Gia đình 4 thế hệ cùng làm nghề giáo

GD&TĐ - Bên dòng sông Chu huyền thoại, có một gia đình nổi tiếng với 4 thế hệ cùng làm nghề dạy học. Đó là gia đình cố nhà giáo - chiến sĩ cách mạng trung kiên Hà Duyên Đạt.

Ông Sơn bên bức sắc phong chức “Tòng cửu phẩm văn giai” của ông nội.
Ông Sơn bên bức sắc phong chức “Tòng cửu phẩm văn giai” của ông nội.

Từ thế hệ của cụ, các con, cháu đã tiếp nối nghề giáo với lòng nhiệt thành, đầy tâm huyết. 

Những năm tháng khói lửa

Từ trung tâm thị trấn Thọ Xuân chạy xe chừng 3km trên con đường được trải nhựa phẳng lì, dẫn chúng tôi đến địa phận xã Xuân Lai (Thọ Xuân, Thanh Hóa). Vùng đất này nằm ngay phía tả ngạn sông Chu – dòng sông huyền thoại mang đậm dấu ấn lịch sử và thơ ca.

Với công lao đóng góp cho sự nghiệp cách mạng, cụ Hà Duyên Đạt được Chủ tịch nước phong tặng Huân chương Độc lập hạng Ba. Cụ Hà Duyên Tuyển (bố ông Sơn) được phong tặng Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì, Huân chương chống Mỹ cứu nước hạng Nhất.

Chạy xe qua cây cầu mang tên Hạnh Phúc phía đầu làng, chúng tôi được người dân chỉ dẫn vào căn nhà khang trang ở thôn 5. Vừa dừng xe, một ông lão dáng vẻ thanh thoát từ trong nhà bước ra, niềm nở mời chúng tôi vào nhà.

Căn nhà không quá rộng nhưng được điểm tô rực rỡ sắc màu bởi những khóm hoa hồng cùng vườn rau xanh mướt được chủ nhà là ông Hà Duyên Sơn (70 tuổi), kỳ công chăm sóc. Mặc dù, đã ở tuổi “thất thập” nhưng ông Sơn vẫn toát lên vẻ linh hoạt và minh mẫn.

Rót ly trà nóng hổi mời khách, ông Sơn hồ hởi chia sẻ về những năm tháng đã đi qua. Dường như cả một bầu trời ký ức bất chợt ùa về đong đầy trong khóe mắt ông giáo già. Trong trí nhớ của ông, ông nội Hà Duyên Đạt và người cha kính yêu Hà Duyên Tuyển đều là những người yêu nước, tận tình với công việc.

“Năm tôi lên 6, 7 tuổi, ông nội đã không còn dạy học nữa do di chứng của những năm tháng bị thực dân Pháp tù đày. Không còn nghiệp bút nghiên, giấy mỏng, mực xanh… ông nội tôi chuyên tâm vào công việc bốc thuốc Đông y, chữa bệnh cho bà con chòm xóm đến cuối đời”, ông Sơn tâm sự.

Theo lời kể của gia đình và người dân địa phương, cụ Hà Duyên Đạt là một người thầy cần mẫn, giỏi chữ Nho. Cụ được triều đình nhà Nguyễn sắc phong chức “Tòng cửu phẩm văn giai”, triều vua Khải Định năm 1921.

Trong thời gian dạy học ở Trường làng Đông (xã Xuân Yên, huyện Thọ Xuân), cụ Đạt còn tham gia cách mạng. Cuối năm 1931, cụ cùng nhiều chiến sĩ bị bắt và đày đi nhà tù Lao Bảo (Quảng Trị).

Hơn 6 năm bị tù đày, cụ được ân xá sau khi phong trào Mặt trận nhân dân Pháp và phong trào trong nước phát triển mạnh mẽ, yêu cầu thả tù chính trị…Trở về quê hương, cụ Đạt không thể tiếp tục dạy học do di chứng của những năm tháng bị gông cùm. Với kinh nghiệm phong phú về Đông y, cụ Hà Duyên Đạt chuyên tâm bốc thuốc chữa bệnh, cứu người cho đến khi qua đời (năm 1960).

