Những cách giúp trẻ không bị covid 1

GD&TĐ - Theo UNICEF, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm, có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử.

Trẻ có thể cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với thông tin về dịch bệnh.
Trẻ có thể cảm thấy lo lắng khi tiếp xúc với thông tin về dịch bệnh.

Chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy cho rằng, sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng bởi Covid-19 vì nó làm thay đổi thói quen hằng ngày.

Gần 46 nghìn trẻ tự tử mỗi năm

UNICEF cảnh báo, Covid-19 có thể sẽ tác động đến sức khỏe tâm thần và thể chất của trẻ em cũng như thanh thiếu niên trong nhiều năm tới.

Báo cáo “Tình hình Trẻ em Thế giới 2021; Trong tâm trí tôi: Thúc đẩy, bảo vệ và chăm sóc sức khỏe tâm thần của trẻ em” của UNICEF đã xem xét các vấn đề liên quan đến sức khỏe tâm thần và hạnh phúc của trẻ em cũng như thanh thiếu niên.

Báo cáo đặc biệt tập trung vào việc phân tích cách các yếu tố nguy cơ, bảo vệ tại gia đình, trường học, cộng đồng hình thành kết quả liên quan đến sức khỏe tâm thần. Báo cáo cho rằng, chúng ta đang có cơ hội duy nhất để thúc đẩy sức khỏe tâm thần cho mọi trẻ em. Đồng thời, bảo vệ và chăm sóc trẻ em dễ bị tổn thương, đang phải đối mặt với những thách thức lớn.

Theo báo cáo, đại dịch Covid-19 đã gây ra những lo ngại đáng kể đối với sức khỏe tâm thần của cả một thế hệ trẻ em và thanh thiếu niên cũng như cha mẹ và người chăm sóc. Song, đại dịch có thể cho thấy phần nổi của tảng băng chìm về sức khỏe tâm thần.

Trong bối cảnh này, báo cáo yêu cầu đầu tư khẩn cấp vào sức khỏe tâm thần của trẻ em và thanh thiếu niên trong các lĩnh vực. Báo cáo chỉ ra rằng, những can thiệp trong các lĩnh vực như y tế, giáo dục và bảo trợ xã hội đã được chứng minh là có hiệu quả, ví dụ như các chương trình làm cha mẹ và trong nhà trường.

Báo cáo kêu gọi xã hội phá vỡ sự im lặng xung quanh vấn đề sức khỏe tâm thần, bằng cách xóa bỏ kỳ thị, tăng cường hiểu biết và xem xét nghiêm túc những trải nghiệm của trẻ em, thanh niên.

Theo UNICEF, cứ 7 em thì có hơn 1 trẻ vị thành niên từ 10 - 19 tuổi trên toàn cầu được chẩn đoán mắc rối loạn tâm thần. Mỗi năm, có gần 46.000 trẻ vị thành niên tử vong do tự tử. Tình trạng đó khiến tự tử trở thành một trong năm nguyên nhân gây tử vong hàng đầu ở nhóm tuổi này.

“18 tháng qua là khoảng thời gian dài đằng đẵng đối với tất cả chúng ta, đặc biệt là trẻ em. Những đợt phong tỏa toàn quốc và việc hạn chế di chuyển liên quan đến đại dịch đã khiến các em phải trải qua những năm tháng cuộc đời khó quên khi phải rời xa gia đình, bạn bè, trường lớp, việc vui chơi – những yếu tố then chốt của tuổi thơ.

Đại dịch đã gây ra tác động đáng kể, song đó mới chỉ là bề nổi của tảng băng chìm. Từ trước khi đại dịch bùng phát, đã có quá nhiều trẻ em phải gánh chịu những vấn đề sức khỏe tâm thần chưa được giải quyết. Đầu tư của các chính phủ vào việc đáp ứng những nhu cầu cấp thiết này còn quá hạn chế. Mối liên hệ giữa sức khỏe tâm thần và kết quả cuộc sống trong tương lai chưa được quan tâm đúng mức”, Giám đốc điều hành UNICEF Henrietta Fore chia sẻ.

