'Gia tài khủng' của tiến sĩ trẻ

0:00 / 0:00
0:00

GD&TĐ - TS Nguyễn Lý Sỹ Phú gây ấn tượng với nhiều bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín thế giới (SCI Q1-2)...

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú (thứ 2 từ bên phải) trong một lần cùng cộng sự nước ngoài bàn luận cho dự án nghiên cứu của mình.
TS Nguyễn Lý Sỹ Phú (thứ 2 từ bên phải) trong một lần cùng cộng sự nước ngoài bàn luận cho dự án nghiên cứu của mình.

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên - ĐHQG TPHCM đã tạo được ấn tượng trong giới chuyên môn với 20 bài báo đăng trên các tạp chí chuyên ngành uy tín thế giới (SCI Q1-2). Anh là tác giả chính của hơn 70% công trình trong số đó.

Đam mê máy móc từ nhỏ

Giảng dạy trong trường đại học, tôi nhận thấy có đủ không gian để thực hiện hai điều mình thích đó là truyền thụ kiến thức và thỏa mãn sở thích tìm tòi, nghiên cứu. Do đó, mặc dù khi ra trường có nhiều công việc khác với mức lương hấp dẫn hơn nhưng tôi vẫn chọn nghề giáo. - TS Nguyễn Lý Phú Sỹ

Giản dị, thân thiện là những ấn tượng ban đầu khi tiếp xúc với tiến sĩ trẻ của Khoa Môi trường, Trường ĐH Khoa học Tự nhiên. Sinh năm 1988 tại Vĩnh Long, từ nhỏ, cậu học trò Sỹ Phú đã thừa hưởng nhiều đức tính tốt đẹp từ một gia đình trí thức.

Tuổi thơ của anh gắn liền với nhiều kỷ niệm đẹp, trong đó ấn tượng nhất là những ngày sống trọ trong nhà của người dì có tiệm sửa xe máy. Những ngày ấy, cậu học trò trường làng đã tỏ ra thích thú, quan sát mày mò nghiên cứu những món đồ sửa xe đến nỗi quên cả giờ đi học. “Lúc ấy tôi ước được đứng trên bục giảng như mẹ mình, thỏa niềm đam mê nghiên cứu và tìm tòi những hạnh phúc trong khoa học”, TS Phú chia sẻ.

Tốt nghiệp Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM, Sỹ Phú được giữ lại trường làm trợ giảng và nghiên cứu. Anh đã được các thầy cô ở Khoa Môi trường động viên tiếp tục theo đuổi con đường học vấn. Vì vậy, ngay sau khi hoàn thành chương trình thạc sĩ, anh tiếp tục tìm kiếm cơ hội để học chương trình tiến sĩ tại một trường đại học tốp đầu ở Đài Loan. Hơn 1 năm ròng, anh làm việc cật lực, hàng ngày đều đặn lên phòng nghiên cứu từ 8 giờ sáng và về lại phòng trọ lúc 2 giờ sáng hôm sau, kể cả những ngày cuối tuần.

Ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu là một hướng nghiên cứu không mới trên thế giới, tuy nhiên lại còn rất non trẻ tại Việt Nam và vấp phải những khó khăn nhất định. Nhưng với bản tính ham học hỏi, thừa hưởng gen học thuật và nghiên cứu từ ba mẹ, Nguyễn Lý Sỹ Phú đã cần mẫn, nghiêm túc với tác phong làm việc khoa học và đã đạt kết quả tốt và được bạn bè, đặc biệt là các giáo sư và đồng nghiệp ở Đài Loan đánh giá cao.

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú.

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú.

Sở hữu 20 bài báo quốc tế

Khi nhắc đến công trình nghiên cứu từng được đánh giá cao “Thủy ngân (Hg) trong bụi không khí tại TPHCM” được đăng trên tạp chí Chemosphere (IF = 8.943) năm 2022, TS Phú khiêm tốn cho biết đây là công trình được thực hiện chủ yếu bởi công sức của nhóm nghiên cứu tại Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM và quan trọng hơn hết là công trình này phục vụ cho TPHCM và Việt Nam. Đây cũng là nghiên cứu đầu tiên về Hg trong bụi không khí tại Việt Nam và Đông Nam Á.

