Làng nghề may cờ Tổ quốc

Cờ đỏ sao vàng - biểu tượng thiêng liêng của Tổ quốc đã trở thành niềm tự hào của triệu triệu người con đất Việt.

Khâu khó nhất khi may cờ Tổ quốc là đính và may sao vàng đúng tỷ lệ trên nền cờ. Ảnh: Bình Minh
Khâu khó nhất khi may cờ Tổ quốc là đính và may sao vàng đúng tỷ lệ trên nền cờ. Ảnh: Bình Minh

Những đôi tay cần cù, khéo léo của những người thợ may làng Từ Vân (xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội) từ hàng chục năm nay đã "thổi hồn" cho những lá cờ Tổ quốc với lòng tự hào dân tộc và tình yêu quê hương, đất nước.

Tự hào làng may truyền thống 

Làng Từ Vân từ xưa đã nức tiếng khắp Kinh kỳ bởi nghề truyền thống thêu, dệt. Theo các cụ cao niên trong làng, nghề may cờ Tổ quốc ở làng Từ Vân bắt đầu từ những ngày Cách mạng tháng Tám năm 1945. 

Thời đó, không ít người dân làng Từ Vân lên Hà Nội mở cửa hàng bán các sản phẩm thêu truyền thống trên phố Hàng Bông. Nhiều người trong số họ đã may mắn được trực tiếp tham gia sản xuất tại Tổ Cờ đỏ trên phố Hàng Bông và được giao nhiệm vụ may cờ Tổ quốc phục vụ cách mạng.

Ông Nguyễn Văn Hưởng (xóm 1, thôn Từ Vân) là người có hơn 40 năm làm nghề chia sẻ: "Cụ thân sinh của tôi cùng các cụ trong thôn đã tham gia may cờ từ những năm 40 của thế kỷ trước. Ngày đó, phải làm bí mật chỉ lo bọn mật thám Tây phát hiện bắt giữ, tịch thu thì không có cờ để chuyển cho các tổ chức bí mật của cách mạng". 

Ông Hưởng cho biết, Cách mạng tháng Tám thành công, đất nước giành độc lập như nguồn động lực thôi thúc người dân Từ Vân gắn bó hơn với việc may cờ Tổ quốc. 

Có lẽ vì vậy, mà ngay sau ngày đất nước độc lập, một số thợ có tay nghề cao ở Từ Vân đã đi đến các tỉnh khác trên cả nước để hành nghề và dạy may cờ.

Cho đến nay, người dân làng Từ Vân vẫn luôn tự hào bởi thế hệ cha ông họ là những người đã may những lá cờ đỏ sao vàng đầu tiên ở Hà Nội. Đặc biệt, những lá cờ đỏ sao vàng ở Quảng trường Ba Đình vào ngày 2/9/1945, nơi Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.

Công việc thiêng liêng 

Với người dân Từ Vân, những lá cờ Tổ quốc mang ý nghĩa rất thiêng liêng bởi những ai đã từng gắn bó với nghề may cờ đều tâm niệm, không phải ai cũng may mắn được may cờ và may được cờ. 

Gắn bó với nghề may cờ từ gần 20 năm nay, anh Nguyễn Văn Phục - Thành viên trong gia đình có truyền thống may cờ Tổ quốc và may với số lượng nhiều nhất ở Từ Vân - luôn trăn trở làm sao để may được những lá cờ đẹp nhất, với chất lượng tốt nhất. 

Do đó, từ chỗ chỉ làm thủ công, nhỏ lẻ, anh Phục tự tìm tòi cải tiến các công đoạn để nâng cao chất lượng sản phẩm. Anh đầu tư vốn mua máy may, máy vắt sổ và nhiều công cụ phục vụ in ấn hiện đại, chia quy trình sản xuất theo từng công đoạn. 

Riêng những công đoạn chính đều do vợ chồng anh Phục trực tiếp thực hiện. Bởi theo anh Phục, may cờ khó nhất là khâu đính sao vàng vào lá cờ theo đúng tỷ lệ. Công đoạn này đòi hỏi người thợ phải thao tác tỷ mỷ và chính xác tuyệt đối. 