Ông Sơn chia sẻ về những người trong gia đình theo nghề dạy học. Từ trái qua lần lượt là: Chú ruột, cháu (thứ 2, 3, 5) và hai người con trai của ông Sơn (thứ 4, 6).
Ông Sơn chia sẻ về những người trong gia đình theo nghề dạy học. Từ trái qua lần lượt là: Chú ruột, cháu (thứ 2, 3, 5) và hai người con trai của ông Sơn (thứ 4, 6).

Tiếp bước cha, cụ Hà Duyên Tuyển (bố ông Sơn) cũng gắn bó với nghề dạy học suốt cuộc đời. Khi đứng trên bục giảng, cụ toát lên hình ảnh người thầy cần mẫn, tận tình vì học sinh thân yêu. Lúc phải đứng lên chiến đấu bảo vệ quê hương, cụ trở thành chiến sĩ kiên trung, bất khuất.

“Trong trí nhớ của tôi, bố là người say sưa với sách vở, trường lớp. Ngày còn nhỏ, tôi vẫn thường được bố dẫn tới Trường cấp 1 Xuân Thiên (xã Xuân Thiên, huyện Thọ Xuân) - nơi ông công tác.

Từ sáng sớm, hai cha con phải đi bộ quãng đường hơn chục km mới tới nơi. Cuối ngày, lại vượt quãng đường như thế để về nhà. Vậy mà, bố tôi ngày nào cũng đi như thế. Khó nhọc là vậy, nhưng cụ vẫn say sưa, nhiệt huyết với công việc”, ông Sơn bộc bạch.

Cũng như ông nội và người cha của mình, thầy giáo Hà Duyên Sơn là thế hệ thứ ba trong gia đình theo nghề dạy học. Năm 1971, khi đang là sinh viên Trường ĐH Sư phạm Vinh (Nghệ An), người thanh niên ấy đành gác lại hạnh phúc cá nhân, để lên đường nhập ngũ theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Ông cùng đồng đội thuộc Sư đoàn 9 chiến đấu tại chiến trường Đông Nam Bộ, vô cùng khốc liệt. Trước mũi tên, hòn đạn, song người chiến sĩ ấy không màng chuyện sống chết, chỉ một lòng mong giành thắng lợi để sớm trở về cố hương.

Sau khi giành thắng lợi lớn ở các chiến dịch giải phóng huyện Dầu Tiếng, Bến Cát (Bình Dương) và Chơn Thành (Bình Phước)… ông Sơn cùng đồng đội tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử, tiến vào giải phóng Sài Gòn đêm 29/4/1975.

Là người cùng nghề nên giữa ông Sơn và vợ luôn có sự thấu hiểu, cảm thông, cùng nhau vượt qua khó khăn.
Là người cùng nghề nên giữa ông Sơn và vợ luôn có sự thấu hiểu, cảm thông, cùng nhau vượt qua khó khăn. 

Vượt qua khó khăn

Khi đất nước sạch bóng quân thù, ông trở về quê hương tiếp tục chương trình học tập còn dang dở. Năm 1977, ông Sơn xây dựng gia đình với cô giáo Hoàng Thị Mai.

Một năm sau, thầy Hà Duyên Sơn được điều động công tác tại Trường Cao đẳng Sư phạm Nghĩa Bình (tỉnh Quảng Ngãi, Bình Định ngày nay). Đây cũng là thời gian khó khăn nhất đối với ông, kể từ khi lập gia đình.

“Công tác xa nhà giữa lúc con còn nhỏ dại, một tay vợ tôi quán xuyến lo liệu mọi việc. Ngoài dạy học, vợ tôi tranh thủ chăn nuôi thêm gia súc, gia cầm để lo cho con và trang trải cuộc sống”, ông Sơn trải lòng.

Nhớ lại những khó khăn thuở hàn vi, bà Hoàng Thị Mai (69 tuổi, vợ ông Sơn) cũng không khỏi xúc động: “Có những ngày không có tiền đong gạo, tôi cùng các con chỉ biết ăn khoai, sắn cho đỡ đói. Khó khăn, đói kém là vậy nhưng cũng không dập tắt được ý chí, khát khao giảng dạy nung nấu trong lòng”.

Sau nhiều năm làm tốt công tác chuyên môn, năm 2002, thầy Sơn được điều động giữ chức Hiệu trưởng Trường THPT Thọ Xuân 4. Ngôi trường mới thành lập với biết bao khó khăn, bộn bề trên mảnh đất Thọ Xuân.

