Giá quá đắt trẻ phải gánh chịu

GD&TĐ - Trong khi ngành y tế và các địa phương đang nỗ lực đem khoa học kỹ thuật đến với người dân vùng khó khăn, vùng dân tộc thiểu số với mong muốn tăng cơ hội tiếp cận, giảm khoảng cách giàu nghèo thì tại đô thị, nhiều chị em lại quay lưng lại với thành quả trên. 

Giá quá đắt trẻ phải gánh chịu

Tự sinh con tại nhà, anti vắc xin và từ chối tiêm vitamin K cho trẻ đến thần thánh hóa tác dụng của sữa mẹ… tác dụng chưa thấy đâu nhưng hậu quả đã nhãn tiền.

Quan điểm phản khoa học

Gần đây, cộng đồng mạng biết nhiều đến khái niệm “thuận tự nhiên” và không biết bằng cách nào chúng nhanh chóng được nhiều bà mẹ áp dụng, trở thành trào lưu của các mẹ bỉm sữa.

Không chỉ mù quáng đi theo cách làm thuận tự nhiên là sinh con tại nhà không cần sự trợ giúp của nhân viên y tế, ngày nay, nhiều bà mẹ khi con ốm thay vì đưa đến cơ sở y tế, khám bác sĩ lại lên mạng nhờ bác sĩ google hoặc tin vào kiểu chữa bệnh truyền miệng hơn chỉ định của bác sĩ.

Vẫn biết sinh đẻ, nuôi con là quyền của mỗi cá nhân. Nhưng luật pháp cũng không cho phép cha mẹ áp dụng phương pháp sinh đẻ, nuôi dạy ảnh hưởng đến sức khỏe, sinh mạng của trẻ.

Theo chia sẻ mới đây của bà mẹ bỉm sữa đi theo phong trào thuận tự nhiên, khi con sốt 40 độ không cần dùng hạ sốt mà chỉ cần cho con bú, da kề da, lăn trứng… sẽ giảm sốt nhanh chóng. Nhiều người cho rằng, cách làm trên để con người trở về với tự nhiên như khi chưa có thuốc, chưa có ánh sáng của khoa học.

Thậm chí có bà mẹ còn bày cách khi con đau mắt chỉ cần nhỏ vài giọt sữa mẹ là khỏi. Sữa mẹ cũng có tác dụng… mọc thêm tay chân không may bị đứt hoặc vì nguyên nhân nào đó phải cắt bỏ.

Bác sĩ Nguyễn Bá Mỹ Nhi, Phó Giám đốc Bệnh viện Từ Dũ cho rằng: Đây là vấn đề quan ngại vì tiến bộ y khoa giúp cho việc chăm sóc sức khỏe cho trẻ tốt.

Việc các bà mẹ từ chối tiêm vitamin K cho trẻ sơ sinh, anti vắc xin… là hành vi nguy hiểm với trẻ. “Bệnh viện Từ Dũ không ủng hộ, không có nhân viên nào liên quan đến trào lưu anti vắc xin, đẻ tại nhà”, bác sĩ Nhi khẳng định.

Cái giá phải trả luôn đắt

Là người chăm sóc sức khỏe cho trẻ nhiều năm nay, bác sĩ Trần Văn Bàn (Bệnh viện Xanh pôn) chưa bao giờ coi việc dùng sữa mẹ, da kề da là phương pháp hạ sốt cho trẻ. Hạ sốt không đúng cách sẽ gây nguy hiểm cho trẻ. Nhẹ thì mệt mỏi, mất nước, nặng hơn có thể gây co giật, thiếu oxy não…

Theo bác sĩ Bàn, cặp nhiệt độ ở nách thấy trẻ sốt trên 38,5 độ cần cho trẻ dùng thuốc hạ sốt dựa theo cân nặng. Trong trường hợp trẻ sốt cao, liên tục có thể dùng thêm biện pháp vật lý bên ngoài để hạ nhiệt như chườm ấm, da kề da, bù nước. Khi đã dùng các biện pháp trên trẻ không đỡ hoặc nhanh sốt trở lại cần đưa trẻ đến cơ sở y tế.

Mỗi người mẹ, một gia đình có cách nuôi dạy con khác nhau. Nhưng nếu như cách nuôi dạy con không khoa học, hậu quả trẻ phải gánh chịu và đôi khi cái giá phải trả quá đắt. Mới đây, khoa Nhi (Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí, Quảng Ninh) tiếp nhận bệnh nhi 3 tuổi nhập viện trong tình trạng hôn mê sâu, ngừng hô hấp hoàn toàn, bỏng độ 2.

Nguyên nhân do bé bị bỏng trước đó, dù được bác sĩ sơ cứu, chỉ định nằm viện điều trị nhưng gia đình nhất quyết xin cho bé về nhà điều trị bằng thuốc nam.

Những vết bỏng chưa kịp khỏi thì bé bất tỉnh, người tím tái. Lúc này, gia đình mới vội vàng cho bé nhập viện. Dù được hồi sức tích cực, đặt nội khí quản nhưng bác sĩ tiên lượng xấu do đang trong giai đoạn nhiễm trùng, nhiễm độc.

Theo bác sĩ Nguyễn Thị Ngọc Điệp (khoa Nhi, Bệnh viện Việt Nam-Thụy Điển Uông Bí), nếu như gia đình tin tưởng bác sĩ, bé được điều trị đúng phác đồ thì đã được ra viện chứ không phải chịu cảnh nằm thiêm thiếp trên giường bệnh, sống nhờ thuốc và máy móc.

Một trường hợp khác phải trả giá vì sai lầm của người lớn là em bé chưa đầy 1 tháng tuổi ở Sơn La, được mẹ nhỏ sữa vào mắt để chữa gỉ. Do sốt ruột khi đã rửa mắt, nhỏ thuốc cho bé theo hướng dẫn nhưng không đỡ, người mẹ trẻ nghe theo lời khuyên của mọi người, dùng sữa của mình nhỏ vào mắt con sẽ hết gỉ.

Nhưng chỉ sau 2 ngày, mắt bé sưng to, chảy mủ. Ngay lập tức bé được chuyển đến bệnh viện tuyến cuối. Khi nghe bác sĩ thông báo bé có nguy cơ không nhìn thấy ánh sáng do loét, thủng giác mạc, người mẹ ngây người không hiểu chuyện gì xảy ra với con mình.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