Từ chàng trai đam mê bóng đá đến tiến sĩ tâm huyết dạy Lịch sử

GD&TĐ -  TS Lịch sử Phạm Văn Giềng từng chia sẻ, chính anh cũng khó hình dung mình từ một cậu học trò có phần nhút nhát và chỉ thích bóng đá lại có thể trở thành thầy giáo, truyền cảm hứng với học sinh học lịch sử qua mỗi ngày đứng lớp.

Tiến sĩ Phạm Văn Giềng dồn nhiều tâm huyết cho bộ môn Lịch sử.
Tiến sĩ Phạm Văn Giềng dồn nhiều tâm huyết cho bộ môn Lịch sử.

Tìm thấy tình yêu lịch sử từ đam mê bóng đá

Ngày học THCS, THPT, Phạm Văn Giềng được biết đến là cậu học trò ít nói, có phần rụt rè nhút nhát, nhưng sức học đều ở tất cả các môn học và có niềm đam mê đặc biệt với bóng đá.

Bắt đầu thi đấu trên sân cỏ từ năm 10 tuổi, Giềng đã tham gia nhiều giải đấu của trường, vào đội tuyển bóng đá của trường và từng được lựa chọn vào đội bóng huyện lúc bấy giờ.

Sức hút với trái bóng tròn khiến cậu học sinh có lần còn trốn ngủ trưa ra sân tập bóng hay nhịn tiền ăn sáng để mua được trái bóng “xịn” về tập luyện cùng nhóm bạn.

Kể về những ngày tháng đó, thầy giáo 8X bộc bạch: Những năm 1996-1997, hầu hết những đứa trẻ ở nông thôn như mình đều ít có điều kiện xem tivi. Ngày đó tụi mình hay sang nhà hàng xóm xem ké. Mình thích xem Manchester United và cực kỳ ấn tượng với Thủ môn Peter Schmeichel.

Mình tập chơi bóng nhiều ở vị trí thủ môn. Thời đấy không có điều kiện chơi sân cỏ, nhiều giải đấu đá sân bê tông ở trường, rất nguy hiểm. Mỗi lần cứu thua là thủ môn phải chấp nhận chấn thương. Lần nào đi đá bóng về mẹ mình đều thấy thương con, nhưng biết đam mê của con nên mẹ chỉ động viên thôi.

Thầy Phạm Văn Giềng trong giờ dạy Lịch sử tại Trường THCS-THPT Phenikaa.

Thầy Phạm Văn Giềng trong giờ dạy Lịch sử tại Trường THCS-THPT Phenikaa.

Có lẽ cũng chính từ niềm đam mê với bóng đá, không chỉ trong nước như thần tượng Hồng Sơn, Huỳnh Đức… Phạm Giềng còn tìm hiểu và đam mê bóng đá quốc tế.

Từ việc tìm hiểu về các đội bóng lớn như Juventus, MU, Chelsea… Giềng tìm thấy sức hấp dẫn kỳ lạ khi tìm hiểu lịch sử các đội bóng, lịch sử quốc gia và dần bị cuốn đam mê vào việc tìm hiểu các mốc lịch sử.

Quan niệm các mốc lịch sử không chỉ là câu chuyện đã qua mà còn giúp chúng ta nghiệm được rất nhiều bài học và có được những định hướng mới, Phạm Giềng thay vì lựa chọn gắn bó với bóng đá và định hướng trở thành cầu thủ chuyên nghiệp, đã chuyển hướng chọn Lịch sử để được tìm hiểu và khám phá về dân tộc và quốc tế.

Thầy giáo Phạm Văn Giềng đã tốt nghiệp loại giỏi ngành lịch sử tại Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2, từng là giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội 2 với 11 năm kinh nghiệm giảng dạy môn học Lịch sử; đồng thời, tốt nghiệp loại giỏi ngành Lịch sử Đảng tại Học viện Chính trị Quốc gia Hồ Chí Minh.

Năm 2021, thầy Phạm Văn Giềng bảo vệ luận án tiến sĩ đạt loại xuất sắc tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Dành tâm huyết cho dạy học Lịch sử, thầy giáo 8X vẫn duy trì rèn luyện môn bóng đá, như một niềm đam mê trong cuộc đời.

Dành tâm huyết cho dạy học Lịch sử, thầy giáo 8X vẫn duy trì rèn luyện môn bóng đá, như một niềm đam mê trong cuộc đời.

Hiện tại, thầy Phạm Giềng đang là giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS và THPT Phenikaa.

Ngoài thế mạnh giảng dạy các môn ở bậc đại học như Lịch sử Đảng, Tư tưởng Hồ Chí Minh, Lịch sử đối ngoại, ngoại giao; Giáo dục kỹ năng sống..., thầy giáo 8X còn có rất nhiều năm kinh nghiệm trong công tác bồi dưỡng nghiệp vụ sư phạm cho đội ngũ giáo viên ở nhiều tỉnh, thành phố, đồng thời tham vấn các hoạt động tổ chức các sự kiện, Hội thảo, hoạt động cho sinh viên...

Đến nay, thầy giáo Phạm Giềng đã gặt hái được nhiều thành công đáng khích lệ như: Giải nhất Hội thi Giảng viên giỏi nghiệp vụ sư phạm toàn quốc của Bộ GD&ĐT năm 2020; là gương mặt Đảng viên trẻ tiêu biểu của Thủ đô năm 2020; trực tiếp huấn luyện đội tuyển Olympic các môn Khoa học Mác-Lênin thành phố Hà Nội năm 2019 và đạt giải Ba toàn quốc…

Song song với đó, thầy giáo 8X vẫn duy trì rèn luyện môn bóng đá, như một niềm đam mê trong cuộc đời.

