Chỉ tính riêng tiền thuê đất, đây là một khoản chi phí đáng kể, đặc biệt trong bối cảnh doanh nghiệp đang gặp khó khăn.
Gần 120.000 tỷ đồng tiền thuế được gia hạn
Ngày 2/4, Chính phủ đã ban hành 2 nghị định về gia hạn thời hạn nộp thuế. Cụ thể, tại Nghị định số 81/2025/NĐ-CP (Nghị định 81), Chính phủ đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế tiêu thụ đặc biệt phải nộp phát sinh của kỳ tính thuế tháng 2 đến tháng 6/2025 đối với ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước. Thời gian gia hạn kể từ ngày kết thúc thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt theo quy định của pháp luật về quản lý thuế đến hết ngày 20/11/2025.
Tại Nghị định 82/2025/NĐ-CP (Nghị định 82), Chính phủ đồng ý gia hạn thời hạn nộp thuế đối với số thuế giá trị gia tăng phát sinh phải nộp của kỳ tính thuế từ tháng 2 đến tháng 6/2025.
Đối với tiền thuê đất được gia hạn từ tháng 2 - 6/2025. Đối với thuế thu nhập doanh nghiệp, gia hạn thời hạn nộp thuế của quý I và quý II kỳ tính thuế thu nhập doanh nghiệp năm 2025.
Theo tính toán của Bộ Tài chính, thực hiện Nghị định 81 của Chính phủ, dự kiến số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước bình quân 1 tháng phát sinh trong các tháng tiếp theo năm 2025 là khoảng 2.820 tỷ đồng.
Theo đó, tổng số thuế tiêu thụ đặc biệt đối với xe ô tô sản xuất hoặc lắp ráp trong nước được gia hạn trong 5 kỳ tính thuế là khoảng 14.100 tỷ đồng. Việc thực hiện nghị định không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025, do thời hạn nộp thuế chậm nhất là ngày 20/11/2025.
Thực hiện Nghị định 82, theo tính toán ước tính tổng số thuế được gia hạn là gần 102.000 tỷ đồng. Trong đó, số thuế giá trị gia tăng dự kiến được gia hạn là 62.000 tỷ đồng; số thuế thu nhập doanh nghiệp được gia hạn khoảng 36.000 tỷ đồng; số tiền thuê đất dự kiến được gia hạn khoảng 3.600 tỷ đồng; số thuế hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh được gia hạn là khoảng 350 tỷ đồng. Việc thực hiện nghị định này cũng không ảnh hưởng đến dự toán thu ngân sách Nhà nước năm 2025.
Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đánh giá, chính sách gia hạn thời hạn nộp tiền thuê đất trong các năm từ 2021 - 2024 đã mang lại tác động tích cực đối với nền kinh tế.
Việc tiếp tục thực hiện chính sách gia hạn nộp thuế và tiền thuê đất sẽ giúp doanh nghiệp giảm bớt gánh nặng tài chính, tăng cường khả năng ứng phó với các rủi ro kinh tế toàn cầu, qua đó góp phần quan trọng vào việc hiện thực hóa mục tiêu tăng trưởng 8% trong năm 2025.
Thực hiện chính sách này giúp doanh nghiệp có thêm nguồn lực tài chính để giải quyết các khó khăn trước mắt về vốn. Theo đó, doanh nghiệp có thêm nguồn lực tiếp tục duy trì sản xuất và có điều kiện tìm kiếm các thị trường mới, các giải pháp phù hợp nhằm khắc phục khó khăn trước mắt để phát triển. Qua đó, sớm phục hồi sản xuất kinh doanh và quay lại đóng góp cho tăng trưởng kinh tế.
Chủ động nguồn vốn
Anh Hồ Thành Phúc - chủ một cơ sở kinh doanh trong lĩnh vực vật tư nông nghiệp ở Ba Vì không giấu khỏi niềm vui bởi, số tiền chuẩn bị nộp cho cơ quan thuế sẽ được dùng để mở rộng cơ sở kinh doanh mà không lo phải trả chi phí lãi vay.