Lá cờ mang hồn thiêng dân tộc nên may cờ tuy không đòi hỏi kỹ thuật cao nhưng phải khéo léo, cẩn thận với nhiều công đoạn phức tạp. Để có được một lá cờ đẹp phải trải qua các công đoạn pha vải, đo, cắt, chèn sao, may... 

Mỗi công đoạn đều đòi hỏi người làm cờ phải thực sự khéo léo, tỷ mỷ trong từng đường kim, mũi chỉ. Ở một khía cạnh nào đó, người thợ may cũng giống như người nghệ sĩ, phải biết "thổi hồn" cho những lá cờ ấy...

Hiện nay, xưởng sản xuất của gia đình anh Phục có 10 lao động làm việc thường xuyên, trung bình mỗi ngày may từ 300 – 400 lá cờ, với đủ mọi kích cỡ khác nhau. 

Tuy nhiên, vào dịp cao điểm chuẩn bị cho những ngày lễ lớn của đất nước như dịp 30/4, 2/9, do số lượng đơn đặt hàng lớn, xưởng phải hoạt động từ 12 – 14 tiếng/ngày mới kịp trả hàng cho khách. 

Ngoài những đơn đặt hàng may cờ đỏ sao vàng truyền thống, gia đình anh còn nhận làm những lá cờ có độ khó và phức tạp hơn như thêu tay sao vàng và chữ trên cờ. 

Sau khi hoàn tất các công đoạn, cờ được giặt sạch và phơi, gấp phẳng phiu trước khi đóng gói thành phẩm. Tất cả các lá cờ đều được kiểm tra kỹ lưỡng trước khi xuất xưởng… 

"Nghề may cờ tuy không mang lại thu nhập cao nhưng mình luôn cảm thấy tự hào bởi đã góp một phần công sức để dệt nên hình ảnh đất nước" - Anh Phục tâm sự. Thế nên, gia đình anh Phục vẫn kiên trì bám nghề và giữ nghề.Giữ nghề

Ông Nguyễn Văn Thuận – Phó Chủ tịch UBND xã Lê Lợi - cho biết: Hiện nay ở Từ Vân không còn nhiều hộ duy trì nghề may cờ Tổ quốc. Song việc gìn giữ và phát triển làng nghề không chỉ mang lại thu nhập ổn định cho các hộ mà còn thể hiện lòng yêu nước, niềm tự hào dân tộc của Nhân dân làng Từ Vân nói riêng và xã Lê Lợi nói chung. 

Vì vậy, cùng với việc khuyến khích các gia đình trong xã nhân rộng nghề may cờ, xã còn sẵn sàng hỗ trợ vốn vay cho các gia đình có nhu cầu mở xưởng sản xuất. 

Cũng theo ông Thuận, trên cả nước có rất nhiều cơ sở may cờ Tổ quốc, song nếu nói về số lượng và chất lượng thì Từ Vân vẫn đứng đầu. Đặc biệt là cờ thêu thì có lẽ cả nước chưa có nơi nào vượt qua. 

Hiện nay, sản phẩm cờ đỏ sao vàng của làng Từ Vân không chỉ cung cấp cho hầu hết các cửa hàng trên phố Hàng Bông mà còn xuất đi nhiều địa phương trên cả nước với số lượng lớn. 

Trải qua bao thăng trầm lịch sử, tình yêu Tổ quốc, lòng tự hào dân tộc vẫn ngày ngày được nhân lên qua từng đường kim mũi chỉ của người làng Từ Vân. 

Và người Từ Vân vẫn ngày đêm miệt mài biến những tấm vải đỏ - vàng vô tri thành những lá cờ đỏ sao vàng mang hồn Tổ quốc cho hôm nay và cho mãi mai sau.

"Lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em đang tung bay trên cột cờ Lũng Cú, Hà Giang - nơi cực Bắc của Tổ quốc chính là lá cờ lớn nhất mà gia đình tôi may từ trước đến nay" - Anh Nguyễn Văn Phục (Thôn Từ Vân, xã Lê Lợi, Thường Tín, Hà Nội)
Theo ktdt.vn

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