5 chị em dâu cùng làm nghề giáo

GD&TĐ - Có năm cô con dâu làm nghề dạy học, vợ chồng ông Thoan (bản Khó, thị trấn Hồi Xuân, huyện vùng cao, biên giới Quan Hóa, Thanh Hóa) luôn cảm thấy hạnh phúc vì con cháu luôn yêu thương, đỡ đần nhau trong cuộc sống.

Bữa tụ họp gia đình, có mặt 5 con dâu của cụ Lương Văn Thoan và Hà Thị Hạt. 
Bữa tụ họp gia đình, có mặt 5 con dâu của cụ Lương Văn Thoan và Hà Thị Hạt. 

Chuyến thăm đầu tiên

Từ trung tâm huyện Quan Hóa vào bản Khó không còn xa xôi, khó khăn như trước nữa, thay vào đó là con đường đã được trải nhựa phẳng lì. Xe chạy chừng 3 - 4 km, đã chạm tới cổng một ngôi nhà 2 tầng khá khang trang nằm cạnh lề đường.

Chỉ vào căn nhà, thầy giáo Trương Đức Văn – Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ (Quan Hóa), giới thiệu: Đây là nhà con trai út của cụ Lương Văn Thoan (76 tuổi) và Hà Thị Hạt (66 tuổi). Hai cụ hiện sinh sống với người con trai út để tiện bề chăm sóc lẫn nhau và giúp đỡ con cháu.

Thấy có khách đến, ông bà đều ra ngồi tiếp và trò chuyện với chúng tôi. Mặc dù đã ở cái tuổi “thất thập”, nhưng cụ Thoan vẫn mạnh khỏe, dáng người rắn chắc, đôi mắt tinh tường, chân tay nhanh nhẹn.

Sau khi nghe thầy giáo Văn giới thiệu về những người khách đến thăm nhà, cụ Thoan tươi cười, giọng hài hước: “Chuyện gia đình tôi có 5 cậu con trai lấy 5 cô dâu làm nhà giáo, thì ở cái bản Khó và cả vùng quê này có nhiều người biết. Nhưng, chuyện có nhà báo của ngành Giáo dục đến thăm nhà hôm nay, đây mới là lần đầu tiên đấy”.

Ngồi trò chuyện với chúng tôi, hai vợ chồng cụ Thoan kể nhiều chuyện về thời trai trẻ. Hai người tự đến với nhau bằng tình yêu đôi lứa, chứ không bị cha mẹ sắp đặt như nhiều người ở cùng thời.

Năm 1976, từ chiến trường trở về quê hương, anh bộ đội phục viên Lương Văn Thoan vẫn được cô gái Hà Thị Hạt một lòng, một dạ chờ đợi để kết tóc se duyên. Sau khi hai người nên vợ thành chồng, ông Thoan được chính quyền tạo điều kiện và mời tham gia công tác tại Phòng Kế hoạch của UBND huyện Quan Hóa. Thế nhưng, lúc bấy giờ do điều kiện của gia đình quá khó khăn, nên ông Thoan xin về làm Chủ nhiệm Hợp tác xã Nông nghiệp Hồi Xuân, để đỡ đần cho vợ và chăm sóc đứa con đầu lòng.

Những lúc rảnh rỗi, cụ Thoan thường tranh thủ dạy cháu nội học chữ.
Những lúc rảnh rỗi, cụ Thoan thường tranh thủ dạy cháu nội học chữ.

Ngồi bên cạnh chồng, cụ bà Hà Thị Hạt, vui vẻ hồi tưởng lại câu chuyện ngày xưa. Cụ bảo rằng, ngày ấy sao mà cuộc sống khốn khó quá. “Cả bản, cả xã, cả vùng ai cũng khó khăn. Cơm không đủ ăn, áo không đủ mặc, nên khi thấy ông nhà tôi xin thôi làm cán bộ huyện để về chăm sóc vợ con, tôi đã khóc vì thương chồng.

