Học thêm hè: Không thể lạm dụng!

GD&TĐ - Khi năm học sắp kết thúc, học sinh bước vào kì nghỉ hè 3 tháng cũng là lúc nỗi lo gửi con của hầu hết các gia đình xuất hiện. Không thể mang con tới cơ quan cùng cha mẹ, không thể gửi hoàn toàn về quê với ông bà nội ngoại thì việc ghi tên vào các khóa học năng khiếu, ngoại ngữ, kĩ năng sống… trở nên “thượng sách”.

Học thêm hè: Không thể lạm dụng!

Mô hình học hè thay trông trẻ từ lâu đã trở thành lời giải quen thuộc của nhiều gia đình cho dù trẻ không có nhu cầu học tập và chỉ muốn được giải trí vui chơi thuần túy.

Khổ vì học hè

Gửi con học hè dường như trở thành nhu cầu, sự lựa chọn “nóng” của hầu hết các bậc cha mẹ trong suốt ba tháng hè. Giờ đây việc học hè không mang nhiều kỳ vọng để trẻ được tìm ra năng khiếu từ đó bồi dưỡng hoàn thiện hơn về kiến thức, năng khiếu… mà với nhiều ông bố bà mẹ, đơn thuần học hè chỉ là có chỗ gửi trẻ.

Chị Hương – Chùa Bộc (Hà Nội) kể: Năm ngoái, để tránh bị động vất vả trong việc quản lý con những tháng hè nên từ đầu tháng 5 chị đã tìm và đăng ký cho con vào lớp học tiếng Anh. Mặt khác, chị luôn suy nghĩ học hè thì dù sao cũng chơi là chính học là phụ, các chương trình đã được thay đổi để các con không chịu nhiều áp lực kiến thức.

Hơn nữa, gửi con vào lớp học ngoại ngữ chẳng thiệt đi đâu chút nào bởi tiếng Anh luôn cần thiết cho trẻ trong suốt quá trình học tập, không hỗ trợ kiến thức được nhiều thì cũng được ít mà trẻ tránh được nắng nóng, có bạn bè chơi học cùng, có người giám sát…

Thế nhưng, điều chị không ngờ tới cậu con trai 10 tuổi không hề thích thú, thậm chí luôn tạo lý do để né tránh việc tới lớp ngoại ngữ hàng ngày. Nay đau bụng, lúc bị ốm, khi khóc lóc nói không thích học ngoại ngữ… Kết quả sau 3 tháng học tại trung tâm ngoại ngữ, con chị không những chẳng thu được kiến thức mà sinh ra sợ học bởi bản thân không có hứng thú và thấy được sự bổ ích.

Việc cho con trải nghiệm kĩ năng sống, học năng khiếu, bồi đắp thêm kiến thức từ các khóa học hè, giúp trẻ phát triển toàn diện là mong muốn chính đáng của các bậc phụ huynh. Tuy nhiên, trước khi đăng ký ghi tên cho con vào những khóa, lớp học này lại đòi hỏi sự hiểu biết, tìm hiểu kĩ càng nguyện vọng, mong muốn của trẻ cũng như sự cân nhắc lựa chọn phù hợp.

Rất nhiều cha mẹ đã hối tiếc khi gửi con theo học khóa kĩ năng sống, khóa tu ở thiền viện… trong hè với mong muốn con được giao tiếp, mạnh dạn, tránh nghịch ngợm, không tiếp xúc với ti vi máy tính quá nhiều nếu ở nhà. Đồng thời qua đó uốn nắn con có sự điềm tĩnh trong tính cách.

Thế nhưng, sự rèn luyện khắc nghiệt trong sinh hoạt hàng ngày khác hẳn với cuộc sống ở gia đình, không có sự thích nghi nên trẻ gần như bị sốc và không theo kịp, khóc lóc mếu máo gọi điện đòi về. Điều đó không quá khó hiểu bởi nội dung hướng dẫn cách tọa thiền, tu luyện Phật pháp, những bài giảng liên quan đến Phật pháp… trẻ em chưa thể cảm nhận hết ý nghĩa và thậm chí nhiều em tỏ ra hoang mang lo sợ.

Anh Hà Kiên – Thanh Xuân (Hà Nội) kể chuyện gửi con trai 12 tuổi vào lớp học kỳ quân đội. Con được huấn luyện xa nhà hơn 20 km, tách rời độc lập khác biệt môi trường sống hàng ngày. Vốn là một cô bé được gia đình hỗ trợ về mọi mặt từ sinh hoạt hàng ngày tới học tập bé phải tự giặt quần áo, lau nhà, vo gạo nấu cơm, ngủ và thức dạy đúng giờ… và đặc biệt không được gặp cha mẹ hàng ngày.

Tất cả những điều mới lạ trong rèn luyện cuộc sống khiến bé không kịp thích nghi và tỏ thái độ không hợp tác, đòi về. Dù được thầy huấn luyện, bố mẹ khuyên giải ra sao bé cũng nằng nặc đòi về bỏ ngang khóa học kỳ quân đội dù chưa được quá 5 ngày. Chục triệu tiền học phí khóa học đành bỏ phí bởi sự bỏ dở.

Thực tế học hè đã cho thấy, không ít trẻ bỏ dở khóa học trải nghiệm, năng khiếu, kiến thức… đều do cha mẹ không tìm hiểu nguyện vọng của con thay vì kỳ vọng gửi gắm niềm tin của chính mình vào đó. Thay vì tìm hiểu kĩ càng nội dung chi tiết khóa học có cần thiết, mang lại lợi ích ra sao, phù hợp không với tính cách trẻ… thì nhiều cha mẹ lại suy nghĩ con gái thì phải học múa, con trai học võ, dốt ngoại ngữ thì phải tranh thủ thời gian để bổ sung.

