Gia đình có ba thế hệ thổi sáo trúc

GD&TĐ - Hiếm gia đình nào có ba thế hệ đều theo sáo trúc như gia đình NSƯT Đinh Thìn - NSƯT Đinh Linh - nghệ sĩ Đinh Nhật Minh.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh cùng cha mẹ biểu diễn một tiết mục. Ảnh: NVCC.
Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh cùng cha mẹ biểu diễn một tiết mục. Ảnh: NVCC.

Mỗi người sống ở một thời khác nhau nhưng đều có cách gìn giữ, tiếp nối để sáo trúc có vị trí, chỗ đứng trong lòng công chúng.

Hai kỷ niệm với Bác Hồ

NSƯT Đinh Thìn. Ảnh: NVCC.

NSƯT Đinh Thìn. Ảnh: NVCC.

“Giới sáo trúc luôn cảm thấy vinh dự, tự hào khi có 3 thế hệ theo bộ môn này như gia đình nghệ sĩ Đinh Thìn - Đinh Linh - Đinh Nhật Minh. Việc các thế hệ nối tiếp nhau theo bộ môn nghệ thuật truyền thống đã tiếp lửa, tạo niềm tin cho các gia đình nghệ sĩ khác.

Mặc dù còn rất trẻ nhưng Đinh Nhật Minh đã có cách truyền tải tiếng sáo phá cách, sáng tạo, dễ đi vào lòng khán, thính giả, nhất là với người trẻ. Tất cả mới chỉ là khởi đầu, khó khăn, thử thách trước mắt Minh còn rất nhiều. Tôi biết Minh còn nhiều dự định phía trước và tin rằng với nền tảng gia đình, nền tảng kiến thức vững chắc cùng tình yêu, sự say mê với nghề, cậu ấy sẽ làm được nhiều hơn cho sáo trúc” - NSƯT Hoàng Anh (giảng viên Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam).

NSƯT Đinh Thìn (1940 - 2000) là một trong số các nghệ sĩ sáo trúc cùng thời với các NSƯT Ngọc Phan, Hồng Thái… Ông quê ở xã Thanh Hưng, huyện Thanh Chương, tỉnh Nghệ An. Ông ngoại của ông từng là đội trưởng đội bát âm của làng nên từ năm 10 tuổi, ông đã biết thổi sáo.

Năm 1954, ông được tuyển vào Đoàn nghệ thuật Liên khu IV do nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương làm trưởng đoàn và được nhạc sĩ này phát hiện tài năng, với quan điểm: “Ta chọn kỹ năng chứ không chọn hình thức” vì ngoại hình của ông không được đẹp.

Khi làm việc ở Đoàn Chèo Trung ương (nay là Nhà hát Chèo Việt Nam), ông may mắn được cụ Ngô Văn Ly truyền nghề. Ông biểu diễn được nhiều nhạc cụ như sáo trúc, đàn bầu, đàn nguyệt…

Đặc biệt, nghệ thuật trình diễn sáo trúc của ông được xem như vẽ nên bao bức tranh quê hương đậm nét, khắc sâu trong lòng hàng triệu công chúng âm nhạc ở trong nước và trên thế giới.

Lúc công tác tại Đoàn Ca múa nhạc Trung ương (nay là Nhà hát Ca múa nhạc Việt Nam), ông đã tham gia biểu diễn ở hơn 30 nước trên thế giới. Sự trình diễn điêu luyện, tinh tế và đầy sức thuyết phục của ông đã góp phần không nhỏ vào việc nâng cao vị trí của sáo trúc Việt Nam.

Năm 1981, ông giành Huy chương Vàng Hội diễn Ca múa nhạc toàn quốc với phần biểu diễn “Nhớ về nam” (Lý hoài nam).

NSƯT Đinh Linh cho biết: “Vốn sinh ra ở nông thôn nên cha tôi, NSƯT Đinh Thìn, đã sớm biết thổi sáo và ở ông có tinh thần tự học rất lớn. Hồi đó làm gì có trường lớp chính quy để học như thời của chúng tôi nhưng sáo trúc là bộ môn mà tinh thần tự học, sự nỗ lực vươn lên là yếu tố được đặt lên hàng đầu.

Cha tôi chính là tấm gương lớn trong nghề để thế hệ cháu con học tập, noi theo. Việc 3 thế hệ trong gia đình theo sáo trúc cũng là được truyền lửa từ cha tôi và tâm nguyện của ông là càng truyền nghề và làm lan tỏa sáo trúc cho nhiều người càng tốt. Khắc ghi điều đó, thế hệ tôi và con tôi đều cố gắng truyền bá, lan tỏa tiếng sáo dân tộc”.

