Trong tháng 10, Trung tâm đã tiếp nhận 18 trường hợp ngộ độc methanol. Phần lớn ca bệnh nói trên đều nặng và nhiều trường hợp tử vong.
Ngộ độc sau khi ăn thịt chó, uống rượu giả
TS.BS Nguyễn Trung Nguyên - Giám đốc Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai cho biết, sáng 3/11, Trung tâm Chống độc tiếp nhận một bệnh nhân nam (32 tuổi). Người này được chẩn đoán ngộ độc cồn công nghiệp methanol và chuyển từ tuyến dưới lên.
Bệnh nhân nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, đồng tử giãn, glasgow 7 điểm, huyết áp tụt. Xét nghiệm cho thấy, nồng độ methanol trong máu rất cao 141 mg/dL, nhiễm toan chuyển hóa nặng.
Kết quả chụp CT chỉ ra rằng, bệnh nhân hiện có tổn thương não rất nặng. Mặc dù đã được giải độc và cấp cứu theo phác đồ, nhưng do nhập viện muộn nên tiên lượng bệnh nhân rất nặng.
Theo lời kể của người nhà, 3 ngày trước đó, bệnh nhân mua rượu và thịt chó về ăn uống cùng ba người bạn ở phòng trọ. Đáng nói là, người này mua rượu ở một cửa hàng tạp hóa. Rượu không có nhãn mác hay nguồn gốc xuất xứ.
Sau đó một ngày, bệnh nhân xuất hiện đau đầu, nhìn mờ, mất ý thức (nói nhảm, gọi hỏi không thưa). Bệnh nhân được đưa vào tuyến tỉnh điều trị. Sau đó, được chuyển lên Trung tâm Chống độc, Bệnh viện Bạch Mai.
Theo BS Nguyên, đây là trường hợp ngộ độc cồn công nghiệp methanol do uống phải loại rượu giả, không rõ nguồn gốc trôi nổi trên thị trường. Mẫu rượu bệnh nhân uống được người nhà mang đến xét nghiệm. Kết quả cho thấy, hàm lượng methanol là 20,21%. Trong khi đó, hàm lượng ethanol chỉ là 11,42%.
Ba người cùng uống với bệnh nhân cũng có biểu hiện ngộ độc. Hai bệnh nhân hiện được theo dõi và điều trị tại Bệnh viện tỉnh Bắc Ninh. Trong khi đó, trường hợp còn lại đang được Trung tâm Chống độc vận động đến kiểm tra.
Mặc dù, các cơ quan y tế đã cảnh báo nhiều, nhưng tình trạng ngộ độc cồn công nghiệp methanol vẫn thường xuyên xảy ra. Theo thống kê, riêng tháng 10, Trung tâm Chống độc đã tiếp nhận nhiều bệnh nhân. Đồng thời, tiếp nhận các mẫu bệnh phẩm xét nghiệm cồn công nghiệp methanol từ các bệnh viện khác gửi tới.
Kết quả cho thấy, có tới 18 trường hợp được xác nhận ngộ độc cồn công nghiệp methanol. Phần lớn trường hợp này đều nặng và rất nhiều trường hợp đã tử vong.
Uống cồn y tế vì tưởng… an toàn!
Chia sẻ về vấn đề này, TS.BS Nguyễn Trung Nguyên nhận định, rất có thể, số lượng bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol trong thời gian gần đây đang tăng lên.
Tình trạng này xảy ra có thể do nhiều nguyên nhân. Tuy nhiên, chuyên gia cho rằng, nguyên nhân chủ yếu xuất phát từ 2 nguồn.
“Trước hết là do các loại rượu trôi nổi trên thị trường, không rõ nguồn gốc xuất xứ. Đó là rượu giả, được pha trộn cồn công nghiệp methanol. Một nguyên nhân khác là, có một số bệnh nhân uống cồn y tế. Bởi, họ nghĩ rằng cồn y tế an toàn. Tuy nhiên, những loại cồn y tế này không đảm bảo. Loại cồn này cũng được sản xuất, đóng chai từ cồn công nghiệp methanol. Và đó cũng là nguyên nhân gây ngộ độc”, BS Nguyên nhấn mạnh.
Trước tình trạng này, BS Nguyên chia sẻ, đây là vấn đề về quản lý hóa chất, cũng như cồn công nghiệp methanol. Theo chuyên gia, do công tác quản lý của chúng ta chưa chặt chẽ nên các hóa chất này tuồn vào tay kẻ xấu. Từ đó, hóa chất được đóng chai, lọ thành các loại rượu trôi nổi không rõ nguồn gốc. Tình trạng này khiến người dân uống phải và ngộ độc.
Thậm chí, cồn công nghiệp methanol cũng được đóng vào chai làm cồn sát trùng y tế. Vì vậy, người dân lầm tưởng rằng, cồn dùng trong y tế là an toàn nên uống được.
“Ở các nước phát triển, vấn đề quản lý cồn công nghiệp methanol rất rõ ràng, chặt chẽ. Người bình thường không thể tiếp cận được tất cả các sản phẩm này. Những sản phẩm như vậy được đóng chai, lọ có chất chỉ thị màu và hướng dẫn sử dụng rõ ràng”, BS Nguyên chia sẻ.
Bên cạnh đó, trong trường hợp có ý định uống cồn công nghiệp methanol để thay rượu, người nhà cũng sẽ dễ dàng phát hiện ra. Bởi, nhờ nhãn mác rõ ràng, họ sẽ biết đó là hóa chất không dùng để uống. Nhờ đó, đưa bệnh nhân đến viện cấp cứu ngay những giờ đầu tiên sau khi uống.
Đó là lý do BS Nguyên cho rằng, tiên lượng bệnh nhân sẽ tốt hơn rất nhiều so với các trường hợp nhập viện muộn như ở nước ta.
Theo các chuyên gia tại Trung tâm Chống độc, methanol vào trong cơ thể ngay sau uống cũng gây say giống rượu uống. Tuy nhiên, sau uống 1 - 2 ngày, methanol trong cơ thể âm thầm được chuyển thành axit formic rất độc.
Máu bị nhiễm axit, gây thở nhanh và sâu giống như khó thở. Ngoài ra, gây tổn thương mắt, thậm chí là mù, hoại tử não, phù não, hôn mê và dễ tử vong.
Tại nước ta, hầu hết bệnh nhân ngộ độc cồn công nghiệp methanol không biết là mình uống rượu giả. Ngoài ra, do biểu hiện ngộ độc chậm và âm thầm, nên phần lớn bệnh nhân nhập viện khi đã tổn thương não, mắt tử vong từ 30 - 50%. Khi đó, người bệnh có khả năng cao mù mắt, hoặc nguy hiểm hơn là tử vong.