Ở tuổi ngoài 80, ông bà hạnh phúc khi cả 3 người con cùng cháu gái tiếp nối nghề giáo với lòng đầy nhiệt thành và tâm huyết.
Những năm tháng không quên
Vùng trời Yên Thịnh chiều cuối tuần mưa lất phất. Từ đầu làng, chúng tôi được người dân chỉ dẫn vào căn nhà khang trang nằm cuối con hẻm ở thôn 3. Vừa dừng xe, một cụ ông dáng vẻ điềm đạm từ trong nhà bước ra, giọng hồ hởi chào, mời chúng tôi vào nhà. Mặc dù, đã ở bậc “xưa nay hiếm” (81 tuổi), nhưng ông Quang vẫn minh mẫn, cử chỉ linh hoạt, đôi mắt tinh anh.
Gia đình ông Quang là một trong những gia đình tiêu biểu ở xã Yên Thịnh, bởi cả 3 thế hệ cùng làm nghề giáo. Từ thế hệ của vợ chồng ông, các con rồi đến cháu gái đều tiếp nối nghề với lòng nhiệt thành và tâm huyết.
Rót ly trà mời khách, ông Quang tâm sự: Ông từng giảng dạy tại Trường Tiểu học Yên Thịnh (xã Yên Thịnh) những năm đầu của thập kỷ 60, thế kỷ trước. Năm 1962, ông được điều động về công tác tại Trường Tiểu học Yên Tâm (xã Yên Tâm, Yên Định).
Năm 1963, ông lên đường nhập ngũ. Rời quê nhà, tạm gác lại mối lương duyên đã đính ước, người thầy ấy cùng quân tình nguyện Việt Nam sang sát cánh cùng quân và dân nước bạn Lào.
“Khi cùng đồng đội chiến đấu, tôi chẳng băn khoăn gì chuyện sống chết. Điều khiến tôi nhớ nhất những năm tháng ấy, chính là tình cảm ấm áp, mặn nồng mà chúng tôi dành cho nhau trong gian khổ, bom đạn”, ông Quang tâm sự.
Sau 2 năm chinh chiến, đến năm 1965, ông cùng đồng đội trở về đơn vị tại huyện Thọ Xuân (Thanh Hóa). Sau đó, tiếp tục hành quân ra Thái Bình, trực tiếp bảo vệ vùng biển từ Quảng Ninh vào đến Hòn Mê (Thanh Hóa).
Tại đơn vị, ngoài nhiệm vụ chính, ông Quang còn được phân công phụ trách giảng dạy văn hóa. Công việc chủ yến diễn ra vào buổi tối, sau khi đồng đội đã hoàn thành nhiệm vụ. Ba năm sau, do sức ép của bom đạn khiến sức khỏe ngày một yếu, ông được đơn vị giới thiệu về Ty Giáo dục Thanh Hóa (Sở GD&ĐT Thanh Hóa) ngày nay.
Trở về quê hương, ông được phân công giảng dạy tại Trường Cấp 1 Yên Phú (xã Yên Phú, Yên Định). Thời gian này, ông Quang vừa dạy vừa học hàm thụ thêm 4 năm tại Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa.
Năm 1969, thầy giáo trẻ Minh Quang nên duyên cùng người con gái kém một tuổi - Trịnh Thị Mận. Mối lương duyên này đã được hai bên gia đình đính ước từ 10 năm trước. Điều đặc biệt, là vợ ông cũng cùng nghề, vì vậy cả hai càng có sự đồng cảm và thấu hiểu nhau.
Sau 6 năm đứng lớp giảng dạy, ông Quang được điều động về Phòng GD&ĐT huyện Yên Định phụ trách Giáo dục Tiểu học.
Mặc dù cuộc sống có những thời điểm vô cùng khó khăn, nhất là khi các con bước vào độ tuổi học hành, thế nhưng, cả ông và vợ đều không bỏ cuộc, trái lại càng quyết tâm hơn mỗi khi nghĩ về tương lai. Để tiện bề chăm sóc con cái, bà Mận cũng xin chuyển công tác từ Trường tiểu học Đồng Lương (huyện Lang Chánh, Thanh Hóa) về Trường Cấp 1 – 2 Yên Thịnh.
Năm 1986, bà Mận xin về hưu trước tuổi để dành thời gian dạy bảo con cái. Rời xa bục giảng, bà Mận trở thành người phụ nữ của gia đình. Ngoài làm ruộng, bà chăn nuôi gia súc, gia cầm để lo cho các con ăn học và trang trải cuộc sống.
Nhớ lại những năm tháng khó khăn đã qua, bà Mận không khỏi ngậm ngùi, nhưng cũng cảm thấy tự hào vì đã chiến thắng được nghịch cảnh.
“Đời tôi không khác gì đời chị Dậu. Có những lúc quá khó khăn, tôi phải đành lòng bán cả ổ chó con mới đẻ, đi bộ 5 - 6 cây số để bán từng trái đu đủ xanh. Thậm chí, nhiều hôm phải giã riềng làm muối cho con ăn tạm. Dù vậy, tôi vẫn quyết tâm cho các con ăn học. Nhiều lúc vợ chồng tôi cũng phải động viên các con cố gắng vượt qua giai đoạn khó khăn”, bà Mận chia sẻ.
Đồng lòng cùng vợ, ngoài giờ làm việc ở cơ quan, ông Quang thường xuyên đỡ đần vợ việc nhà, chăn nuôi và dạy bảo con cái. “Thà thiếu cơm, thiếu áo chứ nhất quyết không được thiếu chữ. Là người làm cha, làm mẹ có thể thiếu thốn, nhưng nhất quyết phải cho con cái ăn học đàng hoàng”, ông Quang trải lòng.
