Bà con Pa Cô, Vân Kiều hiến đất xây trường học

Bà con Pa Cô, Vân Kiều hiến đất xây trường học

Ở hai huyện miền núi phía Tây của tỉnh Quảng Trị là Hướng Hóa và Đakrông, nhiều đồng bào dân tộc Pa Cô, Vân Kiều nghèo khó đã tình nguyện dỡ nhà, phá bớt vườn cây để hiến đất xây trường học.

Trường mầm non xã Thanh (Hướng Hóa) do người dân hiến đất xây dựng. (Nguồn: báo Quảng Trị)
Trường mầm non xã Thanh (Hướng Hóa) do người dân hiến đất xây dựng. (Nguồn: báo Quảng Trị)

Theo thống kê chưa đầy đủ, đến nay trên địa bàn hai huyện đã có hàng chục hộ dân hiến đất, sẵn sàng đổi những “tấc vàng” cho việc xây dựng các công trình phúc lợi và cho bản làng phát triển.

Người dân xã A Dơi, huyện Hướng Hóa vẫn luôn nhắc đến câu chuyện gia đình anh Hồ Văn Phức ở thôn Prin C, hiến 4.000m2 đất để xây dựng trường trung học cơ sở xã A Dơi. Anh Phức cho biết, sinh ra trong gia đình khó khăn, vợ chồng anh đều không có cơ hội đeo đuổi cái chữ. Vì thế, anh chị luôn động viên các con chăm chỉ học tập. Nhưng rồi hoàn cảnh khó khăn khiến con đầu của anh phải bỏ học giữa chừng.

Nỗi buồn ấy nhân lên khi anh chị thấy một số con em ở xã cũng từ bỏ ước mơ đeo đuổi cái chữ vì điều kiện học hành không được đảm bảo. Khi dự án xây dựng trường trung học cơ sở A Dơi được đưa về địa phương, nhân dân A Dơi rất vui mừng, nhưng lãnh đạo xã và nhà trường loay hoay mãi chưa tìm ra mảnh đất phù hợp để xây dựng.

Hồ Văn Phức liền bàn với vợ hiến mảnh đất hương hỏa mà gia đình đang sinh sống để dựng trường.

Mảnh đất ấy rộng 4.000m2, trên đó có cả nhà sàn và vườn cây đang vào vụ thu hoạch. Biết “tấc đất là tấc vàng” nhưng vợ chồng anh Phức vẫn vui vẻ dựng tạm ngôi nhà để nhường đất xây ngôi trường trung học cơ sở A Dơi. Anh Phức chia sẻ vì không biết chữ mà vợ chồng anh cực khổ nhiều, nay có thể giúp được con em có điều kiện học hành đàng hoàng là vui rồi.

Ở cùng xã A Dơi, mặc dù còn khó khăn, nhưng từ đầu năm 2009, vợ chồng anh Hồ Văn Loi, thôn A Dơi Cồ đã quyết định hiến 3.000m2 đất đang trồng sắn chưa đến kỳ thu hoạch để xây dựng điểm trường Mầm non xã A Dơi. Căn nhà sàn với mảnh vườn diện tích đã bị thu hẹp lại, nhưng anh Loi không buồn.

“Mình không sợ mất đất, mình chỉ sợ con mình, con dân bản thất học thôi!” - anh Loi bày tỏ.

Cũng giống như anh Phức, anh Loi, cựu chiến binh Kôn Khơi năm nay đã ngoài 70 tuổi, ở bản A Máy, xã A Xing, huyện Hướng Hóa là một trong những người hiến nhiều đất nhất xã A Xing. Ông đã ba lần hiến đất với tổng cộng hơn 1.500m2 đất để xây trường học.

Đầu năm 2005, Kôn Khơi hiến 600m2 đất để trường Tiểu học xã A Xing xây dãy nhà công vụ cho giáo viên. Năm tiếp theo ông lại hiến 400m2 vườn cây ăn quả để xây Trung tâm học tập cộng đồng thôn. Mới đây nhất, ông hiến thêm 500m2 đất để Trường mầm non trung tâm xã A Xing được mở rộng.

Theo thống kê của Ủy ban Nhân dân xã A Xing, hiện toàn xã có 8 hộ dân đã tình nguyện hiến đất để dựng trường. Trên diện tích đất của các gia đình này, 6 trường mầm non, 1 trường Tiểu học và 1 trường Trung học cơ sở rất khang trang đã được xây dựng. Ngoài ra, nhiều hộ dân khác trong xã cũng tình nguyện hiến hàng nghìn mét đất để xây dựng các công trình phúc lợi xã hội như trạm y tế, nhà sinh hoạt cộng đồng, công trình nước sạch.

Xã Hướng Linh, huyện Hướng Hóa cũng có 26 cá nhân, hộ gia đình tự nguyện hiến đất để xây dựng các công trình trường học, dựng nhà cộng đồng, làm ruộng chung cho thôn...; trong đó, một số người dân đã tự nguyện hiến đất nhiều lần với diện tích lớn như ông Hồ Văn Khai hiến 15.000m2 đất, ông Hồ Văn Tam hiến 7.000m2 đất, ông Hồ Văn Đang hiến 620m2 đất...

Ở huyện miền núi Đakrông, phong trào tình nguyện hiến đất xây dựng các công trình phúc lợi được đông đảo người dân hưởng ứng. Ông Kôn Dần (60 tuổi), người dân tộc Pa Cô ở xã A Vao đã tình nguyện hiến tặng 3.000m2 đất vườn có vị trí bằng phẳng, đang sản xuất để chính quyền xây trường học. Tại xã Tà Rụt, ba hộ gia đình đồng bào dân tộc Pa Cô là Hồ Thị Thăng, ông Hồ Văn Vương và anh Hồ Văn Tiêu đã hiến 2.500m2 đất ở và đất sản xuất để xây dựng trường Tiểu học và trường Mẫu giáo Tà Rụt.

Mặc dù đời sống của ba hộ gia đình này còn nhiều khó khăn nhưng các hộ gia đình mong muốn hiến đất để con cháu trong xã có được trường lớp, không phải đi xa để học hành. Ở xã Pa Nang, huyện Đakrông, đảng viên Hồ Quế Vườn hiến gần 3.000m2 đất để xây dựng trạm Y tế xã Pa Nang và hiến tiếp 1.200m2 đất để xây dựng nhà công vụ cho giáo viên trên địa bàn. Ông Vườn cũng đã tích góp lương hưu, mua gần 1.000 mét ống dẫn để đưa nước từ đầu nguồn suối A La về phục vụ bà con.

Dương Vương Lợi (TTXVN/Vietnam+)

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Mùa hoa cải thường rơi vào khoảng giữa tháng 11 đến tháng 12…

Rực rỡ hoa cải vàng khoe sắc bên sông

GD&TĐ - Mùa này, những cánh đồng cải vàng ven dòng sông Đuống, ở các thôn: Chi Đông, Chi Nam, Gia Lâm (xã Lệ Chi, Gia Lâm, Hà Nội), đang bung nở rực rỡ.

Prompt đang trở thành một nghề mới trong lĩnh vực AI. Ảnh: Jakub Jirsak/Law.

Bình dân học vụ AI

GD&TĐ - Với mong muốn ‘Bình dân học vụ AI, phổ cập AI’, Trường Công nghệ Thông tin và Truyền thông tổ chức khóa đào tạo ngắn hạn về Prompt Engineering.