Theo UNICEF, cứ 7 em thì có ít nhất 1 em trong tổng số trẻ trên toàn cầu bị ảnh hưởng trực tiếp bởi các đợt phong tỏa. Hơn 1,6 tỷ trẻ em phải hứng chịu những thiệt hại nhất định về giáo dục. Gián đoạn trong sinh hoạt, giáo dục, giải trí cũng như trăn trở về thu nhập gia đình và sức khỏe đang khiến nhiều người trẻ rơi vào cảnh lo sợ, tức giận và băn khoăn về tương lai.

Một cuộc khảo sát trực tuyến tại Trung Quốc vào đầu năm 2020 được trích dẫn từ Báo cáo Tình hình trẻ em Thế giới đã chỉ ra rằng, khoảng 1/3 số người tham gia cho biết cảm thấy sợ hãi và lo âu.

Cha mẹ nên cho con duy trì thói quen trong thời đại dịch.

Cha mẹ nên cho con duy trì thói quen trong thời đại dịch. 

Giúp trẻ duy trì thói quen

Chia sẻ về vấn đề này, chuyên gia tâm lý Ngô Phạm Thị Thúy Trinh thuộc Đơn vị tâm lý – Bệnh viện Nhi đồng Thành phố (Thành phố Hồ Chí Minh) nhận định, có một số lý do khiến sức khỏe tâm thần của trẻ em bị ảnh hưởng trong thời gian Covid-19 bùng phát.

Theo đó, đại dịch đã khiến trẻ thay đổi các thói quen hằng ngày. Về cơ bản, tất cả trẻ em phải thay đổi thói quen ở trường. Bởi, các trường học thực hiện biện pháp như học từ xa, rút ngắn ngày học, thực hiện giãn cách và đeo khẩu trang khi đến lớp. Các hoạt động sau giờ học và câu lạc bộ thể dục thể thao, nhạc họa bị ngưng.

“Nhiều trẻ em cũng đã thay đổi các thói quen tại nhà, bao gồm lịch sinh hoạt, ngủ nghỉ. Bởi, cha mẹ làm việc từ xa hoặc các tác nhân gây căng thẳng về tài chính do phụ huynh mất việc làm, giảm thu nhập… Nhiều sự thay đổi này có thể dẫn đến cảm giác đau khổ và bất ổn. Từ đó, dẫn đến các triệu chứng như trầm cảm hoặc rối loạn hành vi”, chuyên gia Thuý Trinh giải thích.

Ngoài ra, hầu hết trẻ cũng bị giảm cơ hội tiếp xúc với những người khác. Trẻ phải giữ khoảng cách với các bạn khi ở trường. Thậm chí, trẻ phải hạn chế đến nhà bạn, giao lưu với hàng xóm hoặc thăm người thân. Do đó, sự mất kết nối xã hội này có thể dẫn đến việc tăng cảm giác buồn chán. Đồng thời, hạn chế các nguồn lực mà trẻ em có thể cần được hỗ trợ để đối phó với những căng thẳng trong đại dịch.

“Người lớn cũng đã thay đổi thói quen và gia tăng mức độ căng thẳng do hậu quả của đại dịch. Nhiều nghiên cứu cho thấy, căng thẳng có thể tác động lớn đến hành vi nuôi dạy con, khiến cha mẹ có xu hướng thiếu quan tâm và kỷ luật nghiêm khắc hơn. Hành vi phiền muộn và có vấn đề ở trẻ em do kết quả của việc gián đoạn các thói quen có thể trở nên trầm trọng hơn khi cha mẹ căng thẳng phản ứng với con mình theo những cách ít nồng nhiệt, nhạy cảm và nhất quán hơn bình thường”, chuyên gia dẫn chứng.

Bên cạnh đó, khi tiếp cận với các thông tin tuyên truyền về Covid-19, trẻ sẽ nhận thấy, việc tương tác với những người khác sẽ nguy hiểm. Điều đó tăng sự chú ý của trẻ đối với các mối đe dọa tiềm ẩn, dẫn đến cảm giác lo lắng liên tục. Hoặc, trẻ có thể có hành vi bộc phát, nổi cơn thịnh nộ.

Theo bà Thuý Trinh, để giúp trẻ hiểu và thực hiện theo khuyến cáo, người lớn nên nói rằng, chúng ta cần ở nhà, giữ khoảng cách với người khác. Đồng thời, đeo khẩu trang mọi lúc ở nơi công cộng và làm mọi thứ chúng ta có thể để tránh lây Covid-19.