“Thủy ngân trong bụi không khí (PBM) là mối quan tâm lớn trên toàn cầu do có khả năng lắng đọng cao và chuyển hóa đa dạng trong môi trường. Các nghiên cứu về PBM được tiến hành nhiều trên thế giới, tuy nhiên vẫn chưa được thực hiện tại Đông Nam Á mặc dù đây là khu vực có phát thải Hg vào không khí cao”, TS Phú nói.

Nghiên cứu của TS Phú và nhóm cung cấp thông tin quan trọng về ô nhiễm PBM và rủi ro sức khỏe do phơi nhiễm PBM đối với cư dân tại TPHCM. Thông tin về nguồn gốc của PBM góp phần hỗ trợ những chiến lược giảm thiểu ô nhiễm Hg nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong tương lai. Đây là một thành quả quan trọng, hiếm có với nhóm đề tài và với một tiến sĩ trẻ của Việt Nam.

Công trình nghiên cứu này tiến hành quan trắc nồng độ Hg trong bụi không khí (PM10) tại vị trí nội thị thuộc TPHCM, Việt Nam. Kết quả của nghiên cứu đã cho thấy rõ sự biến đổi nồng độ theo ngày/mùa và làm rõ cơ chế ảnh hưởng đến sự biến đổi. Ngoài ra, bằng cách kết hợp với dữ liệu về nồng độ các kim loại nặng và thời tiết, nghiên cứu đã chứng minh được rằng cả nguồn phát thải trực tiếp do hoạt động dân sinh và gián tiếp (chuyển hóa hóa học trong môi trường) đều đóng góp đến PBM tại TPHCM. Nghiên cứu đồng thời đánh giá rủi ro về sức khỏe của cư dân đô thị thông qua việc phơi nhiễm PBM, cung cấp thông tin về tác động của Hg đến con người tại khu vực.

Công trình nghiên cứu cho thấy tính ứng dụng thực tiễn cao. Cung cấp thông tin quan trọng về ô nhiễm PBM và rủi ro sức khỏe do phơi nhiễm PBM đối với cư dân tại TPHCM. Thông tin về nguồn gốc của PBM góp phần hỗ trợ những chiến lược giảm thiểu ô nhiễm Hg nói riêng và ô nhiễm không khí nói chung trong tương lai.

“Một đề tài khoa học chỉ có thể ra đời sau những năm tháng nhất định kể từ khi bắt đầu nghiên cứu cho đến khâu trả lời phản biện. Và để có một bài báo SCI Q1-2, người nghiên cứu phải đọc rất nhiều bài báo SCI Q1-2 khác, tham dự nhiều hội nghị quốc tế để tiệm cận với tri thức mới và đeo đuổi chuẩn mực quốc tế trong nghiên cứu. Nhưng quan trọng nhất vẫn là niềm đam mê nghiên cứu. Có niềm đam mê sẽ vượt qua được mọi rào cản”, TS Phú chia sẻ.

Tính đến năm 2022, Sỹ Phú sở hữu tổng cộng 20 bài báo quốc tế uy tín được thế giới đánh giá cao. Dù thế, niềm vui lớn lao hơn với vị tiến sĩ này là giúp những sinh viên, nghiên cứu sinh, học viên cao học đạt được thành công trong nghiên cứu.

TS Sỹ Phú hiện là thành viên và nhà nghiên cứu của mạng lưới quan trắc thủy ngân Châu Á, Thái Bình Dương; Mạng lưới quan trắc thủy ngân toàn cầu bằng MerPAS của Canada; Mạng lưới quan trắc bụi mịn PM2.5@Asia, Đài Loan. Công việc này tốn rất nhiều thời gian nhưng anh vẫn quyết tâm tham gia để mở rộng hợp tác quốc tế trong nghiên cứu khoa học.

“Tôi luôn quan niệm và tự nhủ với mình rằng, trên chuyến tàu tri thức, ai cũng háo hức bước lên ở ga đầu nhưng muốn đến được ga cuối thì hành khách phải có dũng khí rất lớn. Hành trình đó không phải chỉ là đạt được học vị tiến sĩ mà còn phải phát huy, truyền thụ, mở rộng những tri thức mình lãnh hội sâu hơn, rộng hơn để đào tạo ra nhiều hơn những thế hệ nhà khoa học có chất lượng và có tầm phục vụ đất nước trong tương lai”, TS Sỹ Phú cho biết.

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú (đứng giữa) và nhóm nghiên cứu làm việc cùng chuyên gia từ NIC, Nhật Bản.

