Cảnh báo rối loạn tâm thần thời Covid-19

GD&TĐ - Theo thống kê, từ đầu năm đến hết tháng 10 năm nay, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 81 bệnh nhân vào khu cách ly Covid-19 dành riêng cho người có dấu hiệu tâm thần.

Các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị cho bệnh nhân tại khu cách ly Covid-19.
Các bác sĩ tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội điều trị cho bệnh nhân tại khu cách ly Covid-19.

Theo một khảo sát mới của WHO, đại dịch Covid-19 đã làm gián đoạn hoặc tạm dừng các dịch vụ chăm sóc sức khỏe tâm thần quan trọng ở 93% quốc gia trên toàn thế giới. Trong khi đó, nhu cầu về chăm sóc sức khỏe tâm thần ngày càng tăng…

Cuộc khảo sát trên 130 quốc gia cung cấp dữ liệu toàn cầu đầu tiên cho thấy tác động tàn phá của Covid-19 đối với việc tiếp cận các dịch vụ sức khỏe tâm thần và nhấn mạnh nhu cầu cấp bách về tăng cường tài trợ cho lĩnh vực này.

Cuộc khảo sát được công bố trước Sự kiện lớn về sức khỏe tâm thần của WHO - một sự kiện vận động trực tuyến toàn cầu vào ngày 10/10.

Tại Việt Nam, theo thống kê mới đây, từ đầu năm đến hết tháng 10, Bệnh viện Tâm thần Hà Nội tiếp nhận 81 bệnh nhân vào khu cách ly Covid-19 dành riêng cho người có dấu hiệu tâm thần. Trong đó, bệnh viện ghi nhận một bệnh nhân nữ xuất khẩu lao động sang Nhật Bản gần một năm.

Do Covid-19 bùng phát, người này phải nghỉ chỗ làm cũ, bởi thu nhập không đủ để chi trả phí sinh hoạt. Không tìm được công việc khác, người này về nước và phải cách ly tập trung ngay sau khi nhập cảnh theo quy định.

Tuy nhiên, vài ngày sau khi ở khu cách ly tập trung, chị bắt đầu mất ngủ, nói lảm nhảm, đi lại như người mất hồn. Sau đó, người này được chuyển đến điều trị ở khu cách ly Covid-19 dành riêng cho người có dấu hiệu tâm thần tại Bệnh viện Tâm thần Hà Nội.

Bác sĩ tại khu cách ly Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân.
Bác sĩ tại khu cách ly Bệnh viện Tâm thần Hà Nội chuẩn bị thuốc cho bệnh nhân.

Chia sẻ về tình trạng này, BSCK2 Lê Hồng Phong - Bệnh viện Tâm thần Hà Nội, cho biết: "Có rất nhiều nhóm người vào khu cách ly Covid-19 tại bệnh viện. Nhóm chính là những người không rõ tiền sử về dịch tễ, đi lang thang. Họ được đưa vào khu cách ly để sàng lọc xem liệu có nhiễm Covid-19 không".

Cũng theo chuyên gia này, sau 14 ngày cách ly, các bệnh nhân sẽ được chuyển về khoa để tiếp tục điều trị. Bên cạnh đó, khu cách ly cũng tiếp nhận những bệnh nhân ở bệnh viện khác chuyển tới. Những người này có biểu hiện sốt, viêm đường hô hấp, cũng như có triệu chứng tâm thần. Một nhóm bệnh nhân khác là người được chuyển tới từ các khu cách ly tập trung, có dấu hiệu rối loạn tâm thần.

Theo các bác sĩ, trong những tác động tiêu cực về mặt tâm lý do dịch bệnh, có những yếu tố có thể là chất xúc tác thúc đẩy quá trình bệnh lý tâm thần diễn ra nhanh hơn. Vì vậy, trong thời điểm dịch bệnh, bệnh nhân tâm thần cần được chăm sóc tốt hơn, đồng thời phải tuân thủ việc điều trị.

Dấu hiệu ở bệnh nhân tâm thần bao gồm mất ngủ hoàn toàn trong 24 giờ. Một số trường hợp rối loạn định hướng không gian và thời gian, như không thể xác định được mình đang ở đâu, lúc này là thời điểm nào trong ngày. Cùng với đó là hoang tưởng và ảo giác.

Bệnh nhân thường có ảo giác là nhìn thấy những hình ảnh không có thật như các động vật nhỏ (kiến, gián, chim, chuột) hoặc các hình ảnh ghê rợn (ma quỷ).

Dấu hiệu tâm thần khác là phản ứng stress cấp. Đây là một rối loạn tâm thần đột ngột xuất hiện ngay sau khi nhận thông báo đi cách ly hoặc bắt buộc điều trị do nhiễm Covid-19. Cuộc sống bị gián đoạn và xáo trộn bất ngờ khiến bệnh nhân không kịp thích ứng. Bệnh nhân có thể biểu hiện bằng chết lặng hoặc kích động như khóc lóc, la hét, bỏ chạy, van xin...

Triệu chứng thứ ba là lo âu lan tỏa. Khi tình trạng phong tỏa xã hội kéo dài vài tháng, việc cách ly trong không gian hẹp dài ngày khiến nếp sống bị đảo lộn hoàn toàn. Khi đó, một số người sợ bị nhiễm Covid-19 hoặc, quá căng thẳng vì mất khả năng chi trả các hóa đơn.

Trong tình hình cả nước phòng dịch bệnh, bác sĩ Phong khuyến cáo, người có tiền sử hoặc đang điều trị tâm thần không tự ý ngừng hoặc bỏ thuốc điều trị. Nếu lịch tái khám định kỳ bị hoãn do dịch, người bệnh nên tư vấn từ xa với nhân viên y tế theo đúng hẹn.

Người mất ngủ thường xuyên từ hai tuần trở lên, dùng thuốc ngủ không hiệu quả, tinh thần suy sụp, cảm thấy buồn chán, lo âu nhiều... bác sĩ đề nghị đến bệnh viện khám và điều trị sớm.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