Học hè không thể nghĩ đơn giản là có chỗ gửi trẻ, cho trẻ một chỗ bổ sung kiến thức năng khiếu, sự trải nghiệm mà các em chưa biết tới. Hãy cho trẻ một kỳ nghỉ hè đúng nghĩa, với sự vui chơi hình thức trải nghiệm bồi dưỡng phù hợp thay vì những suy nghĩ thiếu khoa học, hợp lý sẽ làm ảnh hưởng, biến mất kỳ nghỉ hè quý giá của trẻ.

Cha mẹ cần hiểu biết

Bồi dưỡng kĩ năng sống dường như đang trở thành “mốt” ở các bậc phụ huynh khi trẻ bước vào kỳ nghỉ hè. Thế nhưng, sự hiểu biết của cha mẹ và ngay cả những huấn luyện viên ở các trung tâm tổ chức hoạt động trải nghiệm lại có phần hạn chế, thiếu kinh nghiệm hướng dẫn và dẫn tới lạm dụng việc bồi đắp kĩ năng sống.

Lời khuyên từ các chuyên gia với người làm cha mẹ là cần có sự cân nhắc lựa chọn những khóa học trải nghiệm; đơn vị tổ chức, kiểm tra tìm hiểu các nội dung hoạt động trong khóa trải nghiệm… Không thể chỉ vào những hình ảnh, lời quảng cáo mà quên đi việc cân bằng giữa lý thuyết với thực hành. Trong mỗi khóa trải nghiệm phải thấy được phương thức huấn luyện, độ phù hợp về tâm lý người trải nghiệm, huấn luyện viên phải là người từng trải có khả năng thể hiện sự trải nghiệm, biểu hiện cảm xúc, tri thức, tâm lý…

Nếu trải nghiệm một cách máy móc trong một thời gian ngắn với những công việc hàng ngày như dọn dẹp, quét nhà, gấp chăn màn, cách đi đứng nói cười… thì kĩ năng sống đó cũng chưa phải là toàn diện. Vô hình chung đây chỉ là cách rèn luyện kĩ năng sống trong một khoảng thời gian ngắn nhất định theo một khuôn khổ mà người được rèn luyện hoàn toàn bị động về nhận thức, sự tự giác.

Kinh nghiệm của rất nhiều gia đình trong việc rèn luyện kĩ năng sống, cho con những trải nghiệm quý giá trong hè đã được chia sẻ. Chẳng hạn khi muốn con hiểu giá trị của lao động, các công việc hàng ngày của người nông dân thì không nhất thiết cứ phải là thông qua các trung tâm, lớp học kĩ năng sống tập thể. Gia đình có thể gửi con về với ông bà ở nông thôn, dành thời gian cho con tham quan trải nghiệm cuộc sống, văn hóa, phong tục tập quán ở nhiều vùng quê khác.

Như vậy trẻ được trải nghiệm một cách khá tự nhiên, được trực tiếp tiếp xúc với thực tế một cách hiệu quả. Các khóa học kỹ năng mềm về lý thuyết là hữu ích. Nhưng chắc chắn kĩ năng sống, trải nghiệm tốt không thể dễ dàng hình thành và làm biến đổi con người hoàn toàn chỉ trong một khoảng thời gian ngắn.

Học kỹ năng sống không nhất thiết chỉ quanh quẩn với những học kỳ quân đội, với những khóa tu… mới tốt. Ngay từ gia đình hãy để trẻ được trực tiếp với những công việc như đi chợ, mua sắm, công việc nhà.

Cho trẻ học ngoại ngữ tốt hơn khi tạo cơ hội được giao tiếp với người nước ngoài trên phố đi bộ, khu du lịch. Đặc biệt, nếu cha mẹ quyết định gửi con tới các khóa học kỹ năng sống, khóa trải nghiệm mùa hè cần hết sức quan tâm đến sự phù hợp từ tâm lý, kiến thức kĩ năng tới sức khỏe thể trạng của trẻ.

Khi trẻ không thấy thích, không hứng thú và thiếu sự chủ động thì tránh việc ép buộc. Khi tìm khóa học trải nghiệm cần tham khảo hiệu quả, sự phản hồi tác dụng cũng như chất lượng từ những cha mẹ có con từng theo học.

Khuyến cáo từ các chuyên gia tâm lý cho rằng: Để việc học tập, tiếp thu kiến thức, trải nghiệm kĩ năng sống… chỉ đạt hiệu quả khi bản thân người học, người trải nghiệm tự giác, hứng thú. Học tập một cách bị động, trái ngược mong muốn không chỉ khó đạt được hiệu quả mà thậm chí trẻ có nguy cơ rơi vào trạng thái sợ học, biểu hiện cảm xúc tiêu cực chống đối, nặng hơn có thể dẫn tới trầm cảm. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Lễ kết nạp đảng viên đối với anh Nguyễn Cảnh Cường (bìa trái) - Giám đốc thú y cụm trang trại 2 kiêm chuyên gia thú y của Dự án chăn nuôi bò sữa TH ở Nga.

Phía sau những ly sữa tươi sạch

GD&TĐ - Một trong những yếu tố căn bản phía sau làm nên thương hiệu sữa tươi TH chính là kinh nghiệm trong công tác xây dựng Đảng của Đảng bộ Công ty.