dân Nguyễn Sỹ Lâm là người có công danh sự nghiệp hiển vinh nhất. Ông từng là đại biểu Quốc hội 3 khóa liên tục (khóa IV, V, VI); Nhà giáo Ưu tú Nguyễn Sĩ Nguyên; Giáo sư Nguyễn Sỹ Tế; Giáo sư Nguyễn Sỹ Phong; Thiếu tướng Nguyễn Sỹ Động.
Nhà khoa bảng Nguyễn Văn Tính mất vào tháng 4 năm Canh Ngọ (1930), hưởng thọ 70 tuổi. Từ đường Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính được xây dựng vào năm Tân Mùi (1931) theo kiến trúc chữ “nhất”, gồm 3 gian dựng bằng gỗ lim, nền lát gạch đỏ, mái lợp ngói nam, sau lại được trùng tu theo kiến trúc chữ “đinh”.
Hiện nay, tại từ đường còn lưu giữ được nhiều di vật, cổ vật có giá trị lịch sử, văn hóa, khoa học như sắc phong, bằng cấp, cờ, biển, câu đối, đại tự... có niên đại thời Nguyễn.
Đây là nguồn tư liệu vô cùng quý giá vừa để khẳng định công lao, sự nghiệp của các nhà khoa bảng họ Nguyễn Cựu Hào, vừa góp phần vào việc nghiên cứu, tìm hiểu về chế độ khoa bảng nho học trong lịch sử khoa cử Việt Nam.
Hàng năm tại từ đường Tiến sĩ Nguyễn Văn Tính, dòng họ Nguyễn Cựu Hào đều tổ chức các nghi lễ kỷ niệm ngày sinh, ngày mất của các nhà khoa bảng họ Nguyễn với các nghi thức trang trọng. Những hình thức sinh hoạt văn hoá, tín ngưỡng diễn ra tại từ đường không chỉ thể hiện truyền thống “uống nước nhớ nguồn”, tôn vinh, tưởng nhớ công lao của tiền nhân, mà còn góp phần giáo dục cho các thế hệ trẻ phát huy truyền thống khoa bảng, hiếu học của cha ông.