Lúc ấy, tôi bảo ông là cứ đi làm cán bộ, chứ đừng về. Ông bỏ về như thế, sẽ không có lương hàng tháng, dù rằng lương lúc đó chỉ được vài đồng thôi, nhưng vẫn còn hơn ở nhà nai lưng ra làm nương, làm rẫy. Thế nhưng, ông vẫn cương quyết xin về để giúp đỡ tôi và chăm sóc cho các con. Bây giờ nghĩ lại mới thấy, cũng may là ông ấy xin về đỡ đần cho mẹ con, nếu không chưa chắc 5 anh con trai đã thành người như bây giờ”, cụ Hạt trải lòng.

Cụ Hạt sinh ra, lớn lên trong một gia đình đông anh chị em nhưng mẹ mất sớm. Cụ là con thứ 3 trong nhà, lại là chị gái của 5 đứa em, nên phải bỏ học giữa chừng để thay mẹ nuôi các em.

“Ông đến ngỏ lời yêu từ năm bà mới 13 tuổi đấy, các anh ạ. Khi ông ngỏ lời bà cũng đồng ý luôn, nhưng mà phải mất 10 năm sau, mới nên vợ thành chồng, vì ông bận đi chiến trường. Mà cũng may là ông đi chiến trường đấy, nếu không hai ông bà cưới nhau từ lúc bà mới 13 tuổi, thì vi phạm Luật Hôn nhân rồi”, cụ Hạt khôi hài kể.

Từ năm 1976, sau khi nên vợ thành chồng, cứ 2 năm, vợ chồng cụ Thoan sinh hạ một người con trai. Trong số 5 người, có anh Lương Thế Thiệp (giáo viên Trường THCS Nam Tiến) và Lương Văn Thường (Phó Hiệu trưởng Trường THCS Phú Lệ) theo nghề sư phạm. Anh Lương Văn Chí, hiện công tác tại UBND huyện Quan Hóa, còn anh Lương Văn Thiện và Lương Văn An đang làm nghề tự do.

“Giờ đây, hai ông bà đã có cuộc sống tạm ổn rồi. Năm người con đều đã yên bề gia thất. Đứa nào cũng có nhà cửa riêng, con cái đầy đủ và công ăn, việc làm ổn định. Hai ông bà giờ đây vẫn làm 4 sào ruộng, rồi dành sức chăm nhau và dạy bảo các cháu”, cụ Hạt bộc bạch trong niềm hạnh phúc.

Cô giáo Hà Thị Huệ (con dâu của cụ Thoan) soạn giáo án.
Cô giáo Hà Thị Huệ (con dâu của cụ Thoan) soạn giáo án.

Duyên phận đặc biệt

Hôm chúng tôi đến thăm gia đình, vợ chồng cụ Thoan thông báo cho tất cả 5 con dâu và 10 cháu nội tụ họp về nhà. Các con của 2 cụ đều sinh sống tại thị trấn Hồi Xuân.

Người con dâu cả là chị Hà Thị Xuân (40 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Nam Tiến. Chị dâu thứ 2 là Hà Thị Tính (39 tuổi), giáo viên Ngoại ngữ của Trường THPT Quan Hóa. Con dâu thứ 3 của vợ chồng cụ Thoan là Hà Thị Thảo (38 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Phú Xuân. Người con dâu thứ tư là Hà Thị Huệ (36 tuổi), giáo viên Trường Tiểu học Phú Xuân và cô dâu út, Lộc Thị Biến đang là giáo viên Trường Mầm non Nam Tiến (huyện Quan Hóa).

Cô Hà Thị Huệ dí dỏm nói với chúng tôi: “Khi về làm con của ông bà, cả 5 chị em dâu mới ngớ người ra vì cùng ngành, nghề với nhau. Đặc biệt, tôi và bác dâu thứ 3 đang công tác cùng một trường. Có thể, do cái duyên phận gì đó đã dẫn dắt 5 chị em chúng tôi về làm con của ông bà, để bù đắp những thiệt thòi cho 2 cụ ở thời son trẻ chăng?”.

Kể về những ngày gian khó khi 2 anh em quyết tâm theo nghề sư phạm, thầy giáo Lương Văn Thường cho biết: Năm 1997, hai anh em Lương Thế Thiệp và Lương Văn Thường cùng thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa (nay là Trường ĐH Hồng Đức).