Tiến sĩ Phạm Giềng hiện đang là giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS và THPT Phenikaa.

Tiến sĩ Phạm Giềng hiện đang là giáo viên môn Lịch sử, Trường THCS và THPT Phenikaa.

Dạy lịch sử phải gắn với thực tiễn cuộc sống

Với hơn một thập kỷ gắn bó với môn Lịch sử, với văn hóa và truyền thống của dân tộc và của thế giới, thầy Phạm Giềng luôn tìm tòi, nghiên cứu và đổi mới phương pháp giảng dạy để truyền đạt kiến thức của môn học tưởng dễ nhưng không dễ, tưởng khô khan nhưng chẳng hề khô khan này đến với mỗi đối tượng khác nhau.

Người thầy giản dị, luôn tâm niệm "Giáo viên là một nghề đặc biệt, người thầy luôn lấy niềm vui và thành công của học sinh là thành công chính mình".

Gặp thầy Phạm Giềng ở ngoài, ấn tượng ban đầu vẫn là nét hiền lành, nụ cười thật hiền hậu. Vậy nhưng, khi thầy giáo đứng lớp thì hình ảnh lại hoàn toàn khác, giúp học sinh vô cùng hào hứng và háo hức khám phá kiến thức lịch sử.

Với TS Phạm Giềng, ở mỗi môi trường và đối tượng học sinh khác nhau, thầy đều mang đến những phương pháp truyền đạt và cách tiếp cận linh hoạt ở nhiều góc cạnh khác nhau.

Chia sẻ về công tác giảng dạy, thầy cho hay: "Tôi thích câu nói của nhà văn William A. Ward (Hoa Kỳ): “Người thầy trung bình chỉ biết nói. Người thầy giỏi chỉ biết giải thích. Người thầy xuất chúng biết minh họa. Người thầy vĩ đại biết cách truyền cảm hứng. Trong 11 năm dạy học, tôi luôn muốn được làm việc ở một môi trường nhân văn, sáng tạo và truyền cảm hứng".

Niềm yêu thích học tập, nghiên cứu và khám phá Lịch sử dân tộc giúp thầy Phạm Giềng có thêm niềm đam mê lan tỏa tình yêu môn học này đến các thế hệ học sinh. Bởi lịch sử không chỉ là câu chuyện của quá khứ, đó còn là niềm tự hào dân tộc, là hành trình khám phá và trân trọng văn hóa thế giới.

Những bài học lịch sử sẽ rất có ích để thế hệ mai sau tỏ lòng kính trọng các thế hệ cha ông đã có công dựng xây Tổ quốc, đồng thời lịch sử cũng là cơ sở để các em học sinh tiếp nối niềm tự hào dân tộc nhằm đạt được những mục tiêu ở hiện tại và xây dựng tương lai tốt đẹp hơn.

Năm 2021, thầy Phạm Văn Giềng bảo vệ luận án tiến sĩ đạt loại xuất sắc tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Năm 2021, thầy Phạm Văn Giềng bảo vệ luận án tiến sĩ đạt loại xuất sắc tại Trường Đại học Khoa học xã hội và Nhân văn, Trường Đại học Quốc gia Hà Nội.

Khi được hỏi về câu chuyện vì sao học sinh vẫn e ngại môn Lịch sử, thầy Phạm Giềng bày tỏ quan điểm, bản thân thầy nhận định nhiều học sinh yêu môn Lịch sử nhưng lại sợ học và thi. Để cải thiện vấn đề này, các trường THPT hiện nay coi trọng việc nâng cao kỹ năng và phương pháp học tập.

Cụ thể, thay vì chỉ dạy những kiến thức trong sách giáo khoa, thầy cô đầu tư thêm các bài giảng, video thú vị về kiến thức lịch sử. Từ đó, học sinh cũng có thể tiếp cận kiến thức lịch sử trên các nền tảng mạng xã hội, cũng là một cách để vừa học vừa chơi, ghi nhớ kiến thức một cách hiệu quả.

Thầy giáo 8X nhấn mạnh: Nghệ thuật dạy học là biến những vấn đề phức tạp thành vấn đề dễ hiểu. Giáo viên dạy học lịch sử cần tránh sa đà vào số liệu, liệt kê, yêu cầu học sinh ghi nhớ thái quá. Dạy lịch sử phải gắn với thực tiễn cuộc sống, học bằng trải nghiệm với các phương pháp dạy học tích cực để học sinh được bày tỏ quan điểm và thể hiện mình. Muốn thế, người thầy phải lắng nghe, quan tâm đến học sinh để thường xuyên đổi mới chính mình.

Ví dụ, khi nói đến các chiến dịch, giáo viên có thể hướng dẫn học sinh xây dựng sa bàn. Học sinh áp dụng kiến thức địa lí, giáo dục quốc phòng để làm rõ thuận lợi, hạn chế của ta; có thể học vận dụng kiến thức STEM để tạo khói giả, xe tăng mini tự di chuyển, máy bay... Từ đó, kiến thức lịch sử trở nên sinh động hơn, thú vị hơn.

Thầy giáo 8X tin tưởng với những điều đó, tương lai của môn Lịch sử sẽ có nhiều biến chuyển tích cực hơn nữa, trở thành môn học bắt buộc nhưng lại được học sinh nồng nhiệt và hào hứng đón nhận chứ không phải máy móc học thuộc.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