Trong bối cảnh dịch bùng phát, không ít trẻ phải chứng kiến sự ra đi của người thân. Những đau buồn đó sẽ là một trải nghiệm khó khăn, căng thẳng và đau khổ mà trẻ và gia đình gặp phải. Theo bà Thuý Trinh, sự gia tăng về các vấn đề sức khỏe tâm thần ở trẻ tương tự ở người lớn. Tuy nhiên, có một số lý do khiến những trải nghiệm trong thời Covid-19 có thể ảnh hưởng đến trẻ theo những cách riêng.

“Một khác biệt chính là nhận thức ở người lớn tốt hơn. Người lớn thường dễ dàng hiểu rằng, điều này cũng sẽ trôi qua và có các hành động để đối phó với những tình huống căng thẳng, ngay cả thách thức đại dịch toàn cầu kéo dài hằng năm.

Ngược lại, đối với trẻ em, một năm là khoảng thời gian rất dài trong cuộc đời ngắn ngủi này. Trẻ có rất ít khả năng kiểm soát môi trường sống của mình và phải thay đổi mà có thể chưa hiểu rõ vì sao phải làm vậy. Trẻ đang học trực tiếp tại trường phải chuyển qua học cả ngày trên phần mềm Zoom. Điều này khiến trẻ có thể cảm thấy mất kiểm soát và đau khổ vì những gián đoạn lớn đối với môi trường của chúng”, chuyên gia nhấn mạnh.

Để hỗ trợ trẻ trong trong thời gian khó khăn này, phụ huynh được khuyến khích tạo cảm giác an toàn và ổn định ở nhà. Các gia đình có thể tạo thói quen mới an toàn để đối phó với Covid-19, như tổ chức buổi xem phim tại nhà. Trẻ cũng có thể kết nối với người thân và bạn bè từ xa trong một khoảng thời gian nhất định, bằng cách trò chuyện qua video, đeo khẩu trang khi đến nơi công cộng hoặc viết thư cho người thân.

“Bản thân các phụ huynh cũng nên tự kiểm tra và theo dõi sức khỏe tinh thần của chính mình. Bởi, cách nhìn nhận và tương tác của cha mẹ với trẻ sẽ giúp tạo tiền đề cho cách chúng nhìn nhận và đối phó với khoảng thời gian chưa từng có trong cuộc đời này”, bà Thuý Trinh chia sẻ.

Trong khi đó, theo bà Phan Hồ Điệp - giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội, khi trẻ căng thẳng do đại dịch, phụ huynh có thể đáp lại phản ứng đó theo cách hỗ trợ.

“Cho trẻ thêm thời gian và sự chú ý. Lắng nghe mối quan tâm của trẻ, nói chuyện tử tế và trấn an chúng. Giữ trẻ em gần gũi với cha mẹ và gia đình, tránh xa cách chúng. Nếu sự phân tách xảy ra, hãy bảo đảm liên lạc thường xuyên và trấn an”, bà Phan Hồ Điệp khuyến khích.

Ngoài ra, trẻ cần được giữ thói quen và lịch trình thường xuyên càng nhiều càng tốt. Cha mẹ cũng có thể tạo ra những điều mới mẻ trong môi trường sống, cho trẻ thời gian để vui chơi và thư giãn một cách an toàn.

“Cung cấp sự thật về tình huống, nó đã xảy ra như thế nào và những gì đang xảy ra hiện tại. Cung cấp thông tin rõ ràng về cách giảm nguy cơ bị nhiễm bệnh bằng ngôn ngữ mà trẻ hiểu (tuỳ vào độ tuổi) để trẻ yên tâm”, nữ giảng viên cho biết.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Học sinh tỉnh Điện Biên hào hứng với trải nghiệm đẩy xe đạp thồ. Ảnh: Báo Điện Biên.

Xây dựng những 'đại sứ' lịch sử

GD&TĐ - Nhiều địa phương, trường học tổ chức các hoạt động giáo dục hướng tới kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ (7/5/1954 - 7/5/2024).
Minh họa/INT

Truyền cảm hứng

GD&TĐ - Lịch sử là môn học góp phần giúp học sinh hình thành nhân cách, nhân sinh quan cũng như lòng yêu nước, ý thức xây dựng, bảo vệ Tổ quốc...