“Bằng sự đồng lòng quyết tâm cùng sự hỗ trợ của Nhà nước, phụ huynh học sinh đã giúp ngôi trường “thay da đổi thịt”. Từ chỗ thiếu thốn phòng học, sân chơi, nhà hiệu bộ từng bước được hoàn thiện qua mỗi năm học”, ông Sơn chia sẻ.

Đại gia đình ông Hà Duyên Sơn cùng con trai, dâu và các cháu.
Đại gia đình ông Hà Duyên Sơn cùng con trai, dâu và các cháu.

Gia đình truyền thống

Ngoài bố ông Sơn, cụ Hà Duyên Đạt còn có 4 người con trai khác theo nghề dạy học. Trong đó, người con trai thứ hai Hà Duyên Kính, nguyên Hiệu trưởng Trường cấp 1 xã Xuân Lai. Ông Kính cũng có 4 người con cùng theo nghề, tiêu biểu là người con trai cả Hà Duyên Châu, nguyên Viện trưởng Viện Vật lý địa cầu, giảng viên ĐH Mỏ - Địa chất.

Theo thống kê sơ bộ của gia đình, đến nay có hơn 20 người, gồm: Con, cháu ruột, cháu dâu và chắt nội, ngoại của cụ Hà Duyên Đạt theo nghề dạy học. Trong số những người đỗ đạt của gia đình, có 2 PGS, 3 tiến sĩ, 8 thạc sĩ và gần 30 người trình độ đại học đang công tác ở các lĩnh vực khác nhau. Ngoài ra, còn khoảng 7 người cháu đang theo học đại học và trên đại học ở trong và ngoài nước.

Để thúc đẩy truyền thống học hành, ông Sơn thành lập quỹ khuyến học gia đình mang tên người ông quá cố Hà Duyên Đạt. Hàng năm, quỹ sẽ trao phần thưởng cho các cháu trong gia đình đạt thành tích cao trong học tập.

Bên cạnh đó, vợ chồng ông cũng xây dựng thư viện sách ngay trong gia đình, với mong muốn lan tỏa văn hóa đọc đến mọi người. Hiện nay, thư viện có trên 2.000 đầu sách, với hơn 8.000 cuốn phục vụ miễn phí cho học sinh và người dân địa phương.

PGS.TS Hà Duyên Trung (42 tuổi) là con trai thứ hai của ông Hà Duyên Sơn và cũng là thế hệ thứ 4 của gia đình theo nghề dạy học. Hiện, PGS.TS Hà Duyên Trung là Trưởng khoa Kỹ thuật truyền thông, Trường Điện – Điện tử thuộc Trường ĐH Bách khoa Hà Nội.

Với PGS.TS Hà Duyên Trung, truyền thống gia đình vừa là niềm vinh dự tự hào, vừa khích lệ bản thân nỗ lực hơn trong công việc, cuộc sống. “Mặc dù, làm công tác quản lý nhưng vai trò chính của tôi hiện nay vẫn là giảng dạy và nghiên cứu khoa học. Ngoài ra, tôi cũng hướng dẫn sinh viên làm các dự án nghiên cứu, đồ án tốt nghiệp…

Có lẽ niềm vui, niềm hạnh phúc nhất của nghề dạy học nói chung, đó là sự trưởng thành của các thế hệ học sinh, sinh viên. Với tôi, đó còn là được hỗ trợ các em nghiên cứu, làm đồ án tốt nghiệp. Để khi ra trường, các em có công việc ổn định”, PGS.TS Hà Duyên Trung chia sẻ.

Ông Lê Huy Nhị - Trưởng phòng GD&ĐT huyện Thọ Xuân - cho biết: Gia đình nhà giáo Hà Duyên Sơn giàu truyền thống học hành ở địa phương, với 4 thế hệ cùng làm nghề giáo.

“Gia đình ông Hà Duyên Sơn là tấm gương điển hình cho truyền thống học hành. Truyền thống gia đình đã tạo ra sự lan tỏa, khích lệ mạnh mẽ đến thế hệ trẻ hôm nay và mai sau tiếp nối nghề dạy học”, ông Nhị nói.

Ở thị trấn Thọ Xuân có tuyến phố mang tên người chiến sĩ cách mạng trung kiên – Hà Duyên Đạt. Tuyến phố kéo dài từ đường Lê Văn Linh đến chân đê song song liền kề đường Lê Hoàn. 

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