Hơn 25 năm công tác tại Phòng GD&ĐT huyện Yên Định, ông Quang từng đảm nhận nhiều trọng trách. Trong đó, phải kể tới vai trò đặc trách trong công tác phổ cập Giáo dục tiểu học (GDTH), chỉ đạo bồi dưỡng học sinh giỏi cho huyện Yên Định… Dù ở vai trò nào, ông cũng hăng say, được đồng nghiệp tin tưởng và nhiệt tình ủng hộ.
Với những cống hiến trong công tác phổ cập GDTH, ông Quang vinh dự được Bộ GD&ĐT, UBND tỉnh Thanh Hóa tặng bằng khen. Cùng với đó là 6 Kỷ niệm chương trong các lĩnh vực Chữ thập đỏ, Giáo dục Thiếu niên Nhi đồng, Nhà giáo, Công đoàn và Cựu giáo chức.
Riêng công tác khuyến học ở huyện Yên Định, ông tham gia suốt 12 năm (2001 – 2012). Khi nghỉ hưu, ông tham gia Hội Cựu giáo chức và được bầu giữ chức Chủ tịch Hội Cựu giáo chức xã suốt 8 năm (2010 – 2018).
Dành cả cuộc đời say mê, nhiệt huyết với giáo dục, khi về hưu người thầy – người cán bộ ngành GD ấy cũng không khỏi bùi ngùi. “Có nhiều lúc tôi nhớ trường, nhớ đồng nghiệp, nhớ nơi từng công tác và công việc từng gắn bó đến da diết”, ông Quang tâm sự.
Con, cháu cùng theo nghề giáo
Đối với các con của mình, ông luôn dành sự quan sát, định hướng từ khi còn nhỏ. Điều này giúp ông nhìn ra được khả năng cũng như đam mê của từng người con.
“Phát hiện được sở trường và đam mê của các con, tôi định hướng ngay vào sư phạm. Để con chuyên tâm vào việc học, vợ chồng tôi luôn tạo điều kiện hết mức có thể”, ông Quang chia sẻ.
Không phụ lòng cha mẹ, cả ba người con của ông, bà hiện nay đều là cốt cán của ngành giáo dục. Chị Hà Thị Phúc (con gái đầu) là Hiệu trưởng Trường Tiểu học Yên Lạc (huyện Yên Định).
Con thứ hai Hà Văn Minh (47 tuổi) là PGS. TS, giảng viên Đại học Sư phạm Hà Nội. Vợ anh Minh cũng là tiến sĩ, công tác cùng ngành. Còn người con trai út Hà Đăng Việt (43 tuổi) là TS, giảng viên Trường Đại học Sư phạm Hà Nội.
Thế hệ thứ ba tiếp nối nghề dạy học của gia đình là cô giáo Nguyễn Hạnh Thương (29 tuổi, con gái chị Phúc) hiện là giáo viên Trường Mầm non thị trấn Quán Lào.
Chia sẻ về sự lựa chọn nghề nghiệp của mình, chị Hà Thị Phúc cho biết: “Chọn nghề dạy học là đam mê của tôi, được nhen nhóm từ khi bước vào cấp 3. Khi ấy, bố tôi chính là người định hướng và cũng là người truyền cảm hứng cho tôi đến với nghề.
Hơn 30 năm gắn bó, tôi chưa có giây phút nào cảm thấy hối hận với sự lựa chọn này. Một niềm vui, niềm hạnh phúc khi theo nghề dạy học, đó là chúng tôi luôn được gọi bằng một tiếng cô, tiếng thầy. Tôi nghĩ rằng, đây cũng là điều nhắc nhở bản thân cần có thái độ cũng như cách cư xử đúng mực”.
Hơn 5 năm gắn bó với nghề dạy học, cô giáo Nguyễn Hạnh Thương (con gái chị Phúc) luôn biết ơn sự định hướng từ gia đình. “Dù được mẹ định hướng theo nghề, nhưng tôi cũng đã tìm hiểu từ trước. Bản thân tôi cũng yêu quý trẻ con, nên không có một chút băn khoăn hay do dự khi đăng ký vào sư phạm”, Hạnh Thương chia sẻ.
Hạnh Thương cho rằng, là giáo viên mầm non bên cạnh sự vất vả còn đòi hỏi tính kiên trì và nhẫn nại. Nhưng bù lại, các bé luôn mang đến nhiều niềm vui, sự tươi trẻ trong tâm hồn.
Ông Lê Việt Hòa - Phó trưởng Phòng GD&ĐT huyện Yên Định, cho biết: “Khi tôi về đảm nhận công tác, thì bác Quang đã về hưu. Tuy nhiên, qua nhiều buổi gặp gỡ, chia sẻ với các cụ nguyên là cán bộ của phòng, tôi luôn kính trọng ông bởi sự giản dị, điềm đạm và khiêm nhường”.
Theo ông Hòa, ngoài những đức tính trên, ông Quang còn sống chan hòa, tình cảm, luôn sẵn sàng giúp đỡ mọi người. Khi về hưu, ông còn tham gia Hội Cựu giáo chức góp phần lan tỏa, thúc đẩy công tác khuyến học, khuyến tài ở địa phương.
“Cả ba thế hệ gia đình nhà giáo Hà Minh Quang đều làm nghề dạy học, đây chính là một sự lan tỏa. Chí ít là đến họ hàng dòng tộc, sau nữa hàng xóm láng giềng…”, ông Hòa nói.