Cùng con “tuyển gia sư online”

Cùng con “tuyển gia sư online”

Hợp xu thế

Tìm kiếm với cụm từ "gia sư trực tuyến", chỉ trong 0,4 giây Google cho gần 50 triệu kết quả liên quan. Muôn vàn lựa chọn cho các bậc phụ huynh có nhu cầu tìm người dạy kèm qua mạng cho con.

Gia sư trực tuyến phổ biến tại nhiều nước phát triển như Mỹ, Ấn Độ, Singapore, Anh, Đức, Nhật… Ở Việt Nam, hình thức này còn khá mới mẻ nhưng đã kịp phát triển và phát huy tác dụng trong thời gian giãn cách xã hội do dịch Covid-19.

Kỳ nghỉ hè ngắn ngủi của năm học đang dần khép lại. Nhiều dự định cho những buổi ngoại khóa hay du lịch mà các gia đình thiết kế cho con trải nghiệm cũng phải tạm hoãn vì diễn biến khó lường của dịch bệnh. 

Thay vào đó, các bậc phụ huynh chuyển hướng tìm các khóa học online để bổ sung kỹ năng và kiến thức cho con em mình.

Nhiều chuyên gia giáo dục đánh giá, dịch bệnh đã ghi nhận sự dịch chuyển tự nhiên và vai trò của công nghệ số đối với sự phát triển của xã hội nói chung và sự phát triển toàn diện của giáo dục nói riêng.

Nếu như hình thức học với gia sư trực tiếp là cuộc trao đổi giữa học sinh và gia sư thì với phương thức học với gia sư qua mạng cha mẹ hoàn toàn có thể tham gia cùng con. Nếu có thời gian, cha mẹ cũng có thể tham gia trực tiếp cùng gia sư trực tuyến trong việc hỗ trợ các em giải quyết khó khăn trong học tập một cách tốt nhất, cũng như việc đánh giá chất lượng dạy và học của gia sư với con em mình.

Chị Thái Hà (Đông Anh, Hà Nội) từ lâu đã tìm hiểu và chọn hình thức gia sư trực tuyến cho 2 con theo học. Môn học mà chị lựa chọn cho các con là Tiếng Anh. 

"Lợi ích rõ nhất là hạn chế được thời gian di chuyển mà các con vẫn được học chương trình chất lượng với một nhóm học viên cùng giáo viên người bản ngữ qua một phòng học trực tuyến. Lúc đầu tôi cũng chỉ cho con học để thăm dò nhưng dần dần nhận thấy, hình thức học online mang lại nhiều lợi ích hơn mình nghĩ", chị Thái Hà chia sẻ.

Cùng với sự phát triển của công nghệ tiên tiến như lớp học ảo, giáo trình điện tử, học qua phần mềm hoặc các mạng xã hội như Zalo, Skype, Facebook… Công nghệ số giúp gia sư và học viên tương tác với nhau gần như một lớp học trực tiếp, thu hẹp được khoảng cách giữa người dạy và người học.

Cách nào để học hiệu quả?

Theo tâm lý học, trẻ dù có bạo dạn đến đâu vẫn có chút tâm lý e ngại và giữ khoảng cách với giáo viên của mình. Với hình thức học trực tuyến, trẻ sẽ cảm thấy thoải mái hơn rất nhiều khi không phải chịu những áp lực trực tiếp từ người dạy, thậm chí có thể tự tin đặt câu hỏi mà không bị tâm lý ngại ngùng ngăn cản… Giữa thầy và trò có sự thoải mái nên việc tiếp thu bài có thể sẽ tốt hơn.

Theo ThS Lại Hương Giang, người sáng lập Hương Giang Academy (chuyên giảng dạy tiếng Anh cho người Việt và tiếng Việt cho người nước ngoài): "Học online sẽ giúp học sinh và giáo viên sắp xếp thời gian và địa điểm học linh động. Nhất là mùa Covid thì đây là sự lựa chọn tối ưu và sáng suốt. Phụ huynh tiết kiệm được thời gian đón đưa, góp phần giảm tắc nghẽn giao thông và bảo vệ môi trường. 

Đặc biệt là giảm rủi ro khi tham gia giao thông. Cùng với đó, tiết kiệm chi phí, được chọn lựa thầy cô có chuyên môn sâu rộng, phù hợp với học sinh mặc dù cách xa địa lý: Khác tỉnh, thành phố hoặc khác đất nước".