Lúc bấy giờ, cuộc sống của gia đình rất cơ hàn. Bố mẹ quanh năm làm lụng quần quật để nuôi 5 anh em. Nhiều khi, miếng ăn ở trong nhà không đủ, thì lấy tiền đâu để nuôi các con đi học. “Năm ấy, thằng út (Lương Văn An – PV) mới được 13 tuổi. Bố mẹ tôi ở nhà lo cho 3 đứa em đã là khốn khó lắm rồi. Vì thế, khi hai anh em thi đậu vào Trường Cao đẳng Sư phạm Thanh Hóa, chúng tôi phải đi làm thuê, để kiếm tiền ăn học. Hàng ngày, sau buổi lên giảng đường, hai anh em lại tranh thủ đi tiếp thị bột giặt, dầu gội đầu... thậm chí, đi rửa bát thuê ở các quán hàng ăn”, thầy Thường kể lại.

Nghe con trai kể chuyện, bà cụ Hạt không cầm được nước mắt, bảo rằng: “Thời đó, hai thằng con lớn đi học xa gia đình. Ở nhà, hai vợ chồng tôi nai lưng ra làm đủ việc, để kiếm cơm cho 3 đứa em.

Thầy, cô giáo ở dưới xuôi lên bám bản, dạy cái chữ và luôn động viên các con không được bỏ học. Vì thế, chúng tôi thường răn dạy các con là đời bố mẹ đã không được ăn học rồi, các con phải cố gắng mà học lấy cái chữ. Có học được cái chữ, thì sau này các con mới có cơ hội thay đổi cuộc đời.

Giờ đây, dù cuộc sống chưa phải là giàu sang gì so với người khác, nhưng niềm hạnh phúc lớn nhất của vợ chồng tôi chính là 5 đứa con đều được học hành và đã ổn định cuộc sống”.

“Vợ chồng chúng tôi đã có 10 đứa con và 10 cháu nội. Cuộc sống tuổi già cũng cảm thấy toại nguyện rồi. Hạnh phúc nhất là các con, cháu trong gia đình luôn yêu thương, đùm bọc để chia sẻ cho nhau những lúc khó khăn”, cụ Thoan mỉm cười.

Ông Cao Bằng Nghĩa, nguyên Trưởng ban Tuyên giáo Huyện ủy, nguyên Chủ tịch Hội Khuyến học huyện Quan Hóa, cho biết: Gia đình ông Thoan, bà Hạt là một gương điển hình hiếu học không chỉ trong bản, mà cả ở trong huyện và tỉnh Thanh Hóa.

“Một gia đình người đồng bào dân tộc Thái, ở vùng đất còn nhiều khó khăn. Song, không vì thế mà ông bà ấy bỏ mặc các con. Cả cuộc đời của ông Thoan, bà Hạt đã vất vả làm lụng, để nuôi các con ăn học. Giờ đây, trong đại gia đình ấy có tới 7 nhà giáo, trong đó 2 con trai và 5 con dâu.

Không chỉ được Hội Khuyến học tỉnh, huyện trao tặng nhiều bằng khen, giấy khen, gia đình ông Thoan còn được nhận danh hiệu Gia đình hiếu học tiêu biểu của tỉnh Thanh Hóa. Ông Lương Văn Thoan cũng là người có uy tín trong làng, bản. Đây là một gương điển hình về gia đình hiếu học của đồng bào dân tộc Thái, ở vùng miền núi tỉnh Thanh, để mọi người noi theo. - Ông Cao Bằng Nghĩa

Tin tiêu điểm

Đừng bỏ lỡ

Hiểu lầm là một trong những nguyên nhân chính hủy hoại hôn nhân. (Ảnh: ITN).

'Kẻ thù giấu mặt' phá hoại hôn nhân

GD&TĐ - Hôn nhân, sự kết hợp giữa tình yêu và sự cam kết thường phải đối mặt với những thách thức có thể làm suy yếu sự ổn định của nó.