TS Nguyễn Lý Sỹ Phú (đứng giữa) và nhóm nghiên cứu làm việc cùng chuyên gia từ NIC, Nhật Bản.

Hạnh phúc giản đơn

Dù thành công trong vai trò nghiên cứu, nhưng dạy học mới là niềm hạnh phúc lớn nhất của Nguyễn Lý Sỹ Phú, vì anh được tiếp nối ước mơ từ nhỏ. Sau gần 12 năm gắn bó với nghề và trường, Sỹ Phú đã nhận được rất nhiều từ nghề đã chọn, đó là những mối quan hệ tốt, đồng nghiệp và sinh viên của mình. Với anh, nghiên cứu là một phần quan trọng với giảng viên. Nghiên cứu giúp công việc giảng dạy tốt hơn và anh luôn nỗ lực để bài giảng mỗi môn học qua các năm đều mới mẻ.

Vị tiến sĩ trẻ vẫn đầy cảm giác tự hào, xúc động vì những lần nhận được cuộc điện thoại lúc nửa đêm từ một sinh viên báo tin tìm ra hướng mới cho bài nghiên cứu. Anh thổ lộ: “Ngày xưa, khi còn là sinh viên, thầy cô thường ví nghề dạy học như những người đưa đò. Mình nghe nhiều nhưng chưa hiểu hết ý nghĩa sâu xa của câu nói. Nhưng đến khi hướng dẫn sinh viên làm quen với nghiên cứu cũng là lúc các em chuẩn bị đi du học, mình mới thấy thấm thía. Động lực để mình vượt qua những khó khăn trong hành trình nghiên cứu là niềm tin sẽ đào tạo được nhiều nhà khoa học trẻ cho Việt Nam trong tương lai”.

Chia sẻ về người thầy, nghiên cứu sinh Nguyễn Thanh Duy cho biết: Khi hướng dẫn sinh viên và nghiên cứu sinh, thầy luôn chỉn chu, ân cần và đặc biệt tạo điều kiện tối đa để trò có thể tự đặt ra câu hỏi khoa học và giải quyết câu hỏi đó. Không những thế, thầy hướng dẫn trò với tinh thần là người “dẫn đường” hơn là cầm tay chỉ việc và luôn nhắc nhở nhiệm vụ của chúng em là phải đặt ra câu hỏi, nghi ngờ thông tin thầy đưa ra và tìm dữ liệu để minh chứng...

“Chỉ khi có tư duy phản biện khoa học thì lúc đó chúng em mới thật sự cảm nhận và từng bước trở thành người làm khoa học chân chính. Được thầy hướng dẫn, hỗ trợ, em yên tâm và học hỏi được nhiều điều tốt đẹp trong nghiên cứu cũng như đời sống hằng ngày từ thầy” - nghiên cứu sinh Thanh Duy nói.

Theo TS Sỹ Phú, ô nhiễm không khí và biến đổi khí hậu tác động trực tiếp đến đời sống, sức khỏe của người dân cũng như kinh tế - xã hội. Vấn đề ô nhiễm không khí tại Việt Nam đã và đang trong tình trạng cần được quan tâm đặc biệt.

“Trong quá trình công tác tại Khoa Môi trường, Trường ĐH KHTN - ĐHQG TPHCM, tôi đã tiếp xúc và làm việc với nhiều dự án, chuyên gia trong lĩnh vực và cảm thấy rất thích thú về hướng nghiên cứu này. Với những nghiên cứu về ô nhiễm, tôi hướng đến mục tiêu là góp phần cải thiện hiểu biết, cung cấp thông tin để hoạch định chính sách phù hợp nhằm phát triển bền vững cân bằng trong tương lai”, TS Phú chia sẻ.

Một số giải thưởng của TS Nguyễn Lý Sỹ Phú: Cán bộ hướng dẫn xuất sắc hướng dẫn sinh viên nghiên cứu khoa học đạt giải cao năm 2014; Giải thưởng hội thi sáng tạo kỹ thuật TPHCM năm 2015 với ý tưởng xử lý nước ngầm nhiễm phèn bằng bộ lọc đất sét nung; Giải thưởng nghiên cứu sinh xuất sắc của Khoa Khoa học Khí quyển, Đại học Quốc lập Trung ương Đài Loan (Trung Quốc).

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