Cùng với đó, gia sư qua mạng, giáo viên sẽ ở nhà, làm việc đúng giờ, không mất thời gian đi lại, thời gian chờ đợi có thể chuyển sang làm việc khác. Tính về hiệu quả công việc và kinh tế thì rõ ràng gia sư qua mạng chiếm ưu thế hơn nhiều. Nhất là điều này lại có lợi cho cả học viên và gia sư.

Với bất cứ phương thức học tập nào, cũng vẫn phải chú trọng sự truyền tải kiến thức và truyền động lực từ giáo viên. Cùng với đó là ứng dụng thực tế các kiến thức đã học vào đời sống hàng ngày. Tuy nhiên, phụ huynh cần rèn con tính tự giác, kết nối và cùng trao đổi với giáo viên về giờ học, để tránh học sinh chơi game hoặc chơi trò chơi trên điện thoại/ máy tính.

Để chọn cho con một lớp học trực tuyến hiệu quả, chuyên gia Đinh Thu Hoài (Trung tâm Kỹ năng Inslight) chia sẻ: Là người điều hành một trung tâm kỹ năng sống luôn đầy ắp học sinh theo học nhưng trong giai đoạn dịch bệnh, tôi ủng hộ các khóa học online cho trẻ. Tuy nhiên, hiện nay nhiều gia đình chọn môn học hè cho con thường theo suy nghĩ và mong muốn của cha mẹ, ít theo nhu cầu thực có của từng đứa trẻ.

Các bố mẹ thường nhìn xung quanh, soi bạn bè, hàng xóm cho con học gì thì sẽ theo đó mà cho con học. Ví dụ rõ nét nhất là tình trạng học Tiếng Anh hết sức ồ ạt không theo nhu cầu thực của đứa trẻ. 

Có một số gia đình khi không trông được con thì đã đăng kí cho con học các chương trình online để hi vọng con ngồi yên, không phá phách chứ không quan tâm điều đó lợi hay hại cho chính đứa trẻ.

"Để việc học của con thật sự hiệu quả, cha mẹ cần phải nắm được chính xác con mình cần gì và thiếu gì. Điều quan trọng hơn nữa là chọn được "người truyền lửa" phù hợp, giúp khơi gợi khả năng tư duy sáng tạo của trẻ. 

Bên cạnh đó, các bố mẹ cần cùng con xây dựng được kế hoạch và mục tiêu học tập trong suốt hành trình 18 năm đầu đời. Có như vậy, bố mẹ sẽ biết giai đoạn nào con nên học gì và bố trí lớp học cho con phù hợp", bà Đinh Thu Hoài nhấn mạnh.

Còn theo ThS Lại Hương Giang, trước khi chọn một khóa học trực tuyến, phụ huynh hãy dành thời gian xem chương trình học, giáo viên đó có thực sự tốt như lời quảng cáo? Cách dạy có thực sự hiểu quả hay không? Vì giờ rất nhiều khóa học online chỉ dạy trên video, gửi qua email và không có trao đổi trực tiếp với giáo viên. 

Như vậy người học sẽ không được kiểm tra kiến thức liên tục, không được nhận xét hàng tuần, hàng ngày của giáo viên. Sự hạn chế tương tác và dẫn dắt sẽ khiến các chương trình tự học online kém hiệu quả hơn chương trình có tương tác với giáo viên.

"Trước đây, phải đầu tư rất nhiều tiền để đi du học. Nhưng thời đại 4.0, bạn có thể ở bất kỳ nơi đâu, chỉ với 1 máy tính kết nối Internet là có thể học lấy bằng đại học hoặc các bằng cấp quốc tế được cấp bởi các trường danh giá trên thế giới. Học online sẽ giúp bạn tiết kiệm được rất nhiều thời gian, tiền bạc nếu bạn nỗ lực, xác định rõ được mục tiêu và biết cách tự học", ThS Lại Hương Giang nhận định.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Minh họa/INT

Thực tế chưa hẳn như biểu hiện

GD&TĐ - Cuộc trả đũa của Iran ngày 12/4 vừa qua tạo bước ngoặt mới trong mối quan hệ đầy thù địch và căng thẳng giữa nước này và Israel.