Cũng theo NSƯT Đinh Linh, ông được cha kể 2 kỷ niệm với Bác Hồ. “Là nghệ sĩ sáo trúc nổi tiếng ở Đoàn Ca múa nhạc Trung ương nên cha tôi thường xuyên được Phủ Chủ tịch mời vào biểu diễn cho Bác Hồ xem khi Người tiếp khách trong nước và quốc tế.

NSƯT Đinh Linh say sưa cùng cây sáo.
NSƯT Đinh Linh say sưa cùng cây sáo.

Thế nhưng, trong mấy lần biểu diễn toàn thấy cha tôi thổi bài “Lý hoài nam”, Bác Hồ mới nói: “Bài này thì rất hay, rất tình cảm nhưng cháu xem có thể biểu diễn bài khác cho mới được không?”. Chính câu hỏi này khiến cha tôi trăn trở, suy nghĩ và quyết tâm học tập cũng như sáng tác thêm nhiều bài mới.

Cha tôi đã không chỉ cải tiến sáo mèo, mà còn sáng tác nhiều tác phẩm nổi tiếng cho nhạc cụ dân tộc, như: “Trăng sáng quê tôi”, “Đường về quê Bác”, “Tiếng vọng quê hương”, “Trên đường chiến thắng”, “Tiếng gọi mùa Xuân”, “Hẹn hò”, “Chim Poong-kle”, “Tre xanh”, “Cội nguồn”...

Câu chuyện thứ 2 là trong một lần Bác Hồ ngỏ ý muốn mượn cây sáo của cha tôi để học. Thế nhưng, Người không thể thổi lên tiếng được. Cha tôi đã hướng dẫn Bác cách đặt tay, đặt môi, đặt hướng cây sáo cho phù hợp và Người đã thổi lên được tiếng. Lúc này Bác Hồ mới cười nói: “Đúng là “Không thày đố mày làm nên””, NSƯT Đinh Linh nhớ lại.

“Trúc Mai House”

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (bìa trái) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (bìa trái) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (bìa phải) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (bìa phải) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (thứ 3, từ phải sang) và mẹ, NSƯT Tuyết Mai (thứ 3, từ trái sang) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

Nghệ sĩ Đinh Nhật Minh (thứ 3, từ phải sang) và mẹ, NSƯT Tuyết Mai (thứ 3, từ trái sang) với các du khách nước ngoài tại 'Trúc Mai House'. Ảnh: NVCC.

NSƯT Đinh Linh có vợ là NSƯT Tuyết Mai. Giữa họ có nhiều điểm chung là đều tốt nghiệp Trường Âm nhạc Việt Nam (nay là Học viện Âm nhạc quốc gia Việt Nam) và từng giành Huy chương Vàng tại Hội diễn Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc (năm 1988).

Sở trường của Tuyết Mai là đàn tam thập lục, sở trường của Ðinh Linh là sáo trúc nhưng họ đã tự lập một ban nhạc Trúc Mai chỉ với hai vợ chồng. Mỗi người có thể chơi nhiều loại nhạc cụ như: T’rưng, K’lông pút, đàn tranh, đàn bầu... “Trúc Mai House” có diện tích mặt bằng 100m2 với năm tầng khang trang.

Đây là một sáng kiến để vợ chồng nghệ sĩ Ðinh Linh tiếp thị cho mình và cho nghệ thuật dân tộc. Họ đã phối hợp với các công ty du lịch và Sở Du lịch TP Hồ Chí Minh tổ chức các show biểu diễn âm nhạc dân tộc ngay tại “Trúc Mai House”.

Mỗi tháng, “Trúc Mai House” tổ chức từ 4 đến 8 buổi biểu diễn phục vụ theo yêu cầu của khách. Ở giữa trung tâm TP Hồ Chí Minh sôi động, “Trúc Mai House” của vợ chồng nghệ sĩ Ðinh Linh - Tuyết Mai là một góc nhỏ mang không gian văn hóa dân gian với những trang trí, nhạc cụ bằng tre nứa...

Những bản chầu văn, các tác phẩm nhạc được chơi từ các nhạc cụ dân tộc đã khiến người ta phải nhớ mãi khi tới đây dù chỉ một lần. Du khách đến với “Trúc Mai House” chủ yếu là khách quốc tế.

Gia đình nghệ sĩ Đinh Linh (người ngồi, bên phải), Đinh Nhật Minh (người ngồi, giữa). Ảnh: NVCC.

Gia đình nghệ sĩ Đinh Linh (người ngồi, bên phải), Đinh Nhật Minh (người ngồi, giữa). Ảnh: NVCC.

Thổi sáo theo phong cách mới

Sinh ra trong gia đình có truyền thống theo sáo trúc, nhưng Đinh Nhật Minh không muốn dựa vào cái bóng của ông nội và cha. Ngay từ năm 12 tuổi, anh được UBND TP Hồ Chí Minh cử đi học tại Học viện Nghệ thuật Quảng Tây (Trung Quốc) theo diện học bổng tài năng trẻ.