Không chỉ có hộ, cá nhân kinh doanh mà các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực như sản xuất, chế biến thực phẩm, dệt, sản xuất trang phục, sản xuất da và các sản phẩm có liên quan, chế biến gỗ, sản xuất sản phẩm điện tử, máy vi tính... cũng nằm trong đối tượng được gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
Bà Hà Nhung, phụ trách kế toán Công ty Cổ phần may Hoàng Mai cho biết, trong bối cảnh cạnh tranh đơn hàng ngày càng gay gắt, việc duy trì và tìm kiếm thị trường mới của đơn vị gặp rất nhiều khó khăn. Vì thế, thông tin Chính phủ cho phép gia hạn thời hạn nộp tiền thuế và tiền thuê đất trong năm 2025 là tin vui với doanh nghiệp.
Để phục vụ cho nhu cầu hoạt động, thời gian qua công ty được thành phố cho thuê khoảng hơn 20.000 m2 đất làm nhà máy sản xuất. Giai đoạn dịch Covid-19 xảy ra ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất kinh doanh, doanh nghiệp đã được hưởng chính sách miễn, giảm và gia hạn tiền thuế và tiền thuê đất.
Với thủ tục đơn giản, nhanh gọn, năm 2024, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất Công ty được gia hạn lên tới 4 tỷ đồng, trong đó, riêng tiền thuê đất được gia hạn khoảng 2,3 tỷ đồng. Trên cơ sở này, tổng số tiền thuế và tiền thuê đất được gia hạn của công ty tương đương như năm 2024. Đây là nguồn vốn vay không phải trả lãi giúp đơn vị thực hiện các hoạt động đầu tư, bảo đảm ổn định đời sống cho người lao động.
Đại diện một doanh nghiệp sản xuất ô tô cho rằng, việc tiếp tục cho gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt đối với ô tô sản xuất, lắp ráp trong nước sẽ tạo điều kiện cho doanh nghiệp có thêm dòng vốn để giải quyết vấn đề tài chính trước mắt, duy trì sản xuất kinh doanh, phục vụ công tác nghiên cứu, phát triển cho ra các mẫu mã mới để thích ứng với thị trường.
“Đặc thù của mặt hàng ô tô là doanh nghiệp sản xuất không tự bán được như các mặt hàng bình thường khác, mà bắt buộc phải bán qua các đại lý. Theo đó, ô tô đã ra khỏi nhà máy, đến đại lý là đã phải xuất hóa đơn và tính thuế tiêu thụ đặc biệt, do đó việc được gia hạn thời hạn nộp thuế tiêu thụ đặc biệt có ý nghĩa rất quan trọng với các doanh nghiệp sản xuất, lắp ráp ô tô”, vị đại diện cho biết.
Theo bà Nguyễn Thị Cúc, Chủ tịch Hội tư vấn Thuế Việt Nam, để hỗ trợ doanh nghiệp, người dân vượt qua khó khăn từ các tác động bên trong lẫn bên ngoài, Bộ Tài chính đã chủ động trình Chính phủ, trình Quốc hội ban hành nhiều chính sách từ gia hạn thời hạn nộp một số loại thuế, phí, tiền thuê đất đến miễn giảm thuế với số tiền lên đến hàng trăm nghìn tỷ đồng. Đây là những chính sách được ban hành rất kịp thời và phù hợp.
Theo nhìn nhận của các chuyên gia, việc Chính phủ tiếp tục ban hành các nghị định gia hạn thời gian nộp thuế sẽ góp phần hỗ trợ, giảm bớt khó khăn cho các doanh nghiệp. Từ nguồn tiền được gia hạn, doanh nghiệp tập trung vốn vào sản xuất, kinh doanh, từ đó đóng góp và mục tiêu tăng trưởng GDP của năm 2025 và các năm tiếp theo…