Cùng với mẹ, những đứa trẻ rất cần sự quan tâm, sát cánh của người bố để sẵn sàng đối mặt với thử thách và trở nên mạnh mẽ, vững vàng, độc lập trong cuộc sống.
Những ông bố “vắng mặt”
Theo Thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bình, người sáng lập Coach Bình An: Trong hành trang trưởng thành của nhiều đứa trẻ, bố luôn là người vô hình, ít tương tác, giao tiếp. Những người đàn ông này nghĩ rằng, việc nuôi dạy con là trách nhiệm của người mẹ, những gì họ cần làm là kiếm tiền để tạo điều kiện kinh tế tốt nhất cho gia đình.
Tuy nhiên, sự “vắng mặt” của người bố có thể khiến trẻ lạc lối trong quá trình hình thành nhân cách như con trai thiếu nam tính, con gái không biết hoà hợp với người khác giới. Những đứa trẻ luôn có bố đồng hành sẽ có chỉ số trí tuệ cảm xúc và óc sáng tạo cao hơn những đứa trẻ nhận sự thờ ơ từ bố.
Khi một ông bố luôn lấy công việc bận rộn làm cái cớ để trốn việc gia đình cũng như chăm sóc con cái sẽ xuất hiện một người vợ luôn lo lắng và tiêu cực. Người mẹ đó vô thức sẽ truyền năng lượng xấu tới trẻ, ảnh hưởng đến tính cách cũng như hành vi của trẻ sau này, đặc biệt những bé trai.
Một đứa trẻ vắng sự chăm sóc giáo dục của người bố có thể trở thành những con người hèn nhát và dễ nản chí, luôn có cảm giác không an toàn và hay lo âu. Nhân cách của đứa trẻ sẽ thiếu ổn định và không chắc chắn. Khi trưởng thành, những đứa trẻ này có tính khí thất thường.
Vai trò của người bố trong giáo dục con
Theo các chuyên gia tâm lý học, người phụ nữ trở thành người mẹ thông qua một quá trình mang tính sinh học, trong khi người đàn ông trở thành người bố thông qua một hệ thống manh tính biểu tượng do xã hội đặt ra.
Theo thạc sĩ tâm lý Nguyễn Bình, người bố có vai trò đối trọng, tung – hứng trong các yêu cầu hay can thiệp vào hành vi của trẻ. Ở vị trí đối trọng, người bố sẽ khiến con thấy rõ hơn những giá trị yêu cầu của mẹ. Ví dụ, người mẹ “Con phải làm xong bài tập này mới được đi chơi” thì người bố “Đúng rồi, bài tập không khó lắm đâu, con làm xong hai bố con mình đi chơi”…
Người bố cũng là người giám sát để nhìn ra những hạn chế, thiếu sót của người chăm sóc, đồng thời là người có khả năng thay thế hay tham gia vào một vài “tiết mục”. Ở vai trò này, người bố sẽ phát hiện ra những thiếu sót khi mẹ tiến hành các biện pháp giáo dục trẻ. Điều này sẽ đòi hỏi ở người bố một sự trao đổi, tương tác chặt chẽ với người mẹ, có thống nhất cao trong các quan điểm.
Không chỉ có vậy, trong quá trình nuôi dạy con cái, các bà mẹ thường hay đưa ra các hình phạt với con nhiều hơn bố. Nhưng cách những ông bố trừng phạt con mình lại hiệu quả hơn các mẹ bởi người bố cũng có xu hướng cứng rắn hơn với con cái, hơn hẳn các bà mẹ. Họ thường cương quyết và nghiêm nghị trong các nguyên tắc và hình phạt để con hiểu nếu chúng có những hành vi không đúng đắn, chúng sẽ bị bố phạt nặng.