Ba năm sau, anh xuất sắc giành giải Nhất độc tấu sáo trúc trong cuộc thi trình diễn nhạc cụ dân tộc và nhạc dân ca tại Học viện. Ở tuổi 27, Đinh Nhật Minh đã sở hữu hơn 10 giải thưởng uy tín trong và ngoài nước, như Huy chương Vàng tại: Liên hoan Ca múa nhạc chuyên nghiệp toàn quốc năm 2012, Liên hoan độc tấu và hòa tấu Nhạc cụ dân tộc toàn quốc năm 2017 và Liên hoan Ca múa nhạc toàn quốc năm 2021...

Với mong muốn góp sức giữ gìn, lan tỏa tình yêu, lòng tự hào với nhạc cụ dân tộc, anh và gia đình đang duy trì những lớp học chơi nhạc cụ truyền thống miễn phí tại TP Hồ Chí Minh. Ghi nhận những cố gắng, nỗ lực của anh, năm 2022, Thành đoàn TP Hồ Chí Minh đã trao tặng Đinh Nhật Minh danh hiệu “Công dân trẻ tiêu biểu TP Hồ Chí Minh”.

Lớn lên trong thời đại công nghệ số, Đinh Nhật Minh tâm niệm cần phải vận dụng mạng xã hội để quảng bá tiếng sáo cũng như sáng tạo, cách điệu từ trang phục cho đến tác phẩm biểu diễn.

Sau quá trình ấp ủ, anh đã trình diễn “The lazy song” bằng 13 nhạc cụ dân tộc, phối lại ca khúc “Despacito” phiên bản dạo quanh Sài Gòn, thổi sáo mèo trong sản phẩm âm nhạc “Để Mị nói cho mà nghe”... gây chú ý với người nghe bằng cách pha trộn tiếng sáo trúc và nhạc điện tử.

Khán giả giờ đã không còn xa lạ với hình ảnh Đinh Nhật Minh trong một số video âm nhạc nhuộm tóc, đeo bông tai và mặc veston lịch lãm hay thỉnh thoảng chọn quần áo phong cách bụi bặm, phong trần. Để tạo không gian gần gũi, thân thiện với khán giả cũng như để bản thân có thể vừa thổi sáo vừa nhảy, anh còn xuất hiện với quần jeans, áo thun.

Nhìn thấy sự phát triển của Đinh Nhật Minh, cha anh, NSƯT Đinh Linh, cho rằng: “Minh là người có “máu” nghệ sĩ, “máu” sân khấu. Đồng thời Minh còn trẻ nên đã cập nhật được công nghệ thông tin, xu hướng âm nhạc, nghệ thuật của giới trẻ để đưa những tác phẩm sáo trúc đến gần hơn với công chúng. Tôi rất hài lòng về sự trưởng thành của Minh.

Theo tôi, thành tích chỉ là một phần mà quan trọng người nghệ sĩ phải có sự trưởng thành. Từ khi Minh đi học ở trong và ngoài nước, tôi hoàn toàn không dạy con sáo trúc mà để tự con phát triển một cách tự nhiên. Tôi không áp đặt con phải thổi sáo thế nào mà miễn sao cho âm nhạc có tình cảm, cảm xúc, lay động được người nghe bởi sự chân tình, gần gũi cùng kỹ thuật điêu luyện”.

Dù đã đạt được một số thành tích nhưng Đinh Nhật Minh khẳng định, bản thân sẽ không dừng lại. “Tôi mong đưa sáo trúc cùng nhiều loại nhạc cụ dân tộc khác đến với sân khấu học đường để học sinh thêm thấu hiểu giá trị âm nhạc dân tộc.

Sắp tới, tôi còn dự tính thực hiện dự án phối âm lại các ca khúc được yêu thích hiện nay; đồng thời hy vọng sẽ mang đến một văn hóa thưởng thức mới về âm nhạc truyền thống cho giới trẻ trong nước và quốc tế. Tôi hiểu hơn ai hết công chúng của mình là ai, họ cần gì. Họ sống ở thời đại 4.0 thì không thể giống với khán giả thời ông nội và cha tôi được”, anh nhấn mạnh.

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Ông Mohamed al-Bashir được bổ nhiệm làm người đứng đầu Chính phủ chuyển tiếp ở Syria.

Mỹ sẽ theo quyết định của Israel?

GD&TĐ - Đoàn Mỹ vừa đến Syria hội đàm với người đứng đầu chính phủ chuyển tiếp Damascus, người Mỹ từng treo giải thưởng 10 triệu đô la cho đầu ông này.