Như vậy, sự tham gia của người bố trong việc chăm sóc con cái ngay từ những năm đầu tiên sẽ khiến cho đứa trẻ có được nhận thức tốt về người bố của mình sớm hơn. Người bố chính là người sẽ giúp đứa trẻ thoát được thế giới riêng biệt của nó, nhận biết thế giới xung quanh. Bố chẳng thể nào là mẹ nhưng người bố lại luôn có một vị trí quan trọng, cần thiết trong việc chăm sóc, giáo dục trẻ.
Hãy… làm bố
Chị Nhung (Cầu Giấy, Hà Nội) kể: Nhân ngày của bố, cậu con trai 7 tuổi đã tự làm một tấm thiệp vẽ tàu vũ trụ tặng bố, kèm lời giải thích với cô giáo rằng: “Nhờ có bố mà con biết đến nhiều điều thú vị ngoài không gian”. Trong giờ học, cô giáo yêu cầu mỗi bạn kể 3 điều mà bố khiến con yêu. Con trai đã kể liến thoắng: Bố cùng con đạp xe, đi bơi; bố luôn đọc sách cùng con; bố luôn chơi bóng đá cùng con.
Nhà văn Trương Thuỳ Chi cho rằng: Bên cạnh một người phụ nữ nuôi dạy con tốt sẽ luôn có hình bóng một người đàn ông. Đặc điểm chung của những người phụ nữ này là không phải chỉ có mỗi họ quan tâm đến việc chăm sóc, nuôi dạy con cái mà cả những người đàn ông bên cạnh họ cũng vậy. Đó có thể là ông bố kiên nhẫn ngồi đọc sách cho con mỗi ngày, là ông bố sẵn sàng dành thời gian chơi cùng con, là ông bố chăm chỉ đưa con ra ngoài nhảy nhót, hoạt động. Hay đơn giản chỉ là ông bố luôn động viên và hợp tác cùng vợ với những phương pháp dạy con hàng ngày.
Theo nhà văn Trương Thuỳ Chi: Có lẽ ngay từ khi còn là một thai nhi trong bụng mẹ, em bé đã dễ dàng nhận diện giọng trầm của bố và có cảm giác yên tâm hơn. Những đứa trẻ nhận được đầy đủ sự quan tâm và chăm sóc từ bố sẽ tiếp tục trở thành người bố, người mẹ biết chia sẻ và lắng nghe trong tương lai.
Một nghiên cứu từ trường Đại học Newcastle cho thấy, những đưa trẻ được bố tích cực quan tâm, dành thời gian và tham gia những hoạt động thường ngày sẽ có chỉ số chỉ số cảm xúc (EQ) và sự phát triển vượt trội cả về kỹ năng và nhận thức hơn hẳn những bé thiếu thốn điều này.
Theo Tiến sĩ giáo dục người Việt Nam tại Pháp - Nguyên Kan, tác giả cuốn “Mẹ đoảng dạy con”: Để thực sự san sẻ gánh nặng chăm sóc con cái với vợ, các ông bố nên đảm bảo cung cấp “dịch vụ trọn gói”. Ví dụ, nếu anh là người chịu trách nhiệm thay bỉm cho con, ngoài việc anh cần tự giác làm khi con cần, anh nên biết loại bỉm nào tốt nhất cho con, biết mua bỉm dự trữ cho con, mua bao nhiêu và mua ở đâu giá tốt và kể cả đảm nhiệm tập cai bỉm cho con.
Thời gian này, nhiều địa phương đang phải thực hiện giãn cách xã hội, nhiều gia đình vợ chồng con cái đều ở nhà 24/7. Các ông bố sẽ có nhiều cơ hội và thời gian dành cho việc chăm sóc con cái. Hãy cố gắng tranh thủ điều kiện, dành thời gian quý báu này cùng con lớn lên và thấu hiểu hơn trách nhiệm của người vợ. Gần gũi, quan tâm nuôi dạy con cùng vợ là việc chẳng hề khó khăn đối với các ông bố nhưng khiến con cái trở nên hạnh